Những em bé Khâm Thiên năm ấy và tình người trên vùng đất cháy
Đã 52 năm trôi qua, 'vết sẹo' Khâm Thiên vẫn còn âm ỉ trái tim của những cô bé, cậu bé thời ấy rồi theo họ trưởng thành. Từ máu và hoa, từ tình người Hà Nội, cuộc sống mới đã hồi sinh trên vùng đất Khâm Thiên cũ.
Những ngày tháng Chạp năm 1972, Hà Nội thực sự là một mặt trận tàn khốc. Tiếng bom rung chuyển mặt đất, tiếng còi báo động rú lên từng hồi cùng tiếng cô phát thanh viên báo tin từng đợt B52 vào thành phố.
Bầu trời rực sáng những đường bay của tên lửa và đạn cao xạ của bộ đội phòng không, thỉnh thoảng lại thấy một chiếc B-52 bị trúng đạn bùng lên những khối lửa nổ tung và rơi lả tả giữa trời đêm.
Tất cả đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên với người Hà Nội. Sau các trận ném bom liên tiếp vào Phố Cửa Bắc, Ga Hàng Cỏ, Bệnh viện Bạch Mai, Mỹ tạm dừng 3 ngày không đánh phá Hà Nội vì ngày Lễ Giáng sinh.
Thủ đô trong lửa đạn
Sau 36 giờ tạm ngừng, ngày 26/12 chiến dịch Linebacker II của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc lại tiếp tục. 22 giờ 45 phút đêm 26/12/1972, Khâm Thiên chìm trong biển lửa.
Gần 90 tấn bom đã dội xuống Khâm Thiên, phủ kín chiều dài hơn 1 cây số của con phố. Cả khu phố nổi tiếng sầm uất và đông dân, những con ngõ mang những cái tên thân thương, những ngõ Hòa Bình, ngõ Đại Đồng, ngõ Đoàn Kết... đã bị gần như san phẳng.
Một khu dân cư quần thể đông đúc đã nằm trong vệt bom... 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó các khối phố 42, 43, 45, 47 sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn là đống gạch vụn. 534 ngôi nhà đổ sập, 1.200 căn nhà khác bị phá hỏng.
Cô Trần Thị Phượng, một nhân chứng trong vụ ném bom ngày đó kể lại: “Cả phố Khâm Thiên khi ấy đổ sập, tan tành, gạch ngói vỡ vụn không dính tý vữa nào, chứng tỏ là độ rung phá cực kỳ là mạnh”.
Nhà cô Phượng ở ngõ Thổ Quan, tuy không bị đổ nhưng ngói bị vỡ nát hết, cửa gỗ bị bay lên tận đầu ngõ Văn Chương. Kho bông vải sợi gần nhà cô bị thiêu rụi, các kiện vải vóc trong đó đều cháy xém, nham nhở, ngổn ngang… Những sọt rau quả, củ cải, su hào trước cửa hàng rau quả số 15 cũng cháy đen thui, bầm nát, lẫn lộn với màu tro và đất.
Cả Khâm Thiên khi ấy chìm sâu trong sự tang thương, nằm trong vệt dài đổ nát, hoang tàn. Hàng trăm chăn bông toe tướp, chôn vùi trước khi kịp đưa về với những gia đình lao động trong ngày đông rét buốt.
Tất cả nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất đều bị phá hủy bởi 30 chiếc máy bay B52.
Sau đêm 26/12, con phố cầm ca chìm trong tang tóc, nhang đèn cắm dọc con phố, tổ dân phòng của khu phố gọi loa nhắc nhở người dân đi sơ tán ngay lập tức.
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh cũng là một trong những thanh niên xung phong nghe tin đến hỗ trợ Khâm Thiên khi ấy. Ông bồi hồi nhớ lại: “Lúc cứu trợ, tôi nghe một tiếng trẻ con khóc ở giữa phố. Chúng tôi lập tức lao đến, mọi người tranh nhau khuân gạch đá ra thì thấy một em bé 3 tuổi đang nằm đó.
May quá thanh gỗ nằm ngang nên tường không bị sập vào em bé. Chúng tôi vội kéo ra ngay rồi đưa em đi cấp cứu. May quá, em bé vẫn còn khóc, chúng tôi vui mừng nghĩ, vẫn còn sống!”.
Với những gia định bị sập đổ hoàn toàn, Nhà nước có làm một loạt nhà ở tạm bằng tre nứa lợp giấy dầu. Bà con Hà Tây và các nơi khác cũng đem đến cho Khâm Thiên những mái nhà che tạm bên cạnh hố bom cạnh cánh đồng Si.
Tết năm 73, Nhà nước vẫn phát tem phiếu cho các gia đình để mua đồ thiết yếu như gạo nếp, bột mỳ, măng, miến, mứt tết, trà, thuốc lá… Một cái Tết của thời chiến bên vành khăn tang cùng nhiều mất mát, thiếu thốn nhưng không ai phải thiếu bữa, phải chịu đói rét dù tan hoang nhà cửa.
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh chia sẻ: “Phải nói rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, sự đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau, cưu mang nhau của người dân Hà Nội mà sau vụ ném bom tàn khốc, Khâm Thiên đã hồi phục rất nhanh chóng”.
Qua lửa đạn, tinh thần và tấm lòng của người dân Hà Nội lại càng đẹp hơn bao giờ hết. Từ mặt đất đau thương, những mầm cây kiên cường, mầm cây anh dũng vẫn vươn lên và nở thành hoa chiến thắng. Trong khó khăn gian khổ, Hà Nội lại càng bừng lên những phẩm chất cao quý, trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Những đứa trẻ lớn lên từ Khâm Thiên
Tuy nhiên, khác với nỗi căm hờn, sự ám ảnh hay những ấn tượng đầy đau thương của người lớn, những đứa trẻ ở Khâm Thiên khi ấy đều mang một ký ức rất riêng, một ký ức có cả nỗi bi thương và niềm trong sáng.
Bao đứa trẻ ở Khâm Thiên thời đó nói riêng và Hà Nội nói chung, đều đang ở độ tuổi vô tư, hồn nhiên, được đến trường, đi học đàn, đi chơi Hồ Gươm,... thì bỗng nhiên bom đạn trút xuống khiến gia đình phải ly tán.
Những cô bé, cậu bé ấy là hình ảnh đại diện cho một thế hệ trải qua những ngày đau thương nhất của thủ đô, là “những em bé Hà Nội” mà tuổi thơ hồn nhiên bị pha lẫn bởi những tiếng còi báo động, những ngày sơ tán và những vành khăn tang.
Chú Nguyễn Thanh Hà, khi ấy mới vừa lên 5 đang sống cùng bố mẹ ở Nhà B1 ngõ Văn Chương kể lại: “Hồi đó tôi mới bé tí, nhưng có những chi tiết không thể nào quên”.
Tiếng còi báo động rú lúc gần nửa đêm, tiếng máy bay rền vang khắp bầu trời. Cậu bé Hà vẫn chưa kịp tỉnh ngủ đã được mẹ bế xốc dậy và chạy thật nhanh từ tầng 3 xuống tầng 1.
Ngày đó, nhà Hà không có hầm trú ẩn, mẹ ôm cậu nấp ở gầm cầu thang, không gian tuy chật hẹp nhưng lại có cảm giác an toàn vô cùng. Đợi được một lúc thấy im lặng, mẹ lại ôm Hà lên tầng 3. Cả đêm hôm ấy, cả nhà cứ chạy lên chạy xuống không biết bao nhiêu lần, chưa kịp nằm lại phải chạy.
Tiếng đạn im, mọi người chạy ra ban công xem tình hình, Hà chỉ thấy loáng thoáng ánh lửa đang cháy rừng rực ở khắp nơi và tiếng bố mẹ cùng hàng xóm hò nhau về tình hình ném bom.
Khi được hỏi rằng lúc ấy chú có sợ không, chú Hà chỉ cười đáp lại: “Lúc ấy tôi chỉ thấy mệt mỏi vì không được ngủ, chỉ mong được ngủ yên chứ cũng không biết gì để mà sợ!”
Trong nhận thức của một cậu bé mới lên 5, cậu không biết chiến tranh là gì, cũng không biết quân địch là ai, tại sao chúng lại mang bom đến đốt phá khu phố ngay gần nhà mình ở.
Cậu bé Hà lúc ấy không có nhiều nỗi lo lắng phức tạp hay sự oán hận to lớn đến thế mà chỉ có nỗi buồn bực vì không được ngủ đủ giấc. “Lúc ý địch có ném nữa tôi cũng không thấy sợ, nhưng nếu đổi lại là tuổi của bây giờ, chắc chắn tôi sẽ rất sợ hãi”, chú Hà chia sẻ.
Cô Trần Thị Phượng, tháng 12/1972 khi ấy đã 14 tuổi, đủ lớn để hiểu nhiều hơn sự tàn khốc của chiến tranh, kể lại những ngày đặc biệt ấy: Tôi nhớ, bom ném liên tục khoảng 2 tiếng thì thấy im lặng dần dần, rồi có còi ủ của thành phố báo yên.
Mọi người ra khỏi hầm trú ẩn và tận mắt tôi thấy cảnh tan hoang của cả khu phố xung quanh nhà mình… cũng cảm thấy hoang mang lo lắng. Nhưng rồi nhìn cảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi cùng những cái dù đỏ của phi công Mỹ nhảy dù đang lơ lửng trên bầu trời, tôi và nhiều người bên cạnh không giấu được mà lại nhảy lên reo mừng”.
Tuổi thơ bên miệng hố bom quả thật có quá nhiều cảm xúc, phút trước vừa đau buồn vì mất đi ngôi nhà đang sống nhưng giây sau cũng có thể vui vẻ khi nghe được tin chiến thắng. Nỗi đau của những đứa trẻ Khâm Thiên khi ấy không quá vật vã, tuyệt vọng mà nó âm ỉ, nhức nhối và dai dẳng đến mãi hàng chục năm sau.
Ký ức tuổi thơ của những đứa trẻ Khâm Thiên khi ấy, có việc dựng lại nhà. Cô Phượng cùng các chị em nhặt lại cánh cửa đã bật tung đến ngõ Văn Chương về gắn lại cho nhà, phụ giúp bố mẹ sửa lại cái mái mà bom đạn đã làm vỡ nát hết gạch ngói.
Những đứa trẻ khác, đứa nhỡ thì trông đứa bé, đứa lớn thì cùng mọi người nhặt nhạnh từng viên gạch, từng tấm ván hay lớp giấy dầu để dựng lại một căn nhà tránh trú trên nền của cái nhà cũ đã đổ sập mấy phần.
Nhưng tuổi thơ, vẫn có những cuộc chạy chơi trên miệng hố bom. Phố Khâm Thiên hồi đó đầy các hố bom đủ loại kích thước.
Có những hố bom chưa kịp lấp, to gần bằng cả 1 cái ao nhỏ, mỗi dịp mưa đến là trở thành địa điểm lý tưởng cho những đứa trẻ nghịch ngợm: câu cá, bắt lươn, thả hoa, bắt chuồn chuồn,... Đứa nào chịu khó đi dọc các hố bom là y rằng tối đó nhà có một bữa cơm cải thiện.
Ký ức tuổi thơ năm ấy, còn có cả những ngày sơ tán. Trước trận bom khốc liệt 26/12, nhiều gia đình ở Khâm Thiên cũng đã nhận được lệnh đi sơ tán. Tuy nhiên, sau cái đêm lịch sử ấy, trẻ em và những già cũng lần lượt đi sơ tán hết, chỉ còn thanh niên và những người trách nhiệm ở lại.
Đến một nơi hoàn toàn mới toanh, xa lạ, những đứa trẻ lại nhớ con phố Khâm Thiên từng tấp nập và ngập tràn tiếng hát, tiếng kéo cắt vải hơn bao giờ hết. Nhưng rất nhanh, sự tò mò của tuổi thiếu nhi khiến chúng dần dần bắt kịp với nơi ở mới.
Chú Nguyễn Thanh Hà bồi hồi nhớ lại: “Tôi không nhớ rõ lúc ấy tôi đi sơ tán tại đâu, chỉ nhớ đấy là một vùng nông thôn với ao bèo và rất nhiều vườn tược. Vì bé mà, nên tôi cứ hay tò mò đi thơ thẩn, sau rồi còn hết bị ngỗng đuổi đến chó đuổi”.
Và tuổi thơ trong ký ức của những đứa trẻ Khâm Thiên, có cả những vành khăn trắng và một đám tang chung.
Tết năm ấy, đường phố ở các nơi khác sạch sẽ lắm, các cửa hàng mậu dịch chật kín người, chỉ riêng Khâm Thiên là vẫn ngổn ngang đất đá, các cửa hàng đổi tem phiếu cũng thưa thớt.
Tết năm ấy, lũ trẻ trong căn nhà mới xiêu vẹo hoặc ngôi nhà cũ đầy vết rạn bong tróc không được mua quần áo mới, pháo cũng không được đốt. Đêm giao thừa, có tiếng pháo giòn giã ở đâu vọng về, chỉ có con phố Khâm Thiên là im lìm không tiếng động.
Tết năm ấy, Khâm Thiên vẫn để tang. Lúc đó, trời vẫn còn lạnh, không khí phố phường vẫn còn hơi u ám, chỉ có con người đùm bọc và sưởi ấm cho nhau.
52 năm sau tiếng bom
Nửa thế kỷ sau nỗi đau Khâm Thiên, những đứa trẻ đã lớn, rẽ ra những ngành nghề khác nhau: người đi lính rồi về kinh doanh, người đi làm phiên dịch, người làm nhà nước…
Những đứa trẻ hồi ấy giờ đều đã ngoài ngũ tuần, nhiều người đã không còn ở lại con phố Khâm Thiên tuổi thơ nữa, nhưng mỗi khi nhắc đến hai chữ “Khâm Thiên”, những ký ức lại ùa về, lòng lại bồi hồi xao xuyến.
Cũng giống như những đứa trẻ đã mang theo miền ký ức có cả bi thương lẫn trong sáng của Khâm Thiên mà lớn lên rồi thành công theo nhiều cách khác nhau, con phố đã từng có những tháng ngày đầy đau thương, bề bộn nỗi buồn và ngổn ngang gạch ngói cũng đổi khác: hiện đại hơn, san sát hơn, tấp nập hơn.
Khâm Thiên hiện giờ dù sầm uất nhộn nhịp nhưng vẫn không hề mất đi sự cổ kính hay một số dấu vết của ngày xưa. Còn đâu đó những mái nhà chắp vá lại những mảnh tường sụp đổ do bom Mỹ đêm 26/12/1972. Những cây bàng đã lại xanh tốt tỏa bóng xuống hè phố. Những con ngõ Đoàn Kết, Đại Đồng, Lệnh Cư, Khâm Đức, những cửa hiệu, tiệm may... lại hồi sinh mạnh mẽ.
Và cứ mỗi dịp gió Đông ùa về, sau tiếng chuông vang trong các nhà thờ ngày Lễ Giáng sinh, mọi người lại quay trở về Khâm Thiên, thắp nén nhang tại Đài tưởng niệm - dấu tích một thời của 3 căn nhà số 47, 49 và 51.
Phố Khâm Thiên bây giờ tấp nập đông đúc nhưng đài tưởng niệm vẫn lặng lẽ ở một góc phố như là lời gợi nhắc cho một giai đoạn đau thương bi tráng của dân tộc, nhắc nhớ cho tất thảy về nỗi đau chiến tranh và cũng là để mãi mãi nhen lên ước vọng hòa bình cho nhân loại.