Ba tác phẩm triết học kinh điển hiệu quả hơn sách self-help
Sách self-help thường chắt lọc một số ý tưởng triết học và đưa vào môi trường hiện đại. Tuy nhiên, việc quay lại sách gốc mang lại nhiều kiến thức hơn, theo Big Think.
Có hai cách để viết một cuốn sách ăn khách. Cách đầu tiên là viết ra một điều gì đó thực sự mới mẻ. Tác giả cần sáng tạo hoặc đúc kết ra một ý tưởng mới có sức nặng thay đổi suy nghĩ hay thậm chí là hành động của người đọc.
Bản chất của sách self-help
Cách thứ hai là viết lại và làm mới một điều gì đó. Có thể là đưa nội dung của Shakespeare vào một trường trung học ở Mỹ hoặc đưa những huyền thoại cổ xưa vào một bối cảnh hiện đại.
Đây chính là những điều đang được tái hiện và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp self-help hiện đại.
Tại Mỹ, ngành công nghiệp self-help có giá trị 13,4 tỷ USD vào năm 2022 và tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính khoảng 8% trong 10 năm tới. Trên toàn cầu, ước tính ngành công nghiệp này sẽ đạt giá trị 81,6 tỷ USD vào năm 2032.
Tất nhiên, một số sách self-help có những ý tưởng mới mẻ và độc đáo. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những nội dung triết học được khoác một bộ quần áo mới. Có thể là một câu chuyện của nhà triết học Hy Lạp Aristotle dưới dạng podcast hoặc Lão Tử đang thuyết trình tại diễn đànTED.
Đầu tiên, ý tưởng này không hề sai. Những tác phẩm triết học truyền thống với nhiều ý tưởng nằm trong các từ ngữ trừu tượng, mơ hồ và thường gây khó hiểu cho độc giả. Vì vậy, thật hợp lý khi những triệu phú được tạo nên bằng cách hiểu những ý tưởng triết học phức tạp đã được cô đọng trong bối cảnh hiện đại.
Tuy nhiên, việc đơn giản hóa sẽ làm mất đi sự tinh tế và ý nghĩa của những ngôn từ ban đầu. Vì vậy, đôi khi cần quay lại những tác phẩm gốc để hiểu sự phong phú và ý nghĩa thực sự của nhiều chân lý triết học. Ba tác phẩm triết học được đề cập ở đây có giá trị hơn cả một hiệu sách đầy sách self-help.
Nicomachean Ethics (Đạo đức luận)
Một trong những đặc điểm của thiên tài thực sự là không ai nhận ra tài năng của họ. Những tác phẩm họ tạo ra quá hiển nhiên, rõ ràng và đơn giản đến mức khi lần đầu tiên nhìn thấy nó, công chúng sẽ cảm thấy như mình đã biết nó từ lâu.
Và Đạo đức luận của Aristotle là một tác phẩm như vậy. Độc giả đã rút ra được nhiều điều từ những ý tưởng của Aristotle và tuân theo kết luận của ông.
Tuy nhiên, còn những điều lớn lao hơn nhiều ẩn núp bên dưới bề mặt ngôn từ. Như triết gia Michael Pakaluk đã nói, "Mật độ và sự tập trung trong tư tưởng của Aristotle rất khó để một sinh viên mới bắt đầu hiểu hết và đánh giá cao. Hầu hết câu từ đều đóng vai trò trong lập luận này hay lập luận khác, và mỗi từ đều đóng một vai trò cụ thể trong câu, giống trong một bài thơ được chế tác cẩn thận".
Cần có sự suy ngẫm và trải nghiệm để hiểu được những hướng dẫn của Aristotle về cách trở thành một con người. Đó là cách sống tốt, cách sống có đạo đức và quan trọng nhất là cách để được hạnh phúc. Cuốn sách bắt đầu bằng câu hỏi, "Mục đích cuối cùng của cuộc sống là gì?" Aristotle tin rằng đó là eudaimonia, hạnh phúc với những giá trị sâu sắc.
Toàn bộ cuốn sách là một cuốn sổ tay về cách để được hạnh phúc. Tác phẩm gợi ý: "Nếu hạnh phúc là đích đến, làm thế nào để chúng ta đến đó?". Và con đường mà Aristotle dẫn dắt độc giả đi tới dường như đã tồn tại từ lâu nhưng không ai nhận ra chúng, nếu không thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống.
Essays (Các bài luận)
Triết gia người Pháp thế kỷ 16 Michel de Montaigne được coi là cha đẻ của thể loại viết luận. Essai ở Pháp thế kỷ 16 theo nghĩa đen có nghĩa là "phiên tòa", và ý tưởng với các bài tiểu luận của Montaigne là ông sẽ thực hiện một "phiên tòa", đặt ra một câu hỏi, một vấn đề, một trăn trở và viết ra những suy ngẫm của mình về chủ đề đó.
Tất nhiên, nghệ thuật của một bài luận nằm ở sự phản ánh và phong cách viết. Một bài luận hay cần có sự dí dỏm, uyên bác và khả năng liên hệ thực tế.
Có hai lý do khiến các bài luận của Montaigne lại là ví dụ tuyệt vời về "tự lực". Lý do đầu tiên là Montaigne chia sẻ với công chúng các giải pháp của ông cho những vấn đề phổ biến. Dù ông nói về hơn 100 vấn đề xảy ra 400 năm trước, ngày nay nhiều trong số chúng vẫn diễn ra như vậy.
Ông nói về cảm giác lười biếng, đối phó với những kẻ nói dối và cách tốt nhất để bày tỏ sự xin lỗi. Ông giải thích về cả niềm vui và sự nguy hại của trạng thái cô độc. Ông thậm chí còn đưa ra lời khuyên về cách có một giấc ngủ ngon.
Khả năng áp dụng này cũng là điều khiến tác phẩm của ông có ích. Đọc những suy ngẫm của Montaigne giống như quay ngược thời gian và tìm thấy một người có tính cách kỳ quặc và khó chịu như bản thân chúng ta.
Khi chúng ta đọc tác phẩm của ông, độc giả thấy một nhân vật phức tạp, có khiếm khuyết nhưng luôn vui vẻ, dí dỏm và dễ mến. James Baldwin đã phản ánh rất đúng những giá trị Montaigne mang lại: “Bạn nghĩ rằng nỗi đau và sự đau khổ của bạn là chưa từng có, nhưng rồi bạn đọc. Chính nhiều cuốn sách này đã dạy tôi rằng những điều khiến tôi đau khổ nhất chính là những điều kết nối tôi với những người còn sống và đã từng sống”.
Dao de Jing (Đạo đức kinh)
Tác phẩm này của Lão Tử rất khác so với Aristotle, Montaigne và hầu hết tác phẩm hàn lâm trong truyền thống phương Tây. Đây là một tập hợp các câu cách ngôn và những câu nói ngắn gọn mơ hồ đến mức đôi khi khó có thể hiểu được chúng. Chúng không đưa ra bất kỳ câu trả lời trực tiếp nào mà còn khiến bạn tự hỏi liệu có thể trả lời được những luận đề được nêu hay không.
Tuy nhiên, tác phẩm này quan trọng đối với quá trình phát triển bản thân theo cách nhiều văn bản logic hơn không thể làm được. Trên thực tế, Đạo đức kinh gần với thơ ca hơn là triết học. Tuy nhiên, thơ ca trong tác phẩm này mang tính triết học sâu sắc. Các học viên Đạo giáo đọc Đạo đức kinh đôi khi dành nhiều tháng để suy ngẫm về một câu trong tác phẩm của Lão Tử và sẽ thiền định về bất kỳ điều gì những từ ngữ đó tiết lộ.
Với cuộc sống hiện đại, Đạo đức kinh mang đến hai hiểu biết chính. Đầu tiên là chấp nhận rằng có những thế lực và câu trả lời huyền bí không thể gọi tên, nhưng không kém phần quan trọng đối với thực tại.
Thứ hai, Đạo đức kinh là sự lắng nghe những thế lực vô danh này. Đó là về việc đi theo dòng sông cuộc đời, đương đầu với những xoáy nước và ghềnh thác. Blaise Pascal từng viết, "Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết đến".
Trong khi khó để biết Đạo đức kinh hoàn toàn là gì, trải nghiệm đọc Đạo đức kinh chính là một quá trình thiền định và thực hành chính niệm. Đôi khi, điều tuyệt vời về triết học không phải là bản thân các ý tưởng mà là quá trình hiểu chúng.