APEC 2022: Việt Nam ưu tiên tăng cường sức chống chọi và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022, ngày 17/11 đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 33 với 3 phiên họp thảo luận về các nội dung liên quan đến chủ đề APEC 2022: Rộng mở - Kết nối - Cân bằng.

Hội nghị do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan đồng chủ trì. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên APEC; lãnh đạo các tổ chức quan sát viên là ASEAN, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi thông điệp ghi hình tới Hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch Hành động Aotearoa nhằm triển khai Tầm nhìn Putrajaya 2040, đồng thời trao đổi sâu rộng về các chủ đề: tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm; tái kết nối khu vực và thương mại - đầu tư bền vững.

Về tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự APEC về cải cách cơ cấu, thúc đẩy bao trùm về xã hội, kinh tế và tài chính; nâng cao tính tự cường và an ninh năng lượng; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và hoan nghênh Kế hoạch thực hiện Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030. Để tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự APEC về phát triển bền vững, các Bộ trưởng nhất trí sẽ trình lên các nhà lãnh đạo thông qua Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) và giao các quan chức cấp cao cập nhật Chiến lược phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, đổi mới, sáng tạo, được thông qua trong trong năm APEC 2017.

Về tái kết nối khu vực, các Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Kế hoạch tổng thể APEC về kết nối, hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện và thông suốt. Các Bộ trưởng hoan nghênh các nỗ lực tạo thuận lợi đi lại qua biên giới trong bối cảnh dịch bệnh, nhất trí đẩy nhanh Chương trình hành động giai đoạn 3 của Khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng, và tăng cường kết nối số, chuyển đổi số trong khu vực thông qua Lộ trình kinh tế số/kinh tế internet.

Toàn cảnh Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 33.

Về Thương mại và đầu tư bền vững, các Bộ trưởng khẳng định vai trò không thể thiếu của thương mại và đầu tư đối với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển bền vững. Các Bộ trưởng ủng hộ nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, với WTO là trung tâm và thực thi các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO 12.

Các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua việc xây dựng, triển khai các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và đẩy nhanh thực hiện Lộ trình APEC về cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025.

Hội nghị đã trao giải thưởng Thịnh vượng số APEC cho ứng dụng Agronect của Brunei với chức năng hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, tiếp cận giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Hội nghị nhất trí khởi động giải thưởng hàng năm về mô hình kinh tế BCG nhằm ghi nhận thành tích thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hợp tác giữa các thành viên APEC, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Ưu tiên trước mắt là tăng cường sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Theo đó, Bộ trưởng đề xuất nhiều nội dung hợp tác quan trọng như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, đi lại xuyên biên giới; ứng phó biến đổi khí hậu… Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu phối hợp hành động nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ về một số vấn đề trọng tâm trong hợp tác APEC nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo thương mại và đầu tư mở, phát triển bền vững trong tương lai. Thứ trưởng cũng đề nghị tăng cường hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ thông tin trong APEC để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hệ sinh thái số hóa, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong khu vực./.

PV/VOV-Bangkok

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/apec-2022-viet-nam-uu-tien-tang-cuong-suc-chong-choi-va-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-post984726.vov