Bất ngờ với tỉ lệ sinh viên có việc làm ở những ngành học ít 'hot'
Không chỉ sinh viên ngành kinh tế, máy tính và công nghệ thông tin,... dễ kiếm việc, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các ngành không hot như nông, lâm nghiệp và thủy sản, môi trường và bảo vệ môi trường cũng đạt trên 90%.
Bộ GD-ĐT và Cơ quan phát triển quốc tế Úc (Australian Aid) ngày 26-5 đã phối hợp tổ chức diễn đàn phát triển hợp tác nhà trường - doanh nghiệp ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM).
Tại diễn đàn, Bộ GD-ĐT đã thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng từ năm 2018-2021 đối với 22 lĩnh vực đào tạo.
Theo đó, lĩnh vực đào tạo nông, lâm nghiệp và thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường; sản xuất và chế biến, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, nghệ thuật, sức khỏe, dịch vụ xã hội... duy trì tỉ lệ sinh viên có việc làm ở mức cao.
Riêng ngành môi trường và bảo vệ môi trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 12 tháng tăng dần theo thời gian, trong năm 2021 là 96,3%.
Ở nhiều lĩnh vực khác, tỉ lệ sinh viên có việc làm cũng ở mức rất tốt, từ 82,5% trở lên. Cụ thể:
Đánh giá về những khó khăn đối với vấn đề việc làm của sinh viên, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng trình độ năng lực của sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là ở những ngành lĩnh vực công nghệ cao.
Số lượng doanh nghiệp hợp tác với nhà trường không ít nhưng chất lượng hợp tác cũng còn nhiều điều cần chú ý. Ngoài ra, có các khó khăn khách quan như thiên tai dịch bệnh, tình hình kinh doanh. Việc khảo sát của nhiều cơ sở đào tạo còn mang tính đối phó. Công tác dự báo nhân lực chưa thực hiện tốt…
Bộ GD-ĐT cho rằng để đào tạo ĐH gắn với nhu cầu của thị trường lao động thì công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định. Do đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện các quy định về nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và công tác đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH, cần thực hiện tốt các khuyến nghị và yêu cầu về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và chuyên nghiệp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người học về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với khả năng của người học; trình độ chuyên môn là điều kiện cần, ngoại ngữ, kỹ năng mềm là điều kiện đủ để người lao động tìm được việc làm phù hợp.