Bình Dương cần thêm 2 triệu liều vắc xin, ai tiêm mũi 1 Moderna sẽ tiêm mũi 2 Pfizer
Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin và đã tiêm gần hết số lượng. Để những người đã tiêm mũi 1 có vắc xin mũi 2, địa phương này kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 2 triệu liều. Về việc vắc xin Moderna không còn, Bình Dương sẽ tiến hành tiêm Pfizer mũi 2 để không bị lãng phí cho người đã tiêm mũi 1.
Người tiêm vắc xin Moderna sẽ thay bằng Pfizer
Sáng 7/9, Sở Y tế Bình Dương thông tin, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, địa phương ghi nhận 134.627 ca mắc COVID-19; 1.136 ca tử vong và hơn 80.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Thống kế một tuần qua cho thấy, số ca mắc mới ở Bình Dương có xu hướng giảm dần. Để kiểm soát dịch bệnh, tiến tới trở lại trạng thái “bình thường mới” sau ngày 15/9, Bình Dương đang “thần tốc xét nghiệm” và “thần tốc tiêm vắc xin” để vừa bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng vừa miễn dịch toàn dân.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, theo kế hoạch đến ngày 10/9, 100% dân số Bình Dương sẽ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19. Theo ông Chương, dựa trên dân số và đối tượng thuộc diện ưu tiên tiêm vắc xin, nếu mỗi người được tiêm đủ 2 liều vắc xin cần phải có hơn 4 triệu liều.
Tổng các đợt, Bộ Y tế đã phân bổ cho Bình Dương hơn 2,1 triệu liều, trong đó vắc xin Sinopharm là nhiều nhất (hơn 1 triệu liều), số còn lại là Astra Zeneca, Moderna, Pfizer. Đặc biệt, vắc xin Moderna ở Bình Dương không còn vắc xin để tiêm cho mũi 2. Địa phương này hiện còn 912.000 người đến thời hạn mũi 2 nhưng chưa được tiêm vắc xin và đang chờ phân bổ.
Để đủ số lượng tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân, Bình Dương cần được phân bổ thêm hơn 2 triệu liều vắc xin. Hiện Bình Dương còn hơn 300.000 liều vắc xin Sinopharm chưa tiêm, trong 2 ngày tới các đội tiêm sẽ tiêm hết số vắc xin này và sau đó tiếp tục tiêm thêm 300.000 liều Astra Zeneca và Pfizer đã phân bổ về.
TS.BS Nguyễn Hồng Chương cho biết, về việc tiêm vắc xin thay thế, Bộ Y tế đã đồng ý. Đối với vắc xin Moderna không còn, địa phương thực hiện tiêm mũi 2 thay thế là vắc xin Pfizer. Bởi Moderna và Pfizer là hai vắc xin tương tự nhau, cùng một cơ chế như nhau.
Vắc xin Moderna là vắc xin được tài trợ, không phải là vắc xin mua nên không có cam kết cung ứng và không biết khi nào sẽ được tài trợ tiếp. Do đó, buộc phải thay thế vắc xin để tránh lãng phí đối với người đã tiêm mũi 1.
Xây dựng lại kế hoạch tiêm vắc xin trong tình hình mới
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phía Nam xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin chi tiết, cụ thể, hoàn thành kế hoạch trước ngày 10/9 trong đó có tỉnh Bình Dương.
Bởi sau ngày 15/9 sẽ có địa phương tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ hoặc trở về trạng thái “bình thường mới”. Kế hoạch này cần chi tiết đến tận các huyện, thị, thành phố. Trong kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 không giới hạn số lượng người tiêm chủng, nhưng cần lưu ý bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại mỗi điểm tiêm. Đặc biệt, các địa phương vận dụng linh hoạt thời gian tiêm và huy động mọi lực lượng tham gia tiêm chủng bảo đảm nhanh, an toàn, hướng đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Về công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân F0 tại các bệnh viện và cơ sở dã chiến, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương yêu cầu ngành y tế khẩn trương mua các loại thuốc điều trị COVID-19 để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ cho công tác điều trị; đồng thời khẩn trương rà soát các địa phương có số ca tử vong cao do COVID-19 nhằm hỗ trợ, bố trí thêm nhân lực, đảm bảo thuốc, kịp thời can thiệp điều trị các ca bệnh F0 nặng và nguy kịch, giảm thấp nhất số ca tử vong.
Đặc biệt, tổ chức đánh giá lại các tầng điều trị, tầng nào chưa đạt yêu cầu tổ chức sắp xếp khoa học, nơi nào có đủ điều kiện thì mở rộng không gian để bệnh nhân được hoạt động tập thể dục, thể thao. Đối với người mắc COVID-19, chỉ được tiêm vắc xin sau 6 tháng điều trị khỏi bệnh.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương tiếp tục bóc tách F0 khỏi cộng đồng theo phương án ngày 1,3,5. Trong đó, tập trung hoàn thành việc xét nghiệm trong vòng 3 ngày đối với các địa phương vùng đỏ để có cơ sở đánh giá việc thực hiện trạng thái "bình thường mới” trong thời gian tới. Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh này xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” sau ngày 15/9.