Báo Nhật viết về sự đột phá của một thế hệ đầu bếp Việt nổi loạn

Tháng 4 năm ngoái, một phát súng đã vang lên trong thế giới ẩm thực của châu Á và dư âm của nó vẫn còn vang xa khắp châu lục.

 Hoàng Tùng, đầu bếp 27 tuổi và các nhân viên của nhà hàng A by Tung. Ảnh: Nikkei Asia

Hoàng Tùng, đầu bếp 27 tuổi và các nhân viên của nhà hàng A by Tung. Ảnh: Nikkei Asia

Lần đầu tiên trong lịch sử kéo dài cả thập niên, danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á đã hướng sự chú ý tới Việt Nam khi nó xếp hạng nhà hàng đương đại Anan ở thành phố Hồ Chí Minh vào vị trí thứ 39 và chính thức công nhận đây là nhà hàng sáng tạo nhất ở quốc gia này, theo Nikkei Asia.

Với những người sống ở Tp. HCM, sự công nhận này là quá chậm. Vào đầu thiên niên kỷ, những người Việt lớn lên ở nước ngoài đã trở về nước, truyền dẫn chủ nghĩa quốc tế mới tới từng khía cạnh của thành phố quốc tế này. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực ăn uống.

Từ các nơi sản xuất bia thủ công tới các quán cà phê Làn sóng thứ 3, từ các quán bar pha chế tới những câu lạc bộ ngầm, đứng đầu là các nhà hàng “Cuisine Moi”, các quán ăn “ẩm thực Việt Nam mới” đã phá vỡ truyền thống Việt để tạo ra những con đường mới của thử nghiệm và đổi mới.

Ẩm thực mới là cách gọi của đầu bếp nhà hàng Anan Peter Franklin, một trong những người lớn lên ở Mỹ và trở về Sài Gòn vào năm 2016 rồi mở cửa hàng ở một khu chợ đường phố tại trung tâm thành phố. Tại đây, Franklin đã nâng tầm những gì có ngay trước cửa nhà mình bằng kinh nghiệm về ẩm thực cao cấp đã tích lũy hàng chục năm: Đó là phở kiểu consomme, bánh xèo tacos và bánh mỳ nhúng kiểu Pháp.

“Cuisine moi phản ánh tầm nhìn của tôi về một Việt Nam mới, vẫn tôn trọng lịch sử và truyền thống nhưng không kém phần tiến bộ và có tầm nhìn quốc tế. Những món ăn chúng tôi làm, hương vị vẫn đậm chất Việt Nam nhưng kỹ thuật đã thay đổi. Hầu hết các đầu bếp Việt luôn sợ thực hiện điều đó nhưng chúng tôi đã mở cánh cửa đó, vì thế nó khuyến khích một thế hệ mới”, đầu bếp Franklin nói.

 Đầu bếp Franklin

Đầu bếp Franklin

Anh ấy nói đúng về điều đó. Gần như ngay sau khi mở cửa, Anan đã trở thành ngọn hải đăng cho các đầu bếp nổi loạn đang nổi lên khắp nước. Trong 5 năm tới, chúng ta có thể chứng kiến một loạt nhà hàng mới theo đúng chủ nghĩa của Franklin – dám làm mới truyền thống ẩm thực Việt với kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân của họ.

Không có nơi nào thể hiện điều đó tốt hơn nhà hàng cấp cao “A by Tung”. Nhà hàng này tọa lạc ở khu Tân Định. Đầu bếp kiêm chủ nhà hàng là Tùng, 27 tuổi, chỉ phục vụ một thực đơn 20 món, được thay đổi theo tâm trạng của Tùng cũng như nguyên liệu theo mùa. Tuy nhiên, mức giá của nó khá cao đối với người Việt, 85 USD/người.

“Món ăn mang phong cách đương đại nhưng lấy cảm hứng từ truyền thống”, đầu bếp gốc Hà Nội nói. “Tôi không đổi mới, tôi đang tưởng tượng lại, lấy cảm hứng từ khắp mọi nơi trên thế giới và kết hợp nó với ký ức, nguyên liệu và kỹ thuật Việt nam của tôi để có trải nghiệm tổng thể. Với tôi, không nên có bất cứ biên giới nào trong thực phẩm. Nó giống như đang biểu diễn một bản giao hưởng, cảm hứng đến từ nơi gần lẫn xa”.

Tùng từng làm việc tại các nhà hàng được gắn sao Michelin ở Đan Mạch và Phần Lan. Việc Tùng đưa ra một thực đơn luôn thay đổi, đắt tiền chính là bước đi táo bạo. Quyết định này đã được đền đáp, nhà hàng gốc của đầu bếp này ở Hà Nội – Tung Dining, gần đây được xếp hạng thứ 98 trong danh sách các nhà hàng tốt nhất châu Á.

“Mục tiêu của chúng tôi là luôn thu hút mọi khẩu vị, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Và đó là lý do tại sao nhà hàng của chúng tôi không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ. Quan điểm của tôi là trong thách thức có cơ hội và khả năng chỉ bị giới hạn bởi tâm trí của bạn”.

Tùng không dám chắc khi dự đoán liệu ẩm thực Việt sẽ trở nên quốc tế hóa hơn hay không, như các nước láng giềng Singapore và Bangkok. “Ai có cây đàn guitar đều muốn trở thành Elvis, và tất cả những người có tiền đều muốn sở hữu một nhà hàng. Mọi thứ sẽ chỉ phát triển từ đây, và các đầu bếp nổi tiếng thế giới sẽ sớm mở rộng tới Sài Gòn. Các tiêu chuẩn sẽ trở nên cao hơn và khó cạnh tranh hơn”.

Phan Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/viet-nam-va-the-gioi/bao-nhat-viet-ve-su-dot-pha-cua-mot-the-he-dau-bep-viet-noi-loan-740443.html