Bộ GDĐT nên xem xét điều chỉnh số lượng biên chế giáo viên theo từng vùng miền
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho ý kiến chuyển đổi mô hình các CSGD mầm non, trung học phổ thông từ công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Nội vụ đã có những chia sẻ, cho ý kiến liên quan đến công tác triển khai nhiệm vụ giáo dục đào tạo.
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, Bộ Công an luôn nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp trồng người. Giáo dục đào tạo là giải pháp căn cơ bảo vệ an ninh văn hóa, an toàn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa từ sớm những tác động đến an ninh trật tự.
Trong thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều chương trình phối hợp, thực hiện các thông tư liên tịch nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh an toàn tổ chức các kỳ thi.
Đặc biệt, Bộ Công an lưu ý việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục để vi phạm pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đã tạo ra nhóm người có những quan điểm không phù hợp với quan điểm của Đảng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý về những hành vi phá hoại an ninh trật tự trong không gian mạng tác động đến học sinh, sinh viên, giáo viên.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, dù chỉ có 2,63% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng qua từng năm. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ đánh giá và tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để có giải pháp đồng bộ trong xử lý sớm những vấn đề tiềm ẩn phức tạp, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đảm bảo an ninh an toàn lĩnh vực giáo dục và không có ranh giới như: sẵn sàng tăng cường lực lượng cán bộ công an các đơn vị ở địa phương đảm bảo tổ chức các kỳ thi, bảo đảm bí mật nhà nước và công tác quản lý cán bộ, học sinh sinh viên, công tác quản lý lao động, học tập ở nước ngoài; đưa nội dung phòng ngừa tội phạm vào chương trình học của học sinh, sinh viên.
Cùng phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường khẳng định: Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đến ngành giáo dục và đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, biên chế giáo viên giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850 người.
Đối với năm học 2023-2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền nhằm bổ sung biên chế giáo viên trong thời gian tới.
Chia sẻ về thực trạng hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, số lượng cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương đang thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học trong cùng cấp học ở vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. Và thực tế, việc phân bổ số lượng biên chế giáo viên còn thấp so với định mức tối đa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nguyên nhân do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Đa số địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt là đối với địa phương vùng sâu vùng xa.
Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số lượng biên chế được giao. Do đó, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét điều chỉnh số lượng biên chế theo từng vùng miền.
Về giải pháp tháo gỡ cho những khó khăn trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng:
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế.
Thứ hai, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa.
Thứ ba, các địa phương cần phê duyệt đề án tự chủ ở các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần làm rõ số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt các nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Về việc tuyển dụng giáo viên, các địa phương thực hiện xác định số lượng người làm việc ở các cơ sở giáo dục để xây dựng định mức, số lượng biên chế.