Bài 2: Gắn mô hình phòng, chống tội phạm với những khu vực đặc thù
Đặc thù của Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có lượng công nhân lao động rất lớn và là vùng có đông đồng bào Công giáo, dân tộc thiểu số sinh sống.
Gắn với điều kiện thực tế tại địa phương, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), phòng, chống tội phạm (PCTP) phù hợp, phát huy được vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, bình yên.
* Doanh nghiệp an toàn, phòng trọ bình yên
Đồng Nai là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều tuyến giao thông quan trọng. Toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp (KCN), thu hút hơn 1,5 ngàn dự án đầu tư nước ngoài của gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ, tạo công ăn việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh. Điều này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Trước tình hình đó, thời gian qua, ngoài công tác nghiệp vụ của lực lượng công an thì công an các địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể đã nỗ lực xây dựng nhiều mô hình ANTT hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các loại tội phạm hoạt động trong KCN và địa phương có đông công nhân sinh sống.
Phụ trách quản lý tình hình ANTT tại 4 KCN với hàng trăm công ty, hàng chục ngàn lao động, Đồn Công an KCN Biên Hòa đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn quản lý.
Đại tá TRẦN ANH SƠN, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 63 mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT trong khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp và trường học do lực lượng công an, các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng. Qua đó đã góp phần đảm bảo tốt ANTT, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Đại úy Nguyễn Tấn Hiền, Trưởng Đồn Công an KCN Biên Hòa cho biết, nhiều năm qua, Đồn Công an KCN Biên Hòa đã xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình Cụm giao ban về ANTT với sự phối hợp giữa lực lượng công an, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và hơn 200 công ty tại KCN Biên Hòa 1, KCN Biên Hòa 2, KCN Loteco.
Tại các buổi giao ban hàng tháng, ngoài lực lượng công an của Đồn thì đại diện các công ty, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, lực lượng cơ sở hạ tầng, bảo vệ cũng tham gia trao đổi, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại về ANTT trong từng công ty và KCN. Đồng thời, thông qua mô hình, lực lượng công an tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật và nhiều phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm như: lừa đảo, trộm cắp, hoạt động tội phạm “tín dụng đen”… cho đại diện các công ty, người lao động nắm bắt.
Song song đó, hiện toàn tỉnh có hơn 20 ngàn khu nhà trọ với khoảng 150 ngàn phòng trọ, đáp ứng trên 450 ngàn chỗ ở cho người lao động. Ngoài các KCN thì việc ngăn chặn tội phạm trong các khu phòng trọ nơi sinh sống của công nhân cũng là vấn đề nan giải. Do đó, ngoài hoạt động tuần tra, ngăn chặn tội phạm của lực lượng công an thì Sở VH-TTDL đã phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình Nhà trọ văn minh, văn hóa, không có tội phạm.
Đến thăm nhà trọ văn minh Phúc Lộc Thọ tại xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), chúng tôi phải ngỡ ngàng vì hơn 150 phòng được xây dựng trên 6 ngàn m2 rất khang trang, sạch sẽ. Từ ngoài ngõ vào đến tận các phòng đều được lắp đặt đầy đủ dãy đèn chiếu sáng, hệ thống camera và phòng cháy, chữa cháy hiện đại.
Anh Nguyễn Mạnh Vũ (quản lý khu trọ Phúc Lộc Thọ) cho hay, nhằm đảm bảo ANTT khu vực phòng trọ, ngay từ đầu việc chọn lựa người thuê trọ được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhờ ý thức tự phòng, tự bảo vệ nên không để xảy ra tình trạng tội phạm và tệ nạn trong khu trọ.
* Đảm bảo ANTT từ xứ đạo đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đồng Nai là địa phương có nhiều tôn giáo với 42 tổ chức thuộc 11 tôn giáo đang hoạt động. Trong đó, số người theo đạo Công giáo đông nhất cả nước với hơn 1,2 triệu giáo dân, chiếm hơn 1/3 dân số toàn tỉnh.
Thời gian qua, lực lượng công an đã luôn đồng hành với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn trong mọi hoạt động. Đồng thời, vận động chức sắc và tín đồ Công giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động ở địa phương.
Trong đó, mô hình Xóm đạo bình yên tại xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) là một minh chứng sống động nhất thể hiện mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.
Cứ vào các ngày nghỉ hoặc những ngày cuối tuần, ông Vũ Thanh Phong, Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ xóm đạo bình yên ấp Bạch Lâm 1, xã Gia Tân 2 đều cùng 7 người trong tổ đi đến nhà bà con giáo dân để thăm hỏi và nói chuyện về pháp luật. Trong những cuộc nói chuyện của các thành viên tổ chỉ đơn giản là kể về một vụ trộm, cướp tài sản vừa xảy ra trên địa bàn hay thủ đoạn lừa đảo qua mạng mới xuất hiện…
“Xã Gia Tân 2 có hơn 90% người dân là đồng bào Công giáo. Trên địa bàn xã ít xảy ra các phạm pháp nghiêm trọng. Để thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền pháp luật đến từng nhà dân hoặc trong các buổi sinh hoạt chung của người Công giáo. Chỉ kể dăm ba câu chuyện pháp luật nhưng giúp ích rất nhiều cho công tác phòng chống tội phạm trong các xóm đạo” - ông Phong cho biết.
Với những hiệu quả từ mô hình Xóm đạo bình yên, hiện nay riêng xã Gia Tân 2 đã nhân rộng ra thành 5 tổ, xóm đạo bình yên ở 5 ấp khác nhau, góp phần đưa pháp luật đến gần dân hơn và ngăn chặn tội phạm ngay từ khi mới manh nha.
Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là nơi sinh sống của gần 200 ngàn người thuộc 51 thành phần dân tộc thiểu số khác nhau nên hoạt động đảm bảo ANTT trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng.
Một trong những mô hình hay trong giữ gìn ANTT tại khu vực có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Đội Nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc). Đội đã thành lập được 10 năm với gần 20 thành viên chủ yếu là đồng bào dân tộc đã luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng giữ vững ANTT tại địa bàn.
Bà Trương Thị Ngọc Hạnh, Đội trưởng Đội Nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc xã Xuân Phú cho hay, thời gian qua, Đội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực như: hỗ trợ lực lượng công an tuần tra địa bàn, tuyên truyền pháp luật, tiếp cận, nhắc nhở những gia đình có người vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Thiếu tá Huỳnh Văn Tấn Đông, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào Công an tỉnh cho biết, để góp phần củng cố, nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại vùng dân tộc, vùng đồng bào các tôn giáo, Công an tỉnh đã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, thăm hỏi, thực hiện công tác tranh thủ với chức sắc, người uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc. Đồng thời, xây dựng các mô hình ANTT trong các vùng có đạo, đồng bào dân tộc. Qua đó, góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ tích cực giữa giáo hội các tôn giáo, đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh với lực lượng công an. Từ đó, vận động quần chúng giáo dân, người đồng bào tích cực hưởng ứng tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.