Bác sĩ tim mạch - Người giữ nhịp sinh tử

Người ta thường ví bác sĩ tim mạch như 'nhạc trưởng của dàn giao hưởng sự sống', bởi một quyết định hay thao tác sai lầm cũng có thể khiến nhịp tim người bệnh vĩnh viễn ngừng lại. Với ThS.BS Phạm Huỳnh Minh Trí, anh luôn tâm niệm 'giữ nhịp' cho những trái tim bên bờ vực sinh tử...

Phía sau ô cửa kính phòng theo dõi, ThS.BS tim mạch Phạm Huỳnh Minh Trí lặng lẽ dõi mắt lên màn hình. Gương mặt anh pha chút ưu tư nhưng vẫn sáng ngời quyết tâm và hy vọng.

TTND.GS.TS. BS Võ Thành Nhân trao Chứng chỉ đào tạo Tim mạch can thiệp (Chuyên khoa sâu 2 năm ĐH Y Dược TP.HCM) cho ThS. BS Phạm Huỳnh Minh Trí

TTND.GS.TS. BS Võ Thành Nhân trao Chứng chỉ đào tạo Tim mạch can thiệp (Chuyên khoa sâu 2 năm ĐH Y Dược TP.HCM) cho ThS. BS Phạm Huỳnh Minh Trí

Ngược dòng thời gian, từ những năm tháng còn ngồi trên ghế trung học, BS Trí đã sớm mang trong mình "hạt mầm" yêu nghề y - hạt mầm mà người cha, BSCKII 2 Phạm Chí Hiền, lặng lẽ gieo vào trái tim con. Dù đã về hưu, cha anh vẫn miệt mài góp sức, cố vấn và hỗ trợ chuyên môn cho con và các đồng nghiệp bất kể ngày đêm.

Ngày ấy, BS Trí đã từng chứng kiến cha cùng đồng đội bình tĩnh giành giật sự sống cho bệnh nhân tim mạch nguy kịch, vượt qua từng giây thập tử nhất sinh. Khi người bệnh tạm qua cơn nguy kịch, cha anh chỉ lặng lẽ căn dặn: "Làm đúng việc của mình, phần còn lại hãy để xã hội đánh giá". Chính câu nói mộc mạc ấy đã thành bài học vỡ lòng cho BS Trí, rằng một bác sĩ chân chính là người đặt bệnh nhân làm trung tâm, giữ trọn y đức trong từng quyết định.

Trong những bữa cơm gia đình, chuyện trò thường quẩn quanh những ca lâm sàng, những kinh nghiệm nghề y, bởi mẹ, anh trai và vợ của BS Trí cũng khoác áo blouse. Nhìn vào, ai cũng dễ ngỡ đó là "hội chẩn gia đình" nhưng với BS Trí, đó là khoảnh khắc hun đúc tinh thần học hỏi không ngừng, tôn trọng sự thật đến tận cùng.

Vào thời điểm học đại học, BS Trí đã thực tập, thử sức ở nhiều khoa, mỗi nơi đều đem lại những trải nghiệm quý giá. Vậy mà Tim mạch lại "giữ chân" anh lâu hơn cả, như một lẽ đương nhiên. Anh nói: "Giống như dòng máu vẫn đều đặn chảy trong huyết quản, tình yêu với tim mạch đến hết sức tự nhiên". Và kể từ đó, anh xác định cuộc đời mình sẽ gắn chặt với từng nhịp đập mong manh mà cũng vô cùng diệu kỳ của con tim.

Giữ nhịp tim giữa đêm trắng

Đối với BS tim mạch, thời gian là "hơi thở" quyết định sự sống. Chỉ cần chậm vài phút trong một ca nhồi máu cơ tim, cánh cửa hy vọng có thể khép lại, để lại nỗi đau khôn nguôi cho cả gia đình bệnh nhân. BS Trí hiểu hơn ai hết sức nặng của điều này.

Anh từng đối diện nhiều khoảnh khắc "đứng tim" đúng nghĩa. Có bệnh nhân vừa cười nói, giây sau bỗng gục xuống, khuôn mặt tái nhợt, tim gần như ngừng đập. Trong số đó, anh nhớ nhất là một tối mùa xuân năm 2023, khi mọi người đang hân hoan đón Tết, thì bệnh viện tiếp nhận cụ ông 65 tuổi ở Thoại Sơn trong cơn sốc tụt huyết áp vô cùng nguy kịch. Người con trai đỏ hoe mắt, hoảng hốt nắm chặt tay bác sĩ Trí mà khẩn khoản: "Bác sĩ ơi, cứu ba con với! Tết này con không muốn mất ba…". Câu nói ấy khiến anh thắt lòng, cay cay sống mũi, hiểu rằng mạng sống người cha đang treo lơ lửng.

BS Phạm Huỳnh Minh Trí thăm hỏi người bệnh và giải thích cho người nhà về bệnh tật.

BS Phạm Huỳnh Minh Trí thăm hỏi người bệnh và giải thích cho người nhà về bệnh tật.

Không thể chần chừ, BS Trí cùng ê-kíp đẩy bệnh nhân vào phòng can thiệp. "Thời gian là tim" - câu nói ấy văng vẳng trong đầu, giục anh dồn toàn tâm toàn ý vào từng thao tác. Sau khi đặt stent khẩn cấp, bệnh nhân còn phải hỗ trợ bóng đối xung động mạch chủ (IABP) - kỹ thuật tương đối hiếm dùng ở An Giang trước đó. Suốt một tuần, anh túc trực, theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân, lắng nghe từng tiếng máy móc, chăm chú dõi theo từng chớp nháy báo hiệu. Để rồi, khi bệnh nhân hồi phục, rút được máy thở, quay sang mỉm cười với con trai, niềm hạnh phúc như vỡ òa. "Ba con được tái sinh rồi, cảm ơn bác sĩ!" - lời nói dung dị nhưng quý hơn vàng, bởi chỉ ai từng chạm đến lằn ranh sinh tử mới hiểu hết giá trị của một nhịp tim còn đập.

Dù đã dốc hết tâm sức, nhưng không phải ca cấp cứu nào cũng thành công. Có bệnh nhân đến muộn, biến chứng quá nặng, BS Trí đành bất lực nhìn họ ra đi. Những lần như thế, anh thường ngồi lặng, tự hỏi: "Mình đã làm hết cách chưa? Có gì sai sót không? Nếu có thêm chút thời gian, thêm thiết bị, liệu có thay đổi gì chăng?". Anh chọn "tiên trách kỷ và hậu cũng như… tiên", xem mỗi thất bại là bài học để hoàn thiện bản thân và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp trẻ: "Khi yêu nghề, bạn phải đón nhận cả thành công lẫn thất bại và luôn giữ tâm sáng, chân thành để hiểu bệnh nhân cần gì". Với anh, mỗi ca bệnh dù không trọn vẹn cũng là lời nhắc nhở về giá trị của thời gian và trách nhiệm, để ngày mai anh làm tốt hơn hôm nay.

Chính tinh thần đó đã dẫn lối cho BS Trí trong hành trình làm nghề, để anh không ngừng nhắc mình rằng nghề y không chỉ là công việc, mà còn là hành trình "phụng sự" vì cộng đồng. BS không chỉ cứu một mạng người, mà còn giữ lại điểm tựa, trụ cột cho cả gia đình, thắp lên hy vọng cho nhiều số phận. Thấu hiểu điều đó, BS Trí sẵn sàng thức trắng đêm, đón giao thừa ở phòng can thiệp, miễn sao kịp thời cứu giúp bệnh nhân. Chính những khoảnh khắc chứng kiến người bệnh trở về bên người thân một cách bình an đã cho anh thấy tấm áo blouse thật đáng quý.

Sau mỗi ca hồi phục, bà con xuất viện ghé lại cảm ơn, có khi còn mang theo dăm ba trái xoài, vài trái mít vườn hay chiếc bánh gói lá chuối. Món quà bình dị nhưng chan chứa nghĩa tình, đủ để sưởi ấm trái tim người bác sĩ. "BS Trí làm việc rất có tâm, tận tình với bệnh nhân, ân cần với thân nhân. Gia đình muốn biếu lì xì, anh nhất quyết từ chối, chỉ nhận chút trái cây để chia sẻ cùng cả Khoa. Điều bác sĩ trân trọng nhất vẫn là niềm tin và sự hợp tác của người bệnh và người nhà"- một thân nhân chăm mẹ điều trị bệnh tim chia sẻ, đôi mắt rưng rưng khi nhớ lại những ngày mẹ mình nằm viện.

Những ân tình mộc mạc ấy càng thôi thúc anh vun đắp văn hóa "phục vụ tận tâm". Nhiều lúc, anh và đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân nghèo chi phí ăn ở, hoặc tìm cách kết nối các nhà hảo tâm. Ngoài công việc tại bệnh viện, bác sĩ Trí còn tham gia nhiều hoạt động như: Mùa hè tình nguyện, đồng hành cùng trẻ em đồng bào dân tộc Khmer; hiến máu nhân đạo; thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nhân dân nghèo tại các huyện Tri Tôn, Chợ Mới... Đồng nghiệp cùng Khoa nhận xét: "BS Trí có chuyên môn vững, luôn nhiệt tình với các hoạt động tình nguyện và sẵn sàng chỉ dẫn cho đồng nghiệp khi gặp ca khó. Phong cách làm việc nhẹ nhàng nhưng quyết đoán, luôn quan tâm và động viên cả đội, giúp mọi người thêm vững tâm trong môi trường áp lực".

Riêng BS Trí chỉ cười hiền: "Đời đã cho mình nhiều, nên nếu ai cũng góp thêm một chút, nỗi khổ của mọi người sẽ vơi đi biết bao". Có lẽ, chính tinh thần ấy khiến chiếc áo blouse anh khoác mỗi ngày trở nên ấm áp hơn, không chỉ là biểu tượng của y thuật, mà còn ẩn chứa lòng nhân ái, nâng đỡ từng nhịp tim mỏng manh nơi quê nhà, là sứ mệnh thiêng liêng mà anh hằng theo đuổi.

Bước chuyển mình của Khoa Tim mạch Lão học

Khi nhắc đến diện mạo mới của Khoa Tim mạch Lão học, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, đôi mắt bác sĩ Trí ánh lên niềm tự hào. Từ một Khoa còn hạn chế về kỹ thuật, nay nhờ sự mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng của tỉnh nhà, Khoa Tim mạch Lão học đã được trang bị hàng loạt thiết bị hiện đại như: Máy chụp mạch vành - não DSA, bóng đối xung động mạch chủ IABP, hệ thống triệt đốt rối loạn nhịp (EP), laser nội mạch và các máy siêu âm tim tiên tiến... Những công nghệ này không chỉ nâng tầm chất lượng điều trị mà còn tạo bước ngoặt lớn, giúp người dân An Giang và các tỉnh lân cận tiếp cận dịch vụ tim mạch chuyên sâu ngay tại quê nhà.

Tháng 5/2023, BS Trí được lãnh đạo bệnh viện cử đi tập huấn tại Trung tâm Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, một trong những cơ sở hàng đầu thế giới về tim mạch can thiệp. Anh đã được đào tạo nâng cao về kỹ thuật cắt lớp kết quang OCT trong lòng mạch vành, một phương pháp tiên tiến, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác hơn. Với sự chuẩn bị chu đáo này, đầu năm 2025, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang dự kiến trở thành một trong năm bệnh viện đầu tiên tại miền Nam áp dụng kỹ thuật hiện đại này, khẳng định vị thế của y tế tỉnh nhà.

Theo BS Trí, năm 2024, Khoa Tim mạch Lão học đã can thiệp thành công 1.551 ca, từ chụp - nong - đặt stent động mạch vành đến cấy máy tạo nhịp và phá rung tự động (ICD). Những con số ấy không chỉ là thành tích, mà còn phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của cả tập thể. "Trước đây, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng thường phải vượt hàng trăm cây số đến TP Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, nhưng nay, họ được can thiệp kịp thời ngay tại quê nhà. Điều đó không chỉ tăng cơ hội sống mà còn giảm gánh nặng chi phí và thời gian cho người bệnh" - anh chia sẻ. Với BS Trí, đầu tư vào y tế địa phương không bao giờ là lãng phí, đặc biệt khi chứng kiến những ca bệnh tưởng chừng không qua nổi cuối cùng lại hồi sinh.

Nhưng với anh, sự phát triển của Khoa Tim mạch Lão học không chỉ nằm ở trang thiết bị hiện đại, mà còn ở tinh thần đoàn kết. BS Trí tự hào kể về "tinh thần một đội bóng" của Khoa: khi có ca khẩn, mọi người từ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên đến điều dưỡng đều sẵn sàng phối hợp, gác lại việc riêng để tập trung cao độ. "Ai cũng được lắng nghe và bày tỏ quan điểm. Nếu bất đồng, cả đội cùng ngồi lại, mổ xẻ, phân tích để tìm ra giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân"- anh chia sẻ. Chính sự trẻ trung, gần gũi ấy đã giúp tập thể Khoa Tim mạch Lão học không ngừng tiến bộ và trở thành nòng cốt trong sự phát triển của y tế An Giang.

Dẫu vậy, với BS Trí, hành trình ấy chỉ mới bắt đầu. Anh tâm niệm: "Điều trị là quan trọng, nhưng phòng ngừa tim mạch còn quan trọng hơn. Tôi muốn cùng đồng đội tổ chức thêm các buổi tầm soát, giáo dục sức khỏe để bà con nông thôn biết cách bảo vệ trái tim mình. Đó mới là cách giảm thiểu những cơn nhồi máu cơ tim nguy kịch từ sớm".

PGS.TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, từng nhận xét: "BS Trí là một bác sĩ trẻ năng động, tâm huyết, có tay nghề cao và luôn khiêm tốn. Không chỉ vậy, anh còn có năng lực quản lý và nghiên cứu khoa học vượt trội".

Nhắc đến lời khen ấy, BS Trí chỉ cười hiền, nói rằng mình còn trẻ, vẫn phải tiếp tục học hỏi từ thầy cô, đồng nghiệp và cả bệnh nhân. "Tôi còn đang học nghiên cứu sinh, và mọi thành tựu đạt được đều nhờ công sức tập thể, nhờ những người đi trước đã tận tình bảo ban, dẫn dắt và đặt niềm tin vào tôi. Tôi chỉ mong mỗi ngày làm tốt hơn một chút, để không phụ lòng kỳ vọng ấy" - BS Trí bộc bạch.

Đó không chỉ là sự khiêm nhường, mà còn là trách nhiệm. Bởi với bác sĩ Trí, mỗi trái tim được hồi sinh không chỉ là một thành công, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành của cả một tập thể, và trên hết, là niềm tự hào khi được cống hiến cho quê hương mình.

Giữ nhịp đập cho cuộc đời

Tham gia các hoạt động tình nguyện là cách để BS Trí hiểu hơn về cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu.

Tham gia các hoạt động tình nguyện là cách để BS Trí hiểu hơn về cuộc sống, sẵn sàng chia sẻ và thấu hiểu.

Giữa bao bộn bề, ta vẫn dễ dàng bắt gặp sự lặng lẽ nơi hành lang Khoa Tim mạch Lão học lúc nửa đêm. Ánh đèn vàng hắt bóng những bước chân khẩn trương, hòa cùng tiếng máy monitor đếm nhịp sống con người. Ở đó, ThS.BS Phạm Huỳnh Minh Trí và đồng nghiệp vẫn cặm cụi "đấu trí" với những ca bệnh hiểm nghèo.

Câu chuyện về người BS trẻ này không chỉ làm nổi bật nỗ lực chuyên môn, mà còn thấm đượm tinh thần "chữa trái tim bằng cả trái tim". Ở anh hội tụ ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề, khát khao cống hiến và lòng nhân ái luôn hướng về bệnh nhân. Giữa chặng đường 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, hình ảnh ấy tỏa sáng, tiếp tục truyền lửa cho các thế hệ thầy thuốc trẻ.

Hỏi BS Trí về điều hạnh phúc nhất, anh khẽ nhìn lên màn hình tim, nơi một bệnh nhân vừa thoát cơn ngưng tim còn mỉm cười yếu ớt. "Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, biết mình có thể đem thêm một nụ cười khỏe mạnh cho người bệnh, tôi đã đủ động lực khoác áo blouse, tiếp tục hành trình chữa trái tim bằng tất cả tâm huyết"- anh chia sẻ.

Có lẽ, chừng nào trái tim người bác sĩ ấy vẫn đong đầy nhiệt huyết và y đức, chừng đó còn thêm bao trái tim được vỗ về, "chữa lành", sưởi ấm và hồi sinh trong tình yêu thương, hy vọng. Suy cho cùng, đó cũng chính là sứ mệnh thiêng liêng và cao quý nhất của người thầy thuốc.

Th.S.BS Phạm Huỳnh Minh Trí (sinh năm 1992) hiện đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong lĩnh vực tim mạch. Anh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tăng huyết áp ĐBSCL, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tim mạch can thiệp Mekong, đồng thời giữ chức vụ Phó Trưởng Khoa Tim mạch Lão học và Trưởng đơn vị Tim mạch Can thiệp trực thuộc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Song song với công tác quản lý và công việc chuyên môn, BS Trí còn đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng. Trước đó, anh đã từng có hai năm tu nghiệp chuyên sâu tại các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong lâm sàng và nghiên cứu.

Trong số các công trình khoa học mà BS Trí tham gia, nổi bật là nghiên cứu về rút ngắn liệu pháp kháng tiểu cầu kép (DAPT) ở bệnh nhân bệnh mạch vành mạn có đặt stent kèm nguy cơ chảy máu cao. Nghiên cứu này góp phần giảm thời gian dùng thuốc, hạn chế biến chứng chảy máu, tiết kiệm chi phí và đã được ứng dụng thực tiễn tại ĐBSCL trong ba năm qua, phù hợp khuyến cáo của Hội Tim châu Âu. Hiện, anh đang thực hiện luận án Tiến sĩ về khám phá ba chỉ số mỡ máu mới và tác động hệ gen di truyền người Việt trong bệnh lý xơ vữa động mạch, hướng tới phát hiện - ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp từ giai đoạn sớm.

Với những nỗ lực không ngừng, BS Trí không chỉ góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại địa phương mà còn đóng góp vào sự phát triển chuyên môn của ngành tim mạch khu vực.

Huỳnh Cam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-tim-mach-nguoi-giu-nhip-sinh-tu-169250224174714757.htm