Bộ Giao thông vận tải tìm giải pháp xử lý sụt giảm doanh thu BOT cầu Thái Hà

Bộ Giao thông vận tải vừa có thông tin về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án BOT cầu Thái Hà, cũng như phương án đầu tư và mở rộng 1,3km đường dẫn nhằm kết nối khai thác đồng bộ với 2 tuyến cao tốc.

Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà.

Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà.

Dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn 1) theo hình thức hợp đồng BOT (gọi là dự án BOT cầu Thái Hà) có chiều dài khoảng 5,6 km, quy mô 2 làn xe; tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng; khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018.

Hiện nay, dự án BOT cầu Thái Hà đang thu phí hoàn vốn nhưng nhiều phương tiện lựa chọn đi theo hướng cầu Hưng Hà để không mất phí, doanh thu BOT chỉ đạt 16% so với hợp đồng. Do doanh thu sụt giảm, nguồn thu phí của nhà đầu tư không đủ bù đắp chi phí bảo trì, trả lãi vay.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án BOT cầu Thái Hà, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp vốn tín dụng để thống nhất giải pháp xử lý khó khăn vướng mắc và trách nhiệm chia sẻ rủi ro của các bên.

Đến nay, nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng đã thống nhất và kiến nghị giải pháp bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ dự án để bảo đảm khả thi về tài chính. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) để có đủ cơ sở pháp lý khi xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành.

Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT cầu Thái Hà.

Lưu lượng xe và doanh thu thu phí cầu Thái Hà bị sụt giảm sau khi cầu Hưng Hà thông xe.

Lưu lượng xe và doanh thu thu phí cầu Thái Hà bị sụt giảm sau khi cầu Hưng Hà thông xe.

Về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km từ 2 làn xe lên 4 làn thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà nhằm bảo đảm khai thác đồng bộ với tuyến nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, ngày 5/9/2024, Cục Đường bộ Việt Nam (cơ quan ký hợp đồng dự án) đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam về phương án đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn cầu Thái Hà.

Tại cuộc họp, nhà đầu tư đề nghị tiếp tục được thực hiện đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thuộc phạm vi đường dẫn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, trong điều kiện doanh thu thu phí của dự án bị sụt giảm (chỉ đạt 16% so doanh thu trong hợp đồng), trường hợp bổ sung đầu tư mở rộng đoạn tuyến 1,3km thì khó khăn, vướng mắc của dự án sẽ tăng thêm (văn bản số 6201/CĐBVN-KHĐT ngày 10/9/2024 của Cục Đường bộ Việt Nam).

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện phương án bàn giao đoạn tuyến 1,3 km cho địa phương thực hiện đầu tư mở rộng, bảo đảm khai thác đồng bộ với dự án đường nối hai tuyến cao tốc.

TRANG LY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-giao-thong-van-tai-tim-giai-phap-xu-ly-sut-giam-doanh-thu-bot-cau-thai-ha-post831684.html