Bài 1: Nhìn đâu cũng quá tải!
Chung cư mới mọc lên ngày càng nhiều, chung cư cũ trên không cũng cơi nới, dưới đất cũng cơi nới, nhà nhà san sát nhau, đô thị hóa nhanh, ngõ làng xưa nay lên phố, quán xá mọc lên như nấm, vì thế thiếu chỗ đậu xe. Giờ đây ở bất cứ đâu ở Hà Nội, từ ngõ ngách đến khuôn viên chung ở các khu dân cư đâu đâu cũng thấy xe dừng đỗ. Giải bài toán 'thiếu chỗ đậu xe' để góp phần làm cho Thành phố ngày càng văn minh, hiện đại rất cần những 'chuyên gia' giỏi cùng sự quyết liệt các cấp, ngành chuyên môn.
Hà Nội luôn trong tình trạng thiếu điểm đỗ cho cả ô tô và xe máy. Không khó để thấy những vỉa hè, lòng đường ken đặc ô tô, xe máy. Giao thông ùn tắc cũng chỉ vì phương tiện dừng đỗ làm thu hẹp lòng đường. Trước những lộn xộn trên, các lực lượng chức năng cũng tích cực ra quân xử lý, tuy nhiên nếu ở góc độ tổng quan, việc xử phạt dễ làm nảy sinh tình cảnh “mạnh tay” chỗ này, “phình” chỗ khác
Nhan nhản vi phạm
Theo ghi nhận của báo Lao động Thủ đô tại một số tuyến đường thuộc quận Thanh Xuân, dễ dàng thấy vỉa hè ở trong cảnh nhếch nhác bởi hàng quán, bãi trông giữ xe. Cụ thể, tại khu vực ngõ 69 Ngụy Như Kon Tum là hàng dài những chiếc xe máy được xếp ken đặc hai bên vỉa hè chỉ rộng chừng hơn 1m. Được biết, khu vực này là điểm trông giữ xe của tòa nhà HeiTower. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 9h là lòng đường, vỉa hè lại trở thành bãi trông, giữ xe của tòa nhà này. Đáng nói, thay vì để phương tiện dưới hầm thì nhân viên chốt trực lại hướng dẫn khách đỗ tràn lan trên vỉa hè. Điều này dẫn đến toàn bộ diện tích vỉa hè xung quanh tòa nhà này đều thành nơi đỗ xe, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Cách đó không xa, tại một điểm trông giữ xe ô tô trên tuyến phố Hoàng Đạo Thúy, tình trạng xe dừng đỗ tràn lan trên vỉa hè và dưới lòng đường thường xuyên diễn ra. Theo biển báo hướng dẫn, khu vực này là điểm trông giữ xe của Hợp tác xã Thành Công, giá niêm yết với xe từ 4-7 chỗ là 15.000 đồng/60 phút; xe 9 – 16 chỗ 20.000 đồng/phút, gửi qua đêm từ 18h đến 6h sáng có mức giá 90.000 đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu mức giá thực thu lại cao gấp nhiều lần và đơn vị trông giữ phương tiện cũng chẳng buồn kẻ vạch đỗ xe. Nói cách khác, các phương tiện khu vực này cứ mạnh ai nấy đỗ, dàn hàng 2, hàng 3 trên vỉa hè vốn đã bị “băm nát” bởi các phương tiện dừng đỗ lâu ngày. Đáng nói là, bãi xe này nằm ngay đối diện với biển chỉ dẫn đi đến Đội Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân, nghĩa là nằm ngay dưới tầm mắt của lực lượng chức năng nhưng không rõ vì sao vẫn ngang nhiên vi phạm (?!).
Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, tuyến phố Nguyễn Ngọc Vũ vốn chật hẹp nên không được bố trí bãi đỗ xe bên vỉa hè, cả khu vực chỉ có duy nhất 1 bãi xe ngay đầu phố Quan Nhân. Để tránh làm ảnh hưởng giao thông trong khu vực, bãi xe được quy hoạch sát vỉa đường và được kẻ vạch chéo góc 45 độ. Tuy nhiên, trên thực tế, để tăng thêm diện tích đỗ xe, các xe dừng nơi đây được bố trí đỗ thẳng góc 60 độ, thậm chí 90 độ. Cá biệt, có không ít phương tiện đỗ tràn vỉa hè gây cản trở giao thông trong khu vực.
Tương tự, tuyến đường Lê Văn Lương vốn đã đông đúc, chật chội lại càng bí bách hơn tại khu vực tòa nhà Golden Palm 21 phố Lê Văn Lương nơi được nhiều ngân hàng và các nhãn hiệu nổi tiếng thuê văn phòng. Theo quan sát, tại đây một phần vỉa hè đã được “cải tạo” thành lối lên xuống và bồn hoa, phần còn lại được dành để trông giữ xe máy và ô tô. Thậm chí, ở đối diện tòa nhà nay, nơi vốn có một công trường đang thi công, phần vỉa hè cũng trở nên chật chội bởi hàng loạt ô tô “chiếm dụng” làm nơi dừng đỗ cả ngày.
Tràn lan xe đỗ sai quy định
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, công suất của các điểm đỗ tại Thủ đô mới chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu giao thông tĩnh, ngoài ra các điểm trông xe tại các trung tâm thương mại, tầng hầm của các tòa nhà cao tầng cũng chỉ đáp ứng được từ 3 - 4% nhu cầu. Hệ lụy nhãn tiền là, không ít phương tiện phải đỗ dưới lòng đường, vỉa hè trực tiếp vi phạm trật tự giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Tại bệnh viện Phụ Sản Trung ương do không đủ diện tích trông giữ xe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân nên những người muốn vào viện buộc phải gửi xe ở những điểm tư nhân ngoài vỉa hè. Hệ lụy nhãn tiền là hầu hết vỉa hè ở đây đều được trưng dụng làm nơi gửi phương tiện. Ở cổng vào trên đường Triệu Quốc Đạt, tất cả vỉa hè “chật cứng” xe máy, xe đạp. Vốn là chỗ dành cho người đi bộ nhưng vỉa hè ở hai bên mặt đường này đều trở thành các điểm gửi xe vào bệnh viện.
Đáng nói, điểm trông giữ này treo biển giá quy định một đằng nhưng thu một nẻo. Cụ thể, trên biển ghi giá trông giữ đối với xe máy chỉ 5.000 đồng/lượt nhưng thực tế nhân viên trông xe lại thu 10.000 đồng/lượt. Đối với người nhà bệnh nhân ra vào bệnh viện liên tục thì khoản tiền gửi xe hàng ngày là không hề nhỏ.
Một ví dụ khác về sự quá tải hạ tầng giao thông tĩnh có thể thấy được từ quận Hoàng Mai. Theo tìm hiểu, quanh khu vực phường Hoàng Liệt hiện có bốn khu đô thị gồm: Bán đảo Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tuy nhiên, tầng hầm để xe khu vực này tương đối hạn chế khiến nhu cầu gửi xe ở đây trở thành vấn đề “nóng”, tồn tại dai dẳng suốt những năm qua. Đặc biệt là tại khu đô thị Linh Đàm mật độ phương tiện tập trung dày đặc, nhất là vào buổi tối và sáng sớm. Vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay bất cứ khoảng đất trống nào ở đây cũng đều biến thành nơi dừng đỗ phương tiện. Có những thời điểm vắng bóng lực lượng chức năng, ô tô, xe máy đỗ la liệt trên vỉa hè thậm chí ngay dưới lòng đường.
Tương tự, trên một số tuyến phố thuộc quận Cầu Giấy như Nguyễn Thị Định, Đỗ Quang, Hoàng Ngân… do tập trung nhiều nhà cao tầng nhưng hạ tầng giao thông tĩnh lại hạn chế khiến nhiều phương tiện ngang nhiên biến lòng đường, vỉa hè thành nơi dừng, đỗ. Theo ghi nhận, dọc theo tuyến Nguyễn Thị Định, không khó để bắt gặp tình trạng hàng dài xe ô tô dừng đỗ. Đáng nói, dù đã có biển cấm dừng đỗ, thế nhưng việc dừng đỗ xe dưới biển cẩm vẫn diễn ra tràn lan. Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông. tại các phố như Đỗ Quang, Hoàng Ngân diện tích mặt đường hẹp, ô tô lại đỗ thành hàng, lấn chiếm hết một làn đường khiến cho người và các phương tiện di chuyển qua đây rất khó khăn.
Theo tìm hiểu, tại Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển một trong các hành vi vi phạm như: Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m; Đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”… Rõ ràng, hành lang pháp lý để xử lý những vi phạm nêu trên đã có, vấn đề hiện tại là sự quyết liệt của các ngành chức năng trong công tác thực thi, duy trì trật tự đô thị. /.
(Còn nữa…)
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-nhin-dau-cung-qua-tai-121415.html