Bất động sản mới nhất: Đất miền Trung giảm mạnh vẫn ế, nhà đầu tư chưa muốn xuống tiền, 'điểm sáng' từ dòng vốn ngoại

Đất nền miền Trung giảm mạnh vẫn ế, vốn ngoại thích địa ốc, TP.HCM sắp đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm bị doanh nghiệp bỏ cọc… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Thị trường bất động sản miền Trung rơi cảnh ế ẩm. (Nguồn: Vietnamnet)

Thị trường bất động sản miền Trung rơi cảnh ế ẩm. (Nguồn: Vietnamnet)

Đất nền miền Trung ế ẩm, giảm cả tỷ đồng vẫn không có người mua

Theo Vietnamnet, những ngày gần đây, tại một số khu vực từng gây sốt ở Đà Nẵng như khu Golden Hill (quận Liên Chiểu), Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn) và Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) cho thấy, các văn phòng môi giới BĐS hầu như đóng cửa. Một số mở cửa nhưng không có khách ra vào giao dịch.

Thị trường BĐS “đóng băng” khiến nhiều công ty, văn phòng giao dịch phải giải thể, đóng cửa vì không có tiền thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên.

Khảo sát cho thấy, hầu hết giá đất nền trên địa bàn Đà Nẵng đều giảm, có lô giảm từ 500-600 triệu đồng. Thậm chí, có lô giảm cả tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS Đà Nẵng cho hay, thị trường BĐS Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung rơi vào trạng thái gần như “đóng băng” kể từ cuối năm 2022 đến nay. Giá đất nền tại Đà Nẵng hiện giảm khoảng 20-30% so với thời điểm sốt đất.

Nguyên nhân, theo ông Lập là do dòng tiền tham gia thị trường tắc nghẽn vì lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao, vượt khả năng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân suy giảm do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư phá vỡ cam kết với khách hàng càng gây mất niềm tin cho thị trường. Nguồn cung dự án bị tắc ngẽn do sai sót, vướng mắc về vấn đề thủ tục pháp lý. Nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa vội tham gia thị trường mà chủ yếu là nghe ngóng và quan sát…

Theo ông Lập, với những chính sách điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cho BĐS nói riêng, hy vọng thị trường sẽ khôi phục dần tính thanh khoản từ nay cho đến cuối năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên bớt kỳ vọng vào việc thay đổi đáng kể về giá giai đoạn này. Chỉ khi có sự chuyển biến mạnh mẽ về tính thanh khoản mới có sự thay đổi mặt bằng giá.

“Thị trường sẽ khởi sắc hơn từ năm 2024 nếu như các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay tiếp tục được Chính phủ duy trì, khi đó dòng vốn rẻ nhờ lãi suất cho vay giảm sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường. Nguồn cung sản phẩm sẽ được khơi thông khi các cơ quan nhà nước tích cực tháo gỡ pháp lý, tạo xung lực cho thị trường sôi động hơn…”, ông Lập nói đồng thời nhận định "đây là thời điểm dành cho những người có nhu cầu mua đất để sử dụng vì giá mua khá tốt".

Trong khi đó, Giám đốc mảng Dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án của DKRA Group Võ Hồng Thắng nhận định, cuối năm 2023, chậm nhất nữa đầu năm 2024 đà hồi phục của thị trường sẽ rõ nét hơn. Giá bán cũng như thanh khoản thị trường nhiều khả năng có những sự phục hồi nhất định, tuy nhiên sẽ khó có những đột biến trong ngắn hạn.

Hơn 66 tỷ USD vốn ngoại rót vào 1.100 dự án BĐS

Việt Nam thu hút vốn FDI vào BĐS nhờ có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư bởi chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh.

Tính đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đạt gần 450 tỷ USD; trong đó FDI vào lĩnh vực BĐS có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 13/7, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; trong đó đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, dẫn đầu là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong cả nước, hiện có 45 tỉnh, thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đánh giá về quy mô các dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án lên đến hàng tỷ USD. Tiêu biểu như dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hồ Tràm tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam...

Lý giải về sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI vào BĐS, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư bởi chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn…

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, thuận lợi cho xây dựng các BĐS nghỉ dưỡng. Hệ thống luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và tiếp tục được hoàn thiện…

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội; trong đó, tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành BĐS.

Trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Thái Nguyên tìm chủ cho dự án khu đô thị dịch vụ 2.600 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên vừa thông báo mời nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án khu đô thị dịch vụ số 1, xã Tân Quang, TP Sông Công.

Dự án khu đô thị dịch vụ này có diện tích sử dụng đất là 31,5ha. Hiện trạng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do các tổ chức và hộ gia đình cá nhân đang quản lý, sử dụng và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 2.636 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 352,3 tỷ đồng.

Dự án cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gồm đất nhà ở, đất thương mại dịch vụ, công trình công cộng, đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công viên, cây xanh.

Dự kiến, dự án sẽ xây 392 lô đất ở kết hợp kinh doanh với tổng diện tích đất xây dựng là hơn 40.000m2, mật độ xây dựng 80%, chiều cao 3 tầng, tổng diện tích sàn là hơn 96.000m2.

Trong dự án xây 270 lô đất ở liền kề với tổng diện tích đất xây dựng là hơn 28.000m2, mật độ xây dựng 80%, chiều cao 3 tầng, tổng diện tích sàn là hơn 67.500m2. Số lô đất ở biệt thự gồm 28 lô với tổng diện tích đất xây dựng hơn là 5.600m2, mật độ xây dựng 70%, chiều cao 2,5 tầng, tổng diện tích sàn hơn 9.800m2.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 đến quý III/2026.

TP.HCM sắp đấu giá lại 4 lô đất Thủ Thiêm bị doanh nghiệp bỏ cọc

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản khẩn, đề xuất UBND Thành phố kế hoạch chi tiết tổ chức bán đấu giá các lô đất và 3.790 căn hộ chung cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức.

3.790 căn hộ chung cư sắp bán đấu giá nằm trong Khu 38,4ha P.An Khánh, TP.Thủ Đức, thuộc chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM tiếp tục bán đấu giá 3.790 căn hộ nói trên để sớm thu hồi khoản tạm ứng ngân sách đã chi tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, giảm nguồn chi ngân sách cho công tác bảo trì, quản lý và hạn chế tình trạng xuống cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá và sớm thu ngân sách, qua lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM tổ chức đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước, sau đó mới bán đấu giá 3.790 căn hộ. Bởi các lô đất hiện là đất trống, đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, một số lô đất đang lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, nếu chờ hoàn tất các thủ tục 3.790 căn hộ thì sẽ kéo dài, làm chậm trễ thủ tục bán đấu giá các lô đất. Do đó, cần khẩn trương bán đấu giá trước 3 lô đất (lô đất 1-2, lô đất 1-3 thuộc Khu chức năng số 1 và lô đất 3-5 thuộc Khu chức năng số 3).

Về kế hoạch đấu giá chi tiết các lô đất, với lô đất 1-2 và lô đất 1-3 thuộc Khu chức năng số 1, Sở TN&MT đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt phương án đấu giá trước ngày 5/10/2023 và tổ chức bán đấu giá trong tháng 6/2024.

Còn lô đất 3-5 thuộc Khu chức năng số 3, Sở TN&MT đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt phương án đấu giá trước ngày 10/11/2023. Sau đó, tiến hành các thủ tục tiếp theo để tổ chức đấu giá trong tháng 7/2024.

Sau khi có kết quả đấu giá thành 3 lô đất trên, các sở, ngành liên quan rút kinh nghiệm và lập kế hoạch tổ chức bán đấu giá 7 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đó là 4 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 và 3 lô đất thuộc Khu chức năng số 3.

Bên cạnh đó, 3 lô đất khác và khu 2C tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được Sở TN&MT dự kiến hoàn tất thủ tục trước tháng 10/2023 để lập phương án đấu giá. Ba lô đất đó là: Lô 7-1 thuộc Khu chức năng số 7; lô đất 1-12 và 1-20 thuộc Khu chức năng số 1.

Trong 13 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Sở TN&MT TP.HCM đề xuất kế hoạch bán đấu giá như trên, có 4 lô đất từng được bán đấu giá thành công vào tháng 12/2021, đó là lô 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12 thuộc Khu chức năng số 3.

Cụ thể, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất 3-5 với giá 3.820 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8 với mức giá 4.000 tỷ đồng;

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô 3-9 khi bỏ mức giá 5.026 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô 3-12 với mức giá 24.500 tỷ đồng.

Dù trúng đấu giá với số tiền cao hơn hàng ngàn tỷ đồng so với giá khởi điểm nhưng 4 doanh nghiệp trúng đấu giá các lô đất đều lần lượt bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng.

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-dat-mien-trung-giam-manh-van-e-nha-dau-tu-chua-muon-xuong-tien-diem-sang-tu-dong-von-ngoai-234629.html