Bài cuối: Huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị

Theo dự kiến nêu trong Đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) TPHCM có tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương 32,973 tỷ USD). Trong đó không bao gồm vốn đầu tư tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chuẩn bị đưa vào khai thác thương mại vào cuối năm nay.

Đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng

Việc xây dựng hệ thống ĐSĐT TPHCM là hoàn toàn phù hợp với các chủ trương, chính sách, hiện thực hóa các quy hoạch phát triển TP đã được phê duyệt và điều chỉnh trong thời gian tới đã được khẳng định. ĐSĐT cũng tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông (GT) của TP, thúc đẩy phát triển hệ thống GT công cộng đáp ứng nhu cầu GT ngày càng tăng.

Tính cấp thiết và cần thiết phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM là vậy, tuy nhiên về nguồn vốn đầu tư xây dựng cũng là vấn đề rất được quan tâm. Theo UBND TPHCM, Sở GTVT TPHCM, "Phương án huy động nguồn vốn", về sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cho thấy, tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 vào khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương 32,973 tỷ USD), không bao gồm vốn đã đầu tư tuyến ĐSĐT số 1.

Về cơ cấu nguồn vốn, được xây dựng trên nguyên tắc, như đối với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại xem xét, nghiên cứu phương án có thể sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Đối với các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Phương án huy động nguồn vốn để đáp ứng yên cầu về nguồn vốn, tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt nói chung, ĐSĐT nói riêng, là "Huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, ngân sách Nhà nước giữ vai trò quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá và ưu tiên tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển GTVT đường sắt".

Ga kết nối tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đi vào hoạt động thương mại

Ga kết nối tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đi vào hoạt động thương mại

UBND TPHCM cho biết, giai đoạn năm 2021 - 2025, TP đang tiếp tục triển khai xây dựng tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư cho các tuyến còn lại. Theo đó, nhu cầu vốn cho giai đoạn này là 7.189 tỷ đồng (0,3 tỷ USD). Nguồn vốn này từ ngân sách TP và nguồn vốn đã được xác định cho tuyến ĐSĐT Metro số 2. Với giai đoạn năm 2026 - 2030, trong giai đoạn này sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thành tuyến Metro số 2, đồng thời triển khai xây dựng các tuyến còn lại.

Nhu cầu nguồn vốn cho giai đoạn này (bao gồm cả chi phí khai thác, vận hành) là 465.078 tỷ đồng (19,396 tỷ USD) được dự kiến từ các nguồn vốn, như nguồn tăng thu của ngân sách TP trong giai đoạn 2024 - 2030, dự kiến khoảng 122.755 tỷ đồng; nguồn dự kiến đề xuất Trung ương tăng tỷ lệ TP được hưởng theo phân cấp (dự kiến tăng thêm 2% trên tổng thu ngân sách TP)... và nguồn vốn dự kiến phát hành trái phiếu TPHCM khoảng 204.956 tỷ đồng. Cho đến giai đoạn năm 2031 - 2035, trong giai đoạn này TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các tuyến ĐSĐT bảo đảm mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành khoảng 183km. Nhu cầu nguồn vốn cho giai đoạn này (bao gồm cả chi phí khai thác, vận hành) là 318.261 tỷ đồng (13,273 tỷ USD), dự kiến lấy từ các nguồn tăng thu của ngân sách TP trong giai đoạn 2023 - 2035, dự kiến khoảng 99.683 tỷ đồng (4,l57 tỷ USD), nguồn dự kiến đề xuất Trung ương tăng tỷ lệ TPHCM được hưởng theo phân cấp (dự kiến tăng thêm 2% trên tổng thu ngân sách TP) trong giai đoạn từ năm 2031 - 2035, dự kiến là 91.569 tỷ đồng...

Phát huy cơ chế chính sách đặc thù

Căn cứ các quy định của Luật, Nghị quyết, Nghị định và các quy định khác hiện hành về quy hoạch, đầu tư xây dựng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đấu thầu, hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành... trên cơ sở khung pháp lý tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT TPHCM nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị cần thiết phải xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Như cơ chế thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch; UBND TPHCM được phép phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch; Chuyển đổi quyền xây dựng (số tầng, diện tích sàn hoặc hệ số sử dụng đất) trong khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển GT công cộng; Rút gọn các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, thay thế quy trình điều chỉnh và việc ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch bằng văn bản chấp thuận của UBND TP; Áp dụng phương thức "Quy hoạch điều chỉnh đất" trong khu vực đô thị phát triển theo mô hình TOD. Cũng theo UBND TPHCM, nhóm cơ chế về thu hồi đất, bồi thuờng, hỗ trợ, tái định cư, với mục tiêu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng sau 1 năm kể từ ngày các dự án đầu tư được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu trên cơ sở mục tiêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Với nhóm cơ chế về huy động nguồn vốn, mục tiêu bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án ĐSĐT theo kế hoạch, lộ trình đầu tư (từ các nguồn vốn như ODA, ngân sách Nhà nước, các nguồn thu khác từ phát hành trái phiếu, đấu giá thu hồi đất và các nguồn thu hợp pháp khác). Cùng với đó, cơ chế cho phép TPHCM khai thác quỹ đất và sử dụng toàn bộ nguồn thu từ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao, đầu tư dự án bất động sản, khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực vùng phụ cận các nhà ga và các khu vực khác trên địa bàn TP để tái đầu tư xây dựng ĐSĐT, hệ thống GT công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống ĐSĐT...

Phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM, tuyến Metro số 2 đang thi công

Phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM, tuyến Metro số 2 đang thi công

Đồng thuận phát triển hệ thống ĐSĐT

Trong quá trình lập Đề án về phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM, UBND TP đã tổ chức nhiều cuộc họp, báo cáo, hội nghị, hội thảo chuyên đề; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học... Các ý kiến góp ý đã được Sở GTVT TPHCM tiếp thu, giải trình và tổng hợp thành các nhóm vấn đề và hoàn thiện Đề án.

Theo Sở GTVT TPHCM, do yêu cầu tiến độ cấp bách của Bộ GTVT, chỉ đạo của UBND TPHCM; thời gian chuẩn bị và hoàn thiện Đề án ngắn, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, rất cần các Sở, ngành tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp. Tuy nhiên, đến nay Sở GTVT TPHCM đã cơ bản hoàn thiện Đề án theo Đề cương yêu cầu của Bộ GTVT và trình đến UBND TPHCM kết quả nghiên cứu Đề án phát triển hệ thống ĐSĐT TPHCM.

Cũng theo đó, về phương án huy động nguồn vốn để bảo đảm tính khả thi triển khai Đề án, các đơn vị chức năng của TP rất cần khẩn trương nghiên cứu kế hoạch đầu tư, nhu cầu phân bổ vốn (giai đoạn và hàng năm) để đề xuất phương án huy động nguồn vốn; đề xuất đối với các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù... nhằm chung tay góp sức, tạo sự đồng thuận cao từ chính quyền TP, các Sở, ngành và nhân dân TPHCM để xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ thống ĐSĐT tại TPHCM.

TPHCM khẩn trương khắc phục nhiều bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông

Tháng 5/2024, Công an TPHCM (CATP) đã gửi công văn cho lãnh đạo UBND TP cùng các Sở, ngành có liên quan kiến nghị về việc bất cập hạ tầng, tổ chức GT trên địa bàn. Theo CATP, thời gian qua, hạ tầng GT trên địa bàn TP có nhiều chuyển biến và thay đổi, nhiều tuyến đường GT mới được hình thành đưa vào sử dụng, một số tuyến được mở rộng, nâng cấp, hệ thống cầu vượt, hầm chui... Nhìn chung, các đơn vị liên quan đã phối hợp giải quyết nhiều kiến nghị về bất cập tổ chức GT trên các tuyến đường do Phòng CSGT đảm trách. Tuy nhiên, đối với các tuyến đường do CA cấp huyện quản lý, trong năm 2023, CATP đã ghi nhận còn 208 kiến nghị liên quan đến các bất cập về hạ tầng, tổ chức GT. Trong đó có 116 kiến nghị liên quan đến hệ thống biển báo hiệu, 26 kiến nghị liên quan đến đèn tín hiệu GT, 66 kiến nghị liên quan đến vạch kẻ đường, tổ chức phân luồng GT, nâng cấp, cải tạo hạ tầng... Các kiến nghị này đã được Sở GTVT, Sở Xây dựng, Công ty BOT, UBND cấp huyện ghi nhận và đang nghiên cứu, giải quyết. Hiện TPHCM chuẩn bị vào mùa mưa, để kịp thời bảo đảm tình hình trật tự an toàn GT, CATP đã kiến nghị lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo các Sở, ban ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải quyết các bất cập về hạ tầng, về tổ chức GT nhằm hạn chế tai nạn GT, ùn tắc GT xảy ra trên địa bàn TP.

Mới đây, Văn phòng UBND TPHCM đã ban hành công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về các vấn đề có liên quan. Công văn nêu rõ, giao Sở GTVT, Sở Xây dựng, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát các bất cập về hạ tầng và tổ chức GT được thống kê; chủ động phối hợp với CATP đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục các tồn tại, bất cập để bảo đảm tình hình GT an toàn, thông suốt.

TRUNG HIẾU

VĂN TOÀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-cuoi-huy-dong-nhieu-nguon-luc-uu-tien-phat-trien-duong-sat-do-thi_162387.html