Biên giới biển đảo quê hương: 25 năm ký hiệp ước biên giới và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài. Nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ truyền thống láng giềng hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc; với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; sau giai đoạn đàm phán hữu nghị phù hợp với luật pháp quốc tế, ngày 30/12/1999, tại Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sau khi ký Hiệp ước, hai Bên phối hợp triển khai công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa, đến ngày 31/12/2008, hai Bên ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước. Trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km, tổng cộng đã cắm được 1971 cột mốc, bao gồm cột mốc số 0 ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, 1548 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ. Ngày 18/11/2009, tại Bắc Kinh Trung Quốc đại diện Chính phủ 2 nước đã ký 03 văn kiện pháp lý, đó là: Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc,
Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, hai Bên chính thức tuyên bố 03 văn kiện pháp lý có hiệu lực và tiến hành quản lý, bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện pháp lý.
Hiệp ước biên giới và 03 văn kiện pháp lý nói trên đã trở thành “bộ hồ sơ” hoàn chỉnh nhất về đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, là cơ sở để hai nước xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài trên biên giới đất liền, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đường biên, mốc quốc giới, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của hai nước.
Sau khi 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc chính thức có hiệu lực ngày 14/7/2010, Việt Nam và Trung Quốc đã nhanh chóng thiết lập các cơ cấu bộ máy quản lý biên giới song phương như: Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc... nghiêm túc thực thi các văn kiện pháp lý, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết ổn thỏa các vụ việc phát sinh trong khu vực biên giới.
Lực lượng chức năng hai bên duy trì thường xuyên công tác tuần tra, giám sát biên giới, tổ chức hoạt động phát quang, đánh dấu đường thông tầm nhìn biên giới nhằm tạo thuận lợi cho cư dân và các lực lượng quản lý biên giới dễ dàng nhận biết đường biên giới, triển khai xây dựng các công trình biên giới, duy trì sự ổn định, rõ ràng của đường biên giới và mốc quốc giới.
Đồng thời, lực lượng chức năng hai bên cũng tích cực phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên biên giới như: tội phạm ma túy, tiền giả, mua bán phụ nữ và trẻ em, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu... góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng sôi động trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, các cơ quan chức năng và địa phương biên giới hai bên đã tích cực phối hợp thúc đẩy công tác mở, nâng cấp cửa khẩu và triển khai nhiều dự án kết nối giao thông khu vực biên giới. Đến nay, hai bên đã mở 15 cặp cửa khẩu gồm 7 cửa khẩu quốc tế và 8 cửa khẩu song phương, cùng nhiều lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, hai bên đã ban hành nhiều chính sách với các cơ chế tạo thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới, tích cực triển khai nhiều biện pháp hiện đại hóa góp phần giảm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa qua cửa khẩu; từng bước phát triển thương mại biên giới Việt – Trung theo hướng ổn định, bền vững, phù hợp với các điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu chung trên thế giới. Năm 2023, kinh ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đạt 42,67 tỷ USD, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2010, chiếm 24,83% kim ngạch xuất nhập khẩu song phương.
Những năm qua, hoạt động giao lưu hữu nghị được hai Bên tích cực triển khai với nhiều mô hình như kết nghĩa thôn, bản, đồn trạm biên phòng,... tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác hàng năm như Chương trình thường niên Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư 5 tỉnh khu và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 04 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Hội nghị Bí thư tỉnh ủy Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, hai Bên đã phối hợp tổ chức 8 lần Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, qua đó tăng cường tin cậy chính trị, thắt chặt tình đoàn kết, thúc đẩy hợp tác giữa quân đội cũng như lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân ở khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Về hợp tác du lịch, các cơ quan quản lý du lịch hai nước đã ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều Hiệp định và chương trình hợp tác du lịch song phương. Sau hơn 1 năm vận hành thí điểm, ngày 15/10 vừa qua, tại Trạm kiểm soát liên hợp khu vực mốc 834/1, hai bên đã phối hợp tổ chức lễ vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), thể hiện quyết tâm phối hợp nhằm tạo điểm đến tham quan an toàn, hiệu quả, hấp dẫn cho khách du lịch; góp phần quan trọng duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, kết nghĩa… thường xuyên được tổ chức giữa các huyện, tỉnh, thành phố hai bên biên giới, qua đó giúp gắn kết, tăng cường tình đoàn kết giữa người dân hai bên biên giới.
Phát huy những thành tựu đạt được sau 25 năm ký Hiệp ước biên giới trên đất liền và 15 năm ký 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn kiện pháp lý và các thỏa thuận có liên quan, tích cực thúc đẩy công tác mở và nâng cấp cửa khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương giữa hai nước, đồng thời tiếp tục tăng cường hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực tại khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới giữa hai nước thực sự là đường biên giới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, củng cố vững chắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, giữ gìn môi trường hòa bình, hữu nghị phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!