Bảo đảm trang bị kỹ thuật pháo binh phục vụ huấn luyện, cơ động lực lượng an toàn tuyệt đối

Từ năm 2022 đến nay, Lữ đoàn 675 (Binh chủng Pháo binh) triển khai nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện 'mẫu mực, tiêu biểu' theo biểu biên chế đơn vị đủ quân và từng bước cơ động lực lượng an toàn tuyệt đối đến vị trí đóng quân mới.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Quách Ngọc Văn, Lữ đoàn trưởng khẳng định: Gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, kể từ ngày thành lập 20-11-1950 đến nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ. Lữ đoàn hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng Danh hiệu “Đoàn pháo binh Anh dũng”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Những năm gần đây, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và lực lượng pháo binh, Lữ đoàn 675 được Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh chỉ đạo điều chuyển lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, từ thực hiện nhiệm vụ khung thường trực, rút gọn, huấn luyện lực lượng dự bị động viên là trọng tâm sang huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” theo biểu biên chế đơn vị pháo binh đủ quân.

Huấn luyện gói buộc lượng nổ ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 675.

Triển khai sự điều chỉnh lực lượng pháo binh, tháng 4-2022, Lữ đoàn tổ chức cơ động một phần lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật đến vị trí đóng quân mới trên quãng đường dài hơn 2.300km, bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt. “Có được kết quả đó là nhờ Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn xác định tốt nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, nhất là huấn luyện nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; tập trung bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị, nên khi có lệnh là lên đường được ngay”, Đại tá Quách Ngọc Văn cho biết.

Có thể thấy, một đơn vị khung thường trực, rút gọn, huấn luyện lực lượng dự bị động viên, quân số ít, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa đồng đều, phải đảm nhiệm bảo quản, bảo dưỡng, làm chủ khai thác một số lượng vũ khí, khí tài pháo binh lớn, cùng các trang bị vũ khí bộ binh, phương tiện kéo pháo và bảo đảm cơ động đồng bộ là một nỗ lực rất lớn. “Để hoàn thành nhiệm vụ cơ động một phần lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật đến vị trí đóng quân mới, trong khi vẫn bảo đảm tốt về kỹ thuật vũ khí, trang bị cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên và huấn luyện chiến sĩ mới, chúng tôi đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, năng lực, mỗi người cố gắng hơn 100% công sức của mình”, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật của Lữ đoàn 675 cho biết.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Lữ đoàn 675 huấn luyện niêm pháo.

Khẩu đội pháo Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 675 huấn luyện triển khai pháo.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của lữ đoàn tuy được đào tạo cơ bản ở các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, có tay nghề vững vàng, bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cao, song số lượng còn ít, phải kiêm nhiệm nhiều, trong khi vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài pháo binh, xe máy đa dạng chủng loại, đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp nhiều, khả năng mất đồng bộ cao… Để làm tốt công tác kỹ thuật, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn có nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; cơ quan hậu cần - kỹ thuật tham mưu, xây dựng hệ thống văn kiện kỹ thuật đầy đủ, thường xuyên bổ sung, điều chỉnh kịp thời đúng với yêu cầu, nhiệm vụ theo giai đoạn, từng năm và hằng quý của đơn vị.

Tại đơn vị, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật, như lau chùi, bảo quản vũ khí hằng ngày, sau khi huấn luyện trên bãi tập và hành quân dã ngoại trở về; chủ động bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, đồng bộ theo định kỳ, thời gian đã xác định trong kế hoạch, lịch công tác hằng tuần, hằng tháng. Cán bộ lữ đoàn, cơ quan kỹ thuật và chỉ huy các cấp tăng cường kiểm tra, nhận xét hằng ngày, hằng tuần trong giao ban và rút kinh nghiệm trong các hội nghị chuyên ngành…

Ngành kỹ thuật Lữ đoàn 675 bảo đảm đầy đủ vũ khí cho bộ đội huấn luyện.

Lữ đoàn phát huy thế mạnh của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong bảo đảm kỹ thuật; thảo luận tìm các giải pháp để giải quyết các khó khăn, bài toán kỹ thuật đặt ra từ thực tiễn. Toàn lữ đoàn đẩy mạnh lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; hợp lý hóa các thao tác, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao kỹ thuật ở đơn vị và tham gia cấp Binh chủng, ngành kỹ thuật toàn quân. Năm 2022, Lữ đoàn đạt kết quả cao trong hội thi cán bộ kỹ thuật giỏi toàn quân, đạt giải ba cá nhân. Năm 2023, Lữ đoàn giành giải nhất nội dung lái xe giỏi tại Hội thi xe tốt, lái xe giỏi Binh chủng Pháo binh. Kết quả huấn luyện và bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí, trang bị, phương tiện, khí tài pháo binh của Lữ đoàn hằng năm đều đạt từ 100% đến 115% kế hoạch; hệ số kỹ thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật nhóm sẵn sàng chiến đấu luôn đạt 100%, các nhóm khác đạt từ 80% trở lên.

Để bảo đảm cơ động vũ khí trang bị kỹ thuật, Lữ đoàn thường xuyên làm tốt bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện; tổ chức kiểm tra, kiểm định an toàn xe định kỳ, đúng quy định; huấn luyện, bồi dưỡng, bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe chu đáo. Lữ đoàn tổ chức các trạm cơ động bảo đảm kỹ thuật phục vụ đội hình đơn vị hành quân; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, địa phương trong quá trình hành quân và điểm tạm đóng trú quân, kịp thời sửa chữa, giải quyết các sự cố kỹ thuật xảy ra trên đường cơ động. Lữ đoàn còn làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, cơ động phương tiện, tham gia các cuộc diễn tập của Bộ Quốc phòng, Quân khu 1, Quân khu 3 và các địa phương, được các đơn vị đánh giá cao.

Bài và ảnh: HƯƠNG HỒNG THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bao-dam-trang-bi-ky-thuat-phao-binh-phuc-vu-huan-luyen-co-dong-luc-luong-an-toan-tuyet-doi-769839