Bài 1: Carboncor Asphalt – tấm áo mới cho những con đường xanh
Carboncor Asphalt (CA) là vật liệu thảm mặt đường sử dụng công nghệ không khói, không nhiệt với thành phần gồm cốt liệu đá, sít than sau sàng và nhũ tương đặc biệt carbon. Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã cho phép sử dụng vật liệu CA vào trong xây dựng và sửa chữa kết cấu áo đường ở Việt Nam. Từ đó, nhiều địa phương đã mạnh dạn sử dụng vật liệu này trong nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông từ nội thị cho đến nông thôn và mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.
Hồi sinh những công trình xuống cấp
Tượng Sơn là xã bãi ngang của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một địa phương có xuất phát điểm thấp khi bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng sau chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tượng Sơn đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015, xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, xã NTM kiểu mẫu năm 2021 và đang phấn đấu đạt NTM thông minh.
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy được biết, trước đây, đường nông thôn của xã Tượng Sơn đều được cứng hóa bằng bê tông. Năm 2015, thời điểm xã về đích NTM, một đoạn đường tại thôn Hà Thanh bị xuống cấp trầm trọng, đây lại là khu vực vườn mẫu, thường xuyên đón các đoàn công tác đến tham quan. Vì vậy, sửa chữa, nâng cấp lại con đường bê tông này được chính quyền xã thời điểm đó coi là một việc hết sức cấp bách. Khi đó, lãnh đạo xã Tượng Sơn đã biết đến vật liệu CA và mạnh dạn đưa vật liệu này về thí điểm sửa chữa lại đoạn đường đang xuống cấp.
“Lúc đó, đường bê tông này đã xuống cấp nhiều lắm, bề mặt đường đã bị rỗ, chúng tôi cho rải thảm CA với chiều rộng 3,5m, độ dày chỉ 2,5cm. Trong quá trình thí điểm, lãnh đạo xã cũng rất phân vân và lo lắng về chất lượng của loại vật liệu mới này. Nhưng sau khi rải thảm xong, chúng tôi nhận thấy phương tiện càng qua lại nhiều thì mặt đường lại càng đẹp, càng chắc chắn. Đến nay đã gần 10 năm, thời tiết mưa nắng, ngập lụt cũng không ảnh hưởng gì cả, khiến người dân và lãnh đạo xã hết sức phấn khởi” – ông Dương Kim Huy kể lại.
Ông Nguyễn Văn Lộc, người dân sống tại thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà cho biết: Đoạn đường tại thôn Hà Thanh được đưa vào làm thí điểm rải thảm CA từ năm 2015, tôi cảm nhận thảm này đảm bảo chất lượng, sử dụng có hiệu quả. Thôn Hà Thanh thường xuyên đón các đoàn tới tham quan mô hình nông thôn mới, có lúc những xe khách 45 chỗ lùi tới, nhưng mặt đường vẫn không bị hư hỏng.
Cũng theo lời kể của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, năm 2018, được sự hỗ trợ của huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh, xã đã làm thêm 4km đường sử dụng vật liệu CA. Từ đó đến nay, xã đã đăng ký với huyện để được phân bố thêm chỉ tiêu rải thảm CA các tuyến đường bê tông đã xuống cấp. Trung bình mỗi năm xã Tượng Sơn làm từ 1 - 3km đường theo chính sách Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Năm 2020, một trận lũ lịch sử xảy ra ở tỉnh Hà Tĩnh, đúng lúc trên địa bàn xã Tượng Sơn đang có một đoạn đường vừa mới được rải thảm CA, chính quyền còn chưa nghiệm thu công trình, nhiều vật liệu CA còn nguyên trong bao bì vẫn còn tập kết ở ngoài trời. Lúc đó, địa phương bị ngập trong lũ hơn 15 ngày khiến lãnh đạo và người dân lo lắng vì sợ lũ sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, phá hỏng hết hạ tầng, hệ thống cây xanh và đường giao thông. Nhưng sau khi nước lũ rút, việc đầu tiên của lãnh đạo xã là đi kiểm tra hệ thống đường giao thông, nhận thấy những con đường rải thảm CA không hề bị hư hỏng.
Bàn về chất lượng của vật liệu CA trong quá trình rải thảm mặt đường, ông Dương Kim Huy nhận định: Bản thân tôi là người triển khai, chứng kiến thi công và thụ hưởng công trình, nên tôi khẳng định chất liệu CA sử dụng để rải thảm mặt đường bê tông đã xuống cấp là rất có hiệu quả. Sức chịu trọng tải rất cao, thậm chí khi làm xong đường, có nhiều xe trọng tải đến 50 tấn đi vào vẫn bình thường. Trong quá trình giám sát thi công, thì công nghệ này cũng không đòi hỏi máy móc hiện đại, mà nó làm bằng phương pháp thi công thủ công, hết sức đơn giản. Chất lượng công trình không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa lũ.
“Tất cả các con đường rải thảm CA từ năm 2015 đến nay vẫn đang giữ nguyên hiện trạng, mặt đường rất bền vững, chưa hư hỏng hay phải sửa chữa gì cả” – ông Huy khẳng định.
Là một nhà thầu thi công các dự án giao thông trên địa bàn, ông Lê Ngọc Chức, Giám đốc Công ty Xây dựng Nga Chức (huyện Thạch Hà) cho biết: Công ty chúng tôi thi công làm đường bằng vật liệu CA từ năm 2018. Nhận thấy vật liệu này rất thân thiện với môi trường, có sức bền với thời tiết nắng nóng hay ngập lụt. Bên cạnh đó, khi thi công rải thảm CA này thì không sử dụng nhiệt để làm nóng, nên không thải khí CO2, rất đảm bảo về môi trường và không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cũng theo ông Chức, mỗi dự án làm đường, phía đơn vị thi công cam kết bảo hành từ 12 – 24 tháng. Tuy nhiên, từ khi thi công làm đường bằng vật liệu CA tới nay, Công ty Xây dựng Nga Chức chưa phải bảo hành bất kỳ đoạn đường nào.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, không chỉ riêng xã Tượng Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn có rất nhiều tuyến đường giao thông có sử dụng vật liệu CA. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, hiện có 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã áp dụng vật liệu CA trong sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang mặt đường các tuyến đường giao thông, trong đó chủ yếu là được đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bên cạnh đó, có một số tuyến đường có quy mô lớn được đầu tư công có thể kể đến là đường huyện ĐH.106 đoạn đường Nguyễn Xí – Quốc lộ 1 tránh thành phố Hà Tĩnh quy mô nền/mặt là 9m/8m, dài 2,2km; đường ĐH.103 đoạn từ Quốc lộ 15B đến đường 19/5 với quy mô nền/mặt là 9m/8m, dài khoảng 3,5km.
Còn với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hàng chục km tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp mặt đường bằng vật liệu CA (cụ thể, năm 2020 làm được 31km, năm 2021 là 41km, năm 2023 là 56km, năm 2023 gần 70km). Trong đó, sử dụng nhiều nhất phải kể đến các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang…
Ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh nhận định: Từ khi vật liệu CA được đưa vào thi công thí điểm trên địa bàn tỉnh, đến nay vật liệu này đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều công trình, dự án giao thông, nhất là đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng đã bong tróc, xuống cấp. Sau thời gian áp dụng, theo đánh giá sơ bộ, nhìn chung chất lượng các tuyến đường sử dụng vật liệu CA làm lớp mặt đường vẫn cơ bản đảm bảo độ êm thuận, độ bằng phẳng, ổn định sau thời gian đưa vào khai thác.
Carboncor Asphalt là gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Carboncor Asphalt (gọi tắt là CA) là vật liệu thảm mặt đường sử dụng công nghệ không khói, không nhiệt với các thành phần gồm: Cốt liệu đá, sít than sau sàng và nhũ tương đặc biệt carbon.
Liên kết thấm bám và cường độ của CA được hình thành do phản ứng hóa học giữa không khí, nhũ tương carbon và nguyên tử carbon trong sít than. Liên kết hóa học này làm cho cốt liệu trong CA liên kết thành một khối bền vững và thấm bám sâu với nền đường bảo đảm chất lượng cao cho những con đường.
Trên thế giới, công nghệ thi công lớp áp đường bằng CA đã được cấp phép từ năm 1999 và được ứng dụng trên 40 quốc gia. Sản phẩm này được Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam đưa về nước thử nghiệm thành công năm 2008. Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải chính thức cấp phép về việc sử dụng vật liệu Carboncor Asphalt trong công tác làm mới kết cấu áo đường duy tu, sửa chữa và ban hành Tiêu chuẩn thi công nghiệm thu.
Năm 2011, Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam khánh thành nhà máy sản xuất vật liệu CA đầu tiên tại tỉnh Hà Nam. Năm 2016, nhà máy sản xuất vật liệu CA thứ 2 của doanh nghiệp này tiếp tục được khánh thành tại tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, TS. Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Carbon Việt Nam cho biết: Sản phẩm CA đã được Công ty đưa về Việt Nam hơn 15 năm với sứ mệnh đưa sản phẩm mới sử dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng đường bộ và thảm mặt đường vào ứng dụng tại nước ta, đóng góp vào việc xây dựng những tuyến đường tối hơn, an toàn hơn cho người dân.
Theo TS. Tường, những tính năng ưu việt của loại vật liệu này đó là thân thiện với môi trường vì trong quá trình sản xuất và thi công không cần sử dụng nhiệt, không phát sinh ra mùi, khói. Mặt đường sử dụng CA có tuổi thọ cao, ít phải bảo trì trong quá trình sử dụng. Giảm chi phí duy tu trong thời gian khai thác. Độ dính bám với nền đường cao do liên kết và cường độ được hình thành từ liên kết hóa học bền vững.
Bên cạnh đó, sản phẩm này không đòi hỏi máy móc kỹ thuật cao, công nhân bậc cao, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư. Sử dụng để bảo trì tất cả các loại mặt đường kể cả đường đất. Đặc biệt, có thể rải thảm một lớp mặt đường mỏng nhất là 1cm.
Nhận định về những ưu điểm của công nghệ CA so với phương pháp truyền thống, ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho rằng: Vật liệu CA có thể thi công thủ công nên tính cơ động cao, phù hợp với các công trình có khối lượng ít, quy mô nhỏ, công địa thi công chật hẹp, vùng sâu, vùng xa – nơi mà việc huy động dây chuyền máy móc thiết bị khó khăn. Bên cạnh đó, chính vì biện pháp thi công đơn giản, nên có thể chuyển giao và đào tạo nhân công địa phương thi công dễ dàng. Các phương tiện có thể lưu thông (hạn chế) sau khi thi công (đối với mặt đường bê tông xi măng). Thuận lợi trong duy tu, sửa chữa.
“Một điều nữa rất quan trọng, đó là vật liệu CA rất thân thiện với môi trường so với các biện pháp truyền thống khác; đây là giải pháp hữu hiệu khi cải thiện mặt đường bê tông xi măng đã cũ. Và cuối cùng, là do chỉ cần phủ một lớp vật liệu mỏng nên thích hợp khi nâng cấp các tuyến đường khu dân cư bị khống chế về cao độ” – ông Nguyễn Văn Mai chia sẻ.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.