Bên trong cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử xung đột Nga - Ukraine
Cuộc tấn công mới được Ukraine tiết lộ này đã đẩy giới hạn của chiến tranh hiện đại lên một tầm cao mới, khi cuộc tấn công được thực hiện hoàn toàn bởi các thiết bị không người lái từ robot đến UAV.
![Một thiết bị không người lái mặt đất của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 của Ukraine đang tiến về phía lực lượng Liên bang Nga trên chiến trường. Ảnh cắt từ clip của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 đăng trên kênh Youtube](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_294_51434942/664fab20906e7930207f.jpg)
Một thiết bị không người lái mặt đất của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 của Ukraine đang tiến về phía lực lượng Liên bang Nga trên chiến trường. Ảnh cắt từ clip của Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 đăng trên kênh Youtube
Vào cuối năm 2024, Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 của Ukraine, có phiên hiệu là “Khartiia”, đã khiến các lực lượng của Liên bang Nga bất ngờ khi thực hiện cuộc tấn công phối hợp đầu tiên trong lịch sử khi lực lượng tham gia tấn công hoàn toàn là thiết không người lái. Cuộc tấn công mang tính lịch sử này sử dụng nhiều loại thiết bị không người lái khác nhau, từ robot mặt đất đến thiết bị bay không người lái (UAV) thông thường và thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).
Sĩ quan S3 của Lữ đoàn Khartiia, có mật danh “Shuhai”, cho biết các binh sĩ Liên bang Nga đã hoàn toàn bị bất ngờ trước đòn tấn công chưa từng có nêu trên và trở nên hoảng loạn.
Dưới đây là chia sẻ của những người trực tiếp tham gia lên kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ tấn công chưa từng có nêu trên.
Thiết bị không người lái dẫn dắt cuộc tấn công
Mục tiêu của cuộc tấn công là tạo tiền đề cho các bước tiến tiếp theo, buộc quân đội Liên bang Nga phải tập hợp lại, loại bỏ các mục tiêu quan trọng và kiểm tra khả năng phối hợp giữa trung tâm chỉ huy với các ê kip vận hành thiết bị không người lái.
Theo sĩ quan mang mật danh Shuhai, thiết bị bay không người lái giờ đây là điều tất yếu trong chiến tranh hiện đại, cùng với các nền tảng mặt đất có thể tiến vào vị trí đối phương rồi phát nổ, hoặc di chuyển đến vị trí xác định rồi khai hỏa. Do cách tiếp cận này không phổ biến, cho nên phía Ukraine đã khiến các binh sĩ Liên bang Nga không kịp phản ứng.
Cuộc tấn công chưa từng có nêu trên đã đẩy giới hạn của chiến tranh hiện đại lên một tầm cao mới, khi thực hiện một cuộc tấn công phối hợp hoàn toàn bằng hệ thống robot, thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ đến cỡ lớn với trọng lượng lên tới 1.000 pound (khoảng 450 kg).
Tuy nhiên, để thực hiện cuộc tấn công chưa từng có này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vì trước đó chưa có nhiều tiền lệ cho loại hình tác chiến này. Sĩ quan mang mật danh Shuhai giải thích rằng mọi chi tiết đều được lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo các thiết bị không người lái được triển khai chính xác. Lộ trình di chuyển và hành động của tất cả các nền tảng robot đã được mô phỏng bằng cả mô hình vật lý và mô hình ảo, giúp cuộc tấn công đạt độ chính xác gần như hoàn hảo khi triển khai thực tế.
Lữ đoàn Khartiia không tiết lộ chính xác số lượng thiết bị không người lái được sử dụng, nhưng theo báo cáo, hàng chục thiết bị bay không người lái thuộc nhiều chủng loại khác nhau đã tham gia cuộc tấn công, bao gồm: FPV trên không và mặt đất; thiết bị không người lái mặt đất trang bị tháp súng máy; thiết bị không người lái 4 cánh quạt (quadrocopter) hạng nặng chuyên thả bom và thiết bị bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát trên không
Một trung sĩ 26 tuổi của trung đội thiết bị không người lái mặt đất (UGV, robot mặt đất), có mật danh “Pan”, từng là nhà sinh học phân tử, đã chia sẻ về thành công của chiến dịch và tầm quan trọng ngày càng tăng của các thiết bị không người lái do Ukraine tự sản xuất.
Theo trung sĩ Pan, tất cả các robot tham gia cuộc tấn công đều được sản xuất tại Ukraine và đây là kỷ nguyên mới của chiến tranh robot phối hợp, nơi mỗi hệ thống đều góp phần khiến kẻ thù phải trải qua tình cảnh ngày hôm sau tồi tệ hơn ngày hôm trước.
![Binh sĩ Lữ đoàn Khartiia sử dụng thiết bị không người lái mặt đất. Ảnh: Lữ đoàn Khartiia/X](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_294_51434942/1735025a3914d04a8905.jpg)
Binh sĩ Lữ đoàn Khartiia sử dụng thiết bị không người lái mặt đất. Ảnh: Lữ đoàn Khartiia/X
Bài học rút ra từ cuộc tấn công chưa từng có trong lịch sử
Mặc dù chiến dịch đạt được thành công lớn, nhưng nó không phải không có trở ngại. Lữ đoàn Khartiia đã chịu một số tổn thất về thiết bị, nhưng không phải do binh sĩ Liên bang Nga gây ra. Video ghi lại trận chiến cho thấy thiết bị không người lái mặt đất tấn công đã bị các lực lượng của Liên bang Nga nhắm mục tiêu bằng pháo cối, bằng bom được thiết bị bay không người lái thả xuống và bằng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất.
Mục đích của các lực lượng Liên bang Nga là nhằm làm gián đoạn hoạt động của Ukraine. Tuy nhiên, các thiết bị không người lái của Ukraine đã tránh được việc bị phá hủy. Vấn đề lớn nhất không đến từ kẻ địch mà từ địa hình khi một số thiết bị không người lái mặt đất bị mắc kẹt trong điều kiện khắc nghiệt, gây ra một số trở ngại nhỏ. Dù vậy, không có hệ thống nào bị phá hủy hoàn toàn.
“Một trong những thiết bị không người lái cảm tử mặt đất của chúng tôi đã bị mắc kẹt trong bùn trên đường đến mục tiêu. Một thiết bị không người lái gắn tháp súng cũng bị mắc kẹt khi rút lui”, trung sĩ Pan giải thích. “Tuy nhiên, không có chiếc nào bị quân đội Liên bang Nga tiêu diệt”.
Cuộc tấn công của Lữ đoàn Khartiia đã đạt được mục tiêu khi buộc các binh sĩ Liên bang Nga phải tái tập hợp và phản ứng, khiến họ mất cảnh giác trong khi phía Ukraine đã phá hủy thành công nhiều nơi trú ẩn và chướng ngại vật quan trọng. Tuy nhiên, cuộc tấn công cũng chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện.
Một trong những bài học quan trọng nhất là cần nâng cao khả năng phối hợp giữa nền tảng mặt đất và thiết bị bị bay không người lái, cùng với việc quản lý liên lạc giữa các thiết bị không người lái hiệu quả hơn. Dù có những thách thức này, chiến dịch đã xác nhận rằng tương lai của chiến tranh đang dần được định hình bởi các hệ thống robot.
Mặc dù chiến dịch gặp một số khó khăn, nhưng thành công của nó đã cho thấy tiềm năng to lớn của các hệ thống robot trong chiến tranh hiện đại. Mất thiết bị luôn là một rủi ro, nhưng so với việc mất mạng người, đó là tổn thất có thể chấp nhận được.
“Nếu một thiết bị không người lái bị phá hủy, chúng tôi có thể lập tức triển khai một chiếc khác. Nhưng nếu một người lính hy sinh, đó là mất mát không gì bù đắp được”, trung sĩ Pan chia sẻ.
Xem video Lữ đoàn Khartiia triển khai tấn công các lực lượng của Liên bang Nga thông qua sự phối hợp của các thiết bị không người lái. Nguồn: Lữ đoàn Khartiia/X
Tình hình chuẩn bị chiến tranh bằng thiết bị không người lái trên thế giới
Các công ty quốc tế như Milrem Robotics của Estonia, Roboteam của Mỹ-Israel và Unmanned System Technologies của Anh đang có những bước tiến lớn trong việc phát triển robot mặt đất phục vụ mục đích quân sự.
Tuy nhiên, dù công nghệ đang phát triển nhanh chóng, nhưng chưa có sản phẩm nào có thể hoàn toàn thay thế con người trên chiến trường. Mỗi hệ thống vẫn phải đối mặt với các thách thức về độ tin cậy, khả năng phối hợp và thích ứng với tình huống thực tế.
Về mặt này, Lữ đoàn Khartiia có lợi thế đặc biệt khi là một trong số ít đơn vị đã thực hiện một cuộc tấn công do robot dẫn dắt trên chiến trường. Những kinh nghiệm thực tế của họ trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt là vô giá, cung cấp những bài học quan trọng mà cả các công ty và quân đội trên thế giới đều muốn học hỏi.
Nhiều người trong lĩnh vực này so sánh giai đoạn hiện tại với thời kỳ súng hỏa mai trong lịch sử chiến tranh. Trung sĩ Pan nói: “Đây chỉ là những bước đầu tiên của chúng tôi. Những gì mà phía Liên bang Nga đang làm trong lĩnh vực xe chiến đấu không người lái cũng mới chỉ là khởi đầu”.
Khi chiến tranh bằng thiết bị không người lái tiếp tục phát triển, các robot hoàn toàn tự động, không cần con người điều khiển, có thể sẽ trở thành hiện thực. Nhưng hiện tại, trọng tâm vẫn là tinh chỉnh các hệ thống hiện có, cải thiện khả năng phối hợp và khắc phục những thách thức như địa hình và liên lạc.
Nhìn về tương lai, sĩ quan có mật danh là Shuhai tin rằng các lực lượng của Liên bang Nga có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chiến dịch tương tự.
“Người Nga chắc chắn nên chuẩn bị cho nhiều chiến dịch như thế này hơn nữa và dù vậy, chúng vẫn sẽ là một cú sốc lớn đối với họ”, sĩ quan có mật danh là Shuhai nói
Nói tóm lại cuộc tấn công chưa từng có nêu trên của Ukraine cho thấy ngày càng rõ ràng rằng một tương lai nơi máy móc thống trị chiến trường đang đến gần hơn bao giờ hết. Hiện tại, những trường hợp như vậy vẫn còn hạn chế, do đòi hỏi phải lên kế hoạch cẩn thận, thực thi chính xác và công nghệ phù hợp. Tuy nhiên, khi những yếu tố này được đảm bảo, dù vẫn ở quy mô hạn chế, thì việc tiến hành các chiến dịch quân sự thành công với sự tham gia tối thiểu của con người là hoàn toàn khả thi, đánh dấu một bước nhảy vọt mang tính cách mạng trong chiến tranh hiện đại.