Bài tham dự Cuộc thi viết: 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào' - Khơi dậy tiềm năng 'đất trăm nghề'Bài 2: Động lực cho sự phát triển
Sản phẩm làng nghề của Hà Nội đa dạng, phong phú, tuy nhiên, những giá trị của mỗi làng nghề vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Bởi thế, rất cần các giải pháp hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ nghệ nhân, mở rộng không gian làng, không gian trưng bày để du khách tiện lợi trong tham quan, tiếp cận sản phẩm truyền thống.
Thịnh vượng nhờ nghề
Đến Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín), chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự tấp nập, sầm uất của một làng nghề truyền thống. Những chuyến xe tải chở hàng vào ra, tiếng máy dệt từ nhiều ngôi nhà văng vẳng khắp xóm làng...
Theo ông Đỗ Duy Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn, ga, gối, đệm; mỗi doanh nghiệp thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 20 lao động. Ngoài các doanh nghiệp, hàng trăm hộ làm nghề đều đầu tư máy móc hiện đại, như máy chần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Nghề truyền thống phát triển đã nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước đạt 300 tỷ đồng.
Ở Phú Xuyên, làng Chuôn Ngọ thuộc xã Chuyên Mỹ là làng nghề nổi tiếng với nghề khảm trai được truyền từ nhiều đời. Dưới bàn tay tài năng của người dân Chuôn Ngọ, những mảnh vỏ trai và ốc đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đậm tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Chuyên (huyện Phú Xuyên) chia sẻ: “Nhờ nghề, đời sống của người dân được nâng lên, nông thôn đổi mới. Chúng tôi mong chính quyền các cấp hỗ trợ, xây dựng tuyến du lịch để nghề phát triển hơn nữa, phát huy giá trị làng nghề truyền thống Phú Xuyên”.
Theo thống kê, Hà Nội có 322 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, tập trung vào các nhóm ngành, như: Chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn. Những năm gần đây, công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống Thủ đô đã và đang tiếp tục mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp hơn cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ để các làng nghề phát triển hơn nữa.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng có nhiều làng nghề. Các sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Một số nhóm sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhờ nghề truyền thống, người dân sẽ được cải thiện về đời sống vật chất và tinh thần. Nếu có thêm phương thức làm ăn hiệu quả hơn, hoàn toàn có thể giúp thu nhập của bà con cao hơn nữa.
Tạo thêm không gian phát triển
Với bề dày lịch sử, Hà Nội là nơi phát sinh nhiều nghề quý do những tiền nhân truyền lại. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều mang một đặc trưng riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Truyền thống lịch sử, văn hóa và bản sắc của dân tộc thấm đẫm trong các sản phẩm làng nghề. Cùng với thời gian, hiện nay, có nhiều làng nghề mới đã và đang phát triển thịnh vượng.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chia sẻ: “Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm làng nghề, là vấn đề được UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Song cũng phải nói rằng, làng nghề Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác hết. Một số làng nghề bước đầu đã tạo dựng được thêm những mẫu mã mới, không gian văn hóa có tính đương đại như gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, song vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.
Thực tế ở nhiều địa phương tại Hà Nội, sự hạn chế về không gian, vướng mắc trong quy hoạch làng nghề chính là những rào cản nhất định cho phát triển, phát huy giá trị của làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự, làng thêu Quất Động (huyện Thường Tín) chia sẻ: “Trước đây, cứ mỗi lần có đoàn khách nước ngoài đến Thường Tín muốn nhờ dẫn đi thăm một làng nghề truyền thống, lãnh đạo huyện lại thường đưa đến nhà tôi tham quan vì nơi đây có không gian trưng bày, không gian đón tiếp họ. Thực tế như vậy đòi hỏi việc quy hoạch, tạo dựng thêm không gian sản xuất, không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho mỗi làng nghề là vô cùng cần thiết”.
Đồng quan điểm, nghệ nhân Đặng Văn Hậu, làng nặn tò he Xuân La (huyện Phú Xuyên) cho biết thêm, trong phát triển làng nghề và du lịch, đôi khi mới chỉ coi trọng yếu tố “nghề” mà xem nhẹ yếu tố “làng”. "Chúng ta tập trung vào phát huy giá trị của các nghề thủ công truyền thống để thu hút khách du lịch, nhưng lại chưa quan tâm đến nhu cầu của du khách. Họ khám phá các tinh hoa nghề truyền thống, đồng thời cũng cần những giây phút thư giãn giữa không gian làng quê như mái đình, cây đa, giếng làng, cảnh quan đồng ruộng. Như vậy, ngoài phát triển nghề, chúng ta phải bảo tồn những nét làng nữa", ông Hậu nói.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội) cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn Thủ đô đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít khó khăn. Bởi thế, rất cần sự trợ lực về chính sách, trong đó có quy hoạch, cải thiện môi trường, phát triển hạ tầng các làng nghề.
Thường Tín là huyện có số lượng làng nghề lớn nhất thành phố Hà Nội. Phát huy nguồn lực đó, huyện Thường Tín đã và đang quy hoạch, triển khai xây dựng các cụm, khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hoạt động, sản xuất tại các làng nghề, hướng tới phát triển nền công nghiệp xanh, bền vững. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, thời gian qua, nhiều làng nghề của huyện Thường Tín đã có sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường, trong đó có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài; một số làng nghề có sự đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, đang có một hiện trạng là thiếu mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh và chưa có chiến lược, giải pháp thích hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp chính là giải pháp cho hai vấn đề này. Đến nay, huyện có 11 cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, với tổng diện tích 195ha. Các cụm công nghiệp đã giải quyết hiệu quả đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề; giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cũng theo lãnh đạo huyện Thường Tín, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện tiếp tục đề nghị thành phố cho thành lập 6 cụm công nghiệp với quy mô hơn 37ha và xin mở rộng 2 cụm công nghiệp: Quất Động 2 (4,15ha), Văn Tự giai đoạn 2 (6ha). Ngoài ra, huyện còn bổ sung quy hoạch và thành lập mới cụm công nghiệp Tín An (74 ha) tại địa bàn 3 xã: Thống Nhất, Văn Tự, Tô Hiệu.
Hà Nội đang “ôm” trong mình một di sản vô cùng quý giá, đó là hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng trăm làng cổ. Nếu có thể xây dựng những không gian sáng tạo, sẽ giúp mỗi làng nghề có cơ hội phát triển tốt hơn.