Bài cuối: Gắn chặt tiếp công dân với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Kinh nghiệm trong công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND tỉnh Bình Dương là kết hợp các hình thức giám sát với nhau để tận dụng kết quả giám sát của hình thức này cho các hình thức khác, đặc biệt là gắn chặt công tác tiếp công dân với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, chỉ giám sát khi có những căn cứ cho thấy việc giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp; hết sức tránh việc xen vào giám sát mà dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình khiếu nại, tố cáo.
Bài 1: Đồng chủ trì tiếp công dân với lãnh đạo UBND tỉnh
HĐND tỉnh, trực tiếp là Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức giám sát ít nhất một lần trong năm đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND tỉnh và UBND cấp huyện. Ban Pháp chế cũng tổ chức giám sát chuyên đề công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp đối với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh. Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND, các ngành chức năng chấn chỉnh kịp thời những sai sót, hạn chế, tăng cường phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ban cũng giám sát một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài và nghiên cứu đề xuất với UBND tỉnh hướng giải quyết; nghiên cứu giám sát một số vụ việc cụ thể theo yêu cầu của công dân và có văn bản trả lời (hoặc trả lời trực tiếp tại buổi tiếp công dân) về kết quả giám sát...
Một buổi giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ảnh: Nguyễn Hậu
Tận dụng kết quả các hình thức giám sát
Kinh nghiệm của HĐND tỉnh Bình Dương là kết hợp các hình thức giám sát với nhau để tận dụng kết quả giám sát của hình thức này cho các hình thức khác, đặc biệt là gắn chặt công tác tiếp công dân với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể là: Thông qua những thông tin tiếp nhận từ các buổi tiếp công dân, có thể lựa chọn nội dung để chất vấn trực tiếp tại kỳ họp hoặc tổ chức giám sát vụ việc cụ thể; thông qua việc tham dự các cuộc họp giải quyết đơn, nắm được nội dung, tiến độ, quá trình giải quyết vụ việc cụ thể để tham gia góp ý, đề xuất hướng giải quyết, đồng thời có thông tin trả lời rõ cho công dân tại các buổi tiếp dân; kết quả giám sát vụ việc cụ thể được sử dụng để dẫn chứng, đặt vấn đề khi giám sát chung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoặc sử dụng tất cả các kết quả giám sát này khi đánh giá, thẩm tra về tình hình thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh…
Nhờ đó, kết quả giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng đi vào thực chất, phản ánh đúng tình hình thực tiễn, chỉ ra đúng những sai sót, hạn chế trong công tác của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo nên được các cơ quan này thừa nhận và tiếp thu khắc phục.
Chỉ giám sát khi có việc giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan dân cử hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc thù của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nên việc giám sát công tác này đòi hỏi phải có nhiều thời gian đi sâu nghiên cứu, đặc biệt, đối với giám sát vụ việc cụ thể cần phải có kiến thức về pháp luật để nhận định, đánh giá đúng, sai về quá trình giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể như: Xem xét về trình tự, thủ tục giải quyết; thẩm quyền giải quyết; việc vận dụng những quy định của pháp luật để giải quyết đối với nội dung vụ việc cụ thể…
Trên thực tế, các đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm (cho dù là đại biểu thành viên Ban Pháp chế) rất khó đáp ứng được những đòi hỏi này nên hầu như chỉ có đại biểu chuyên trách Ban Pháp chế HĐND đảm nhận hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, với cơ cấu gồm đa số là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, rất khó để HĐND giám sát tốt công tác này. Thực tiễn cho thấy, HĐND thông thường tổ chức giám sát chung về tình hình, kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, ít khi tổ chức giám sát vụ việc cụ thể, nguyên nhân chủ yếu là do e ngại những đòi hỏi nêu trên.
Hiện nay, ở tỉnh Bình Dương, ngày càng có nhiều đơn, thư và yêu cầu trực tiếp của công dân đề nghị HĐND tỉnh tiến hành giám sát những vụ việc cụ thể đã được UBND tỉnh giải quyết hoặc đã ban hành Thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết vụ việc. Tình hình này tạo ra áp lực lớn đối với Thường trực và Ban Pháp chế HĐND tỉnh vì phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc mới trả lời được cho công dân. Theo Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, có 2 cách: (1) Qua nghiên cứu vụ việc nếu nhận thấy cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng thì giải thích cho công dân và không tiến hành giám sát; (2) ngược lại, nếu có căn cứ cho thấy quá trình giải quyết chưa đúng thì mới tiến hành giám sát.
Một nguyên tắc HĐND tỉnh Bình Dương luôn cân nhắc khi xử lý tình huống này là: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân có căn cứ; đề cao trách nhiệm của cơ quan dân cử đối với công dân nhưng đồng thời cũng tôn trọng thẩm quyền của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, không phải bất cứ vụ việc nào được công dân yêu cầu HĐND cũng tiến hành giám sát, mà chỉ giám sát khi có những căn cứ cho thấy việc giải quyết chưa đúng, chưa phù hợp; hết sức tránh việc xen vào giám sát mà dẫn đến làm phức tạp thêm tình hình khiếu nại, tố cáo.