Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa, ứng phó mưa lũ miền Trung

Nhiều hình thế thời tiết như không khí lạnh mạnh, nhiễu động gió trên cao và địa hình dãy Trường Sơn chắn gió... là những nguyên nhân gây mưa đặc biệt lớn ở khu vực Trung Bộ trong những ngày qua.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp trực tuyến ứng phó với mưa lũ tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều tối 16/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ủy ban Nhân dân ỉnh Thừa Thiên-Huế và các Bộ, ngành về công tác phòng chống thiên tai.

Theo báo cáo tại cuộc họp, nhiều hình thế thời tiết như không khí lạnh mạnh, nhiễu động gió trên cao và địa hình dãy Trường Sơn chắn gió... là những nguyên nhân gây mưa đặc biệt lớn ở khu vực Trung Bộ trong những ngày qua.

Từ đêm 12 đến sáng sớm ngày 16/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã ghi nhận lượng mưa từ 600-1.100mm, có nơi trên 1.300mm, khiến 5 người chết và mất tích; hàng nghìn ngôi nhà bị ngập; thiệt hại chăn nuôi, trồng trọt khá lớn.

Cập nhật của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên hiện còn hơn 12.900 ngôi nhà đang ngập ở mức từ 0,2 đến 0,6 mét.

Về nông nghiệp, thiệt hại trên 172 ha cây ăn quả, hoa màu tại Quảng Trị, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Về giao thông, thời điểm nặng nhất 85% các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập lụt, gây ách tắc giao thông. Hiện nước đang rút, quốc lộ 1A đã thông tuyến.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, nhờ theo dõi sát tình hình thời tiết, tỉnh rất chủ động trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại của mưa lũ, đến nay vẫn kiểm soát tốt tình hình.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tại, lũ đã xuống đỉnh, nước rút đến đâu đã nối điện đến đó, dự kiến đến sáng mai (17/11) sẽ khôi phục 100% lưới điện và một số trường đủ điều kiện học sinh sẽ bắt đầu đi học trở lại.

Tỉnh đang chủ động được các vấn đề về hỗ trợ lương thực thực phẩm. Một số lực lượng chức năng tại Thừa Thiên Huế đang cần sự hỗ trợ về cano loại nhỏ để tiếp cận các vùng bị ngập lụt.

Lượng mưa lớn, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn đã làm ngập khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã tại thành phố Huế và nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ, nơi sâu nhất là 1,5m.

Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã thông báo cho lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học từ thứ tư, ngày 15/11. Sáng 17/11, những vùng cao, vùng không ngập lụt có thể cho đi học lại.

Ngành Điện lực đã có phương án đảm bảo nguồn điện, ưu tiên cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cơ sở y tế, bệnh viện, nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Thừa Thiên Huế vẫn duy trì hoạt động của sân bay và các tuyến giao thông đường bộ để bảo đảm nhu cầu di chuyển của khoảng 40.000 du khách, trong đó có 8.000 khách quốc tế.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 17/11, lượng mưa tại Trung Bộ giao động từ 70-100 mm, từ chiều mai sẽ giảm dần tại Trung Bộ và Thừa Thiên Huế. Trong tháng 11 và 12, vẫn có khả năng mưa trên diện rộng tại khu vực Trung Bộ.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ với những khó khăn, mất mát về người và của do mưa lũ gây ra tại các địa phương ở Trung bộ.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao tinh thần chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ của các cấp chính quyền, nhất là sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên -Huế, địa phương vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là hồ Tả Trạch.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương chú trọng việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm trang thiết bị tốt nhất có thể cho các lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, cứu nạn, bao gồm cả xuồng, phao cứu sinh.

Các địa phương kịp thời ứng phó sạt lở đất, khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 16/11, mưa lũ đã làm 5 người chết và mất tích (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế); 12.906 nhà ngập ở mức từ 0,2 - 0,6m (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên). Thời điểm nặng nhất có tới 20.761 nhà ngập, nơi sâu nhất đến 1m (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Mưa lũ làm 172ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống, 2 ha nuôi trồng thủy sản (Quảng Trị); 1.100 con gia súc, gia cầm (Quảng Trị, Đà Nẵng) bị thiệt hại. Cùng với đó, mưa lớn còn gây ngập lụt, ách tắc tại các tuyến Quốc lộ 1A, 49B, 49C (Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Hiện nước đang rút, quốc lộ 1A đã thông tuyến.

Chiều 16/11, mực nước trên các sông Hương, sông Bồ đang xuống nhưng còn ở mức cao. Một số tuyến đường tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) nước đang rút dần.

Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, thu gom rác thải và dọn sạch bùn non, đồng thời tiếp tục xây dựng phương án ứng phó, bố trí lực lượng ứng trực nhằm chủ động hỗ trợ người dân kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Các đơn vị chức năng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn tại khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên công trình cấp thiết; đảm bảo lương thực cho nhân dân, nhất là ở khu vực bị cô lập; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, chế độ, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.

Đối với tỉnh Kon Tum, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương trên đường Trường Sơn Đông (đoạn qua xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông). Vụ sạt lở khiến đất, đá tràn mặt đường, ước tính khối lượng khoảng 1.500 m3 đất, đá gây tắc đường hoàn toàn khiến các phương tiện không thể lưu thông.

Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 (thuộc Khu Quản lý đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam) đã khẩn trương thực hiện lắp đặt các biển báo, rào chắn và trực gác đảm bảo an toàn giao thông.

Đơn vị huy động phương tiện san ủi phần đất đá bị sạt lở để sớm thông xe. Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đang huy động mọi nguồn lực để khắc phục điểm sạt lở. Đến khoảng 10 giờ 30 ngày 16/11, một số xe máy đã lưu thông được và đơn vị cố gắng thông đường trong thời gian sớm nhất.

Tuyến Quốc lộ 24 địa phận xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa xuất hiện điểm sạt lở gây nứt cả chục mét, ăn sâu vào nền đường, gây khó khăn cho việc đi lại của các phương tiện giao thông.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường là Công ty Cổ phần xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum chăng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân và các phương tiện giao thông qua tuyến đường này chú ý, bảo đảm an toàn.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã làm lũ trên sông Ô Lâu giáp ranh huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) đạt mức xấp xỉ báo động 3, sau đó xuống dần và hiện ở mức trên báo động 2 là 0,3m.

Chiều 16/11, những khu dân cư vùng thấp trũng, ven sông thuộc các xã Hải Phong, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định, Hải Ba, Hải Thượng của huyện Hải Lăng còn hơn 1.800 nhà dân cùng 19 điểm trường học bị ngập từ 0,2 - 0,6m. Trên 5.300 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các tuyến đường giao thông thôn, giao thông nội đồng, liên xã ở những địa phương này bị ngập lụt từ 0,2 - 0,8m.

Tại Km59+790 thuộc Quốc Lộ 27C, đất, đá từ taluy dương tràn xuống lấp toàn bộ mặt đường gây tắc giao thông hoàn toàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại tỉnh Bình Định, mưa lớn đã khiến một số tuyến giao thông phía Đông huyện Tuy Phước bị ngập. Học sinh khu vực này phải nghỉ học. Do mưa lớn kéo dài, sáng 16/11 đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở trên đèo Violak (khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum), khiến giao thông qua khu vực bị ách tắc nhiều giờ. Đến chiều 16/11, các điểm sạt lở trên đèo Violak đã được khắc phục, giao thông trên tuyến đã thông suốt trở lại. Tuy nhiên, khu vực vẫn có mưa lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở núi trên tuyến là rất cao.

Đánh giá về đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền Trung, ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đây là đợt mưa lớn trên diện rộng, nguyên nhân là do tác động của không khí lạnh cùng ảnh hưởng của gió Đông, một hình thế thời tiết điển hình gây mưa lớn ở khu vực miền Trung.

Điều này dẫn đến tại nhiều địa phương đã có mưa rất to. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía Đông Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm; riêng khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 1.000mm.

Về tình hình lũ, lũ quét, sạt lở, ông Hoàng Văn Đại nhận định, lũ có diễn biến phức tạp. Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận phổ biến ở mức trên báo động 2 đến trên 3. Đặc biệt, tại khu vực có mưa lớn từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, lũ trên các sông ở mức xấp xỉ báo động 3 đến trên 3.

Trong đợt lũ này, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng nặng nhất do tâm mưa lớn nhất nằm ở khu vực này. Mực nước tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên báo động 3. Đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây. Các hồ chứa đã liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du. Trong khi đó, khu vực ngập nặng nhất ở hạ lưu sông Hương.

Ông Hoàng Văn Đại đưa ra dự báo, trong ngày 17/11, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình xảy ra mưa từ 20-50mm, có nơi trên 50mm; từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi xảy ra mưa từ 70-150mm, có nơi trên 200mm; từ Quảng Trị-Bình Định đến Ninh Thuận xảy ra mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Với lượng mưa như trên, lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi sẽ có xu thế xuống chậm và dao động ở mức báo động 1-2; riêng lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận có khả năng lên lại và dao động ở mức báo động 2 và trên 2; các sông ở Bình Định, Bắc Phú Yên ở mức báo động 1-2. Tình hình ngập lụt tại các địa phương từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa giảm nhanh sau ngày 17/11.

Ông Hoàng Văn Đại đặc biệt khuyến cáo, hiện nay, trên các sông, suối có dòng chảy xiết, độ ẩm đất đã bão hòa, do đó rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bà con cần hết sức cẩn thận khi di chuyển; rà soát các khu vực sinh sống những dấu hiệu như nứt, sạt, trượt. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để có phương án phòng, chống kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-dam-an-toan-tuyet-doi-cho-cac-ho-chua-ung-pho-mua-lu-mien-trung-post908313.vnp