Bất cập tại các tòa nhà chung cư

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 dự án chung cư, nhà ở xã hội đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ yếu tập trung ở khu vực TP Thanh Hóa. Trong số đó, có 21 dự án đã đưa vào vận hành với 56 tòa chung cư (hơn 8.000 căn hộ). Số lượng cư dân hiện đang sinh sống tại các tòa nhà chung cư khoảng hơn 16.000 người. Các khu chung cư, nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết nhu cầu về nơi ở cho rất nhiều cư dân, tạo nên diện mạo mới cho đô thị TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, quá trình sinh sống, cư dân tại các tòa nhà chung cư gặp phải nhiều bất cập.

Lối vào chung cư nhà ở xã hội tại địa chỉ 81 Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa.

Lối vào chung cư nhà ở xã hội tại địa chỉ 81 Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa.

Đó là, tình trạng ô tô, xe máy đậu đỗ tràn lan quanh các khu chung cư. Đơn cử như Chung cư nhà ở xã hội tại địa chỉ 81 Trường Thi, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa (thường gọi là Tòa nhà Đông Bắc Tower) được xây dựng ở khu vực dân cư sầm uất. Quy mô dự án gồm tòa nhà 13 tầng nổi, 2 tầng hầm và 1 tầng tum với tổng số 281 căn hộ chung cư. Theo cư dân sinh sống trong chung cư, hai tầng hầm B1, B2 đang được sử dụng làm dịch vụ gửi xe nhưng số lượng xe để được không đáng kể nên xe máy phải xếp thành hàng phía trước sân chung cư, ô tô đậu đỗ ở khu vực lòng đường, vỉa hè các tuyến đường lân cận, thậm chí nhiều hộ phải đăng ký gửi xe vào khu vực sân trường THPT ngay cạnh chung cư.

Ông N.H.N., một cư dân sinh sống ở chung cư cho biết: “Khan hiếm chỗ đậu đỗ xe ô tô, nên các vỉa hè, lòng đường quanh khu vực này thường bị chiếm dụng, dẫn đến tình trạng lộn xộn và chật chội, thậm chí thường xuyên ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Bên trong tầng hầm, cứ hễ trời mưa to là nước bên ngoài lại tràn vào, gây cảnh ngập lụt mà chưa được khắc phục kịp thời...”.

Theo quy định, đối với các dự án nhà ở xã hội không bố trí diện tích tầng hầm để xe ô tô, chỉ bố trí diện tích để xe máy, xe thô sơ, xe cho người khuyết tật, do đối tượng mua nhà là những người có điều kiện khó khăn về nhà ở và thu nhập. Tuy nhiên, thực tế, đời sống kinh tế ngày càng khấm khá, tại các khu chung cư nhà ở xã hội hiện nay, số lượng ô tô của cư dân lại khá nhiều... Tình trạng không có chỗ để xe ô tô dẫn đến việc người dân để xe tràn lan dưới lòng lề đường, vỉa hè, thậm chí có lúc đậu đỗ xe ở lối ra vào hành lang cứu hộ, cứu nạn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chung cư nhà ở xã hội tại phố Bào Ngoại, phường Đông Hương (thường gọi là Chung cư 379) khi mỗi tòa nhà chỉ quy hoạch chỗ để xe đạp, xe máy nên người dân sinh sống trong khu chung cư gặp không ít bất tiện.

Chị N.T.Đ., một cư dân của Chung cư 379 chia sẻ: Nhà ở xã hội chỉ có thiết kế chỗ để xe máy, xe đạp nhưng lượng xe nhiều, chỗ để xe chật chội, đưa xe vào mà không biết làm cách nào để lấy được xe ra để đi chợ, đón con. Không quy hoạch bãi đỗ xe ô tô nên những hộ có xe ô tô cũng phải tìm một chỗ trống ở rìa đường, vỉa hè xung quanh tòa nhà để đậu xe, dẫn đến tình trạng xe đậu, đỗ tràn lan. Bên cạnh đó, người dân sống trong chung cư còn phải “chịu đựng” nhiều bất cập khác, như: Các căn hộ ở khu B gần hệ thống thu rác thì phải đóng cửa cả ngày vì mùi rác thải; các hộ ở tầng thấp thì chịu cảnh ồn ào, các hộ cao tầng phải mất nhiều thời gian chờ đợi thang máy trong giờ cao điểm, hệ thống thang máy lại thường xuyên bị hỏng; nhà cộng đồng bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời, trẻ em vui chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...

Nhà chung cư đang là xu hướng mới cho cuộc sống hiện đại và năng động, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người. Song thực tế, các tòa nhà chung cư mới chỉ phát triển theo hình thức số lượng để cung cấp nhu cầu chỗ ở cho người dân; quá trình thực tế quản lý, vận hành, sử dụng còn nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc. “Điểm danh” một số vấn đề từng xảy ra ở một số chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa, như: Tranh chấp trong việc phân định diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; việc chậm trễ trong bảo trì các công trình, trang thiết bị kỹ thuật; việc cấp sổ hồng cho các căn hộ chung cư; xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và cư dân; việc quản lý, vận hành của ban quản trị tòa nhà, đơn vị vận hành cũng dẫn đến bức xúc, đơn, thư khiếu kiện... Thực trạng trên đang là bài toán cần tìm lời giải đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý, giám sát và định hướng rõ nét hơn để các hoạt động diễn ra tại các khu chung cư bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật, tôn trọng quyền lợi chính đáng giữa các bên liên quan, giữ gìn an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

Bài và ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bat-cap-tai-cac-toa-nha-chung-cu-232479.htm