Bánh dân gian vẫn 'đỏ lửa'

Theo sự phát triển của xã hội, rất nhiều loại bánh hiện đại xuất hiện. Thế nhưng, bánh dân gian vẫn chiếm giữ vị thế nhất định trên thị trường. Nhiều gia đình, nhiều thế hệ vẫn tiếp nối, duy trì nghề làm bánh dân gian. Họ gìn giữ nghề không chỉ vì kinh tế mà còn vì tình yêu, tâm huyết giữ nét văn hóa ẩm thực truyền thống được trao truyền từ bao đời.

Gần 70 tuổi, bà Phạm Thị Năm (ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) vẫn bám trụ với nghề gói bánh lá dừa. Theo bà Năm, bà biết làm bánh lá dừa từ khi còn rất trẻ, lúc đó bà cùng mẹ và phụ nữ ở ấp gói bánh gửi bộ đội. Không khí ấy bà nhớ mãi đến bây giờ. Khi đất nước thống nhất, bà lập gia đình, bên cạnh việc đồng áng, bà còn làm bánh bán để tăng thu nhập, nuôi các con và gìn giữ nghề đến nay.

Hằng ngày, bà Phạm Thị Năm (trái) và con gái vẫn miệt mài làm bánh lá dừa bán. Ðây là nghề gắn liền với bà từ thời con gái.

Hằng ngày, bà Phạm Thị Năm (trái) và con gái vẫn miệt mài làm bánh lá dừa bán. Ðây là nghề gắn liền với bà từ thời con gái.

Bánh lá dừa được tạo ra từ những nguyên liệu rất đỗi gần gũi, gắn liền với đời sống người dân Nam Bộ như: nếp, chuối, đậu, dừa, lá dừa... Qua bàn tay khéo léo, kinh nghiệm của bà Năm đã tạo nên món bánh được nhiều người ưa chuộng. Trong không gian bếp rộng rãi, thoáng mát, hằng ngày, bà Năm và con gái vẫn cần mẫn với nghề làm bánh lá dừa.

Ngày nay, bánh dân gian được sự ủng hộ của thực khách gần xa, cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương trong phát triển nghề truyền thống, nên đã tạo động lực cho nhiều hộ gìn giữ nghề.

Bánh xà lam dừa, bánh khéo gắn liền với cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (Khóm 2, Phường 1, TP Cà Mau) từ nhiều năm qua. Bà Thúy chia sẻ, bà giữ nghề không đơn thuần vì mưu sinh, mà còn bởi đây là nghề truyền thống của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (phải), là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh xà lam dừa, bánh khéo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy (phải), là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối nghề làm bánh xà lam dừa, bánh khéo.

“Những loại bánh tôi làm tuy không mới, nhưng hương vị đậm chất truyền thống và có nét riêng. Nét riêng ấy có từ thời bà ngoại tôi truyền lại”, bà Thúy tâm sự. Tuy không quá dư dả, nhưng nghề làm bánh dân gian đã mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình bà.

Bánh dân gian rất đa dạng, từ tên gọi đến cách chế biến nhưng nguyên liệu làm bánh lại rất đơn giản, dễ tìm. Ngày nay, dù thị trường bánh ngày càng xuất hiện và du nhập nhiều loại bánh tây hiện đại, thiết kế sang trọng, nhưng bánh dân gian vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng trong thực đơn của nhiều người. Chính vì thế, những người tâm huyết với nghề làm bánh dân gian vẫn tỉ mỉ, miệt mài hằng ngày qua từng công đoạn làm bánh, cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất. Họ tự tay làm bánh không chỉ để tăng thu nhập mà còn gửi gắm tâm tình, lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực có từ thời xa xưa.

Bánh ít miền Tây quen thuộc, thường xuất hiện vào các dịp đám giỗ ở gia đình.

Bánh ít miền Tây quen thuộc, thường xuất hiện vào các dịp đám giỗ ở gia đình.

Với bàn tay khéo léo, chị Thái Thị Thúy Loan (Ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gìn giữ nghề làm bánh bông lan, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.

Với bàn tay khéo léo, chị Thái Thị Thúy Loan (Ấp 3, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gìn giữ nghề làm bánh bông lan, góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình.

Phụ nữ xã Trí Lực và Trí Phải, huyện Thới Bình tham gia Hội thi Gói bánh tét nhân Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).

Phụ nữ xã Trí Lực và Trí Phải, huyện Thới Bình tham gia Hội thi Gói bánh tét nhân Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).

Màu sắc bắt mắt của bánh tét ngũ sắc.

Màu sắc bắt mắt của bánh tét ngũ sắc.

Văn Đum

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/banh-dan-gian-van-do-lua--a36645.html