Ánh sáng cuối đường hầm
Cho dù nhận định: Nga và phương Tây 'đang đi trên những con đường hoàn toàn khác nhau' và điều này 'rất đáng lo ngại', song người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vẫn lạc quan, rằng 'còn cơ hội để Nga và Mỹ tăng cường hiểu biết lẫn nhau'.
Theo ông, sự sáng suốt cùng kinh nghiệm chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ là cơ sở tốt để các bên tiếp tục nỗ lực đối thoại và giúp hạ nhiệt căng thẳng. Giữa bầu không khí “căng như dây đàn” của một tuần bận rộn, cuối cùng, những lời phát biểu ấy - trả lời phỏng vấn hãng CNN - đã khiến thế giới nhẹ nhõm phần nào...
Chiến tuyến vô hình
Một cách thẳng thắn, Dmitry Peskov phác họa rõ ràng mối quan hệ Nga - Mỹ hiện tại, với tất cả những nguy cơ tiềm ẩn. Theo ông, các biện pháp trừng phạt mới, đặc biệt là những lệnh trừng phạt nhắm vào cá nhân một số nhà lãnh đạo Liên bang Nga, có thể dẫn đến việc hoàn toàn cắt đứt mối quan hệ giữa hai nước.
“Điều này nằm ngoài sự hiểu biết của chúng tôi. Khả năng các lệnh trừng phạt như vậy có thể dẫn đến việc chấm dứt bất kỳ mối quan hệ nào giữa hai nước chúng ta, điều này không có lợi cho cả Moscow lẫn Washington. Đây sẽ là một sai lầm lớn”, Peskov “ngửa bài”. Ông cũng đề nghị chính quyền Mỹ lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt không giải quyết được vấn đề và không thể buộc một quốc gia khác phải thực hiện các động thái mà Washington cần. “Điều này chưa bao giờ xảy ra”, ông khẳng định.
Thật vậy, ngay trong quá khứ gần, những biện pháp trừng phạt mà nước Mỹ áp đặt lên Cuba, CHDCND Triều Tiên, Iran hay Trung Quốc và nước Nga, cho đến bây giờ vẫn chưa mang lại hiệu quả nào đáng kể. Không một quốc gia nào trong số đó “đầu hàng” trước sự áp đặt ý chí của phương Tây và Mỹ.
Do đó, nếu Washington thể hiện ý chí chính trị có tính đến “mối quan ngại quốc gia của Nga” và nói về chủ đề này thì hai bên sẽ tìm thấy điểm chung. Trong trường hợp Mỹ từ chối thảo luận về vấn đề này, theo ông Peskov, các dự báo cho tương lai sẽ trở nên “bi quan”.
Nói cách khác, thế giới đơn cực mà Mỹ là cực duy nhất - hình thành từ sau sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh - cũng như muốn duy trì, hiện đã và đang biến chuyển rất nhanh sang hình thái đa cực, với một trật tự mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và bức thiết của nhiều trung tâm quyền lực (kinh tế, quân sự và địa chính trị) quốc tế. Trật tự mới này đòi hỏi những cách hành xử khác, phù hợp với trạng thái “phẳng dần đều” của thế giới nhưng lại cũng chính là điều nước Mỹ không muốn chứng kiến và thực hiện. Họ, đương nhiên, vẫn xem mình là “thành phố trên đỉnh đồi”.
Có điều, cũng vì vậy, việc thiết lập “những chiến tuyến vô hình” của nước Mỹ, từ khá lâu, cũng đã “làm khó” ngay cả những đồng minh truyền thống của họ. Thí dụ, trong cả những đợt cấm vận nước Nga, cả cuộc “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc, cả Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của Iran, những luồng dư luận trái chiều vẫn luôn dấy lên ở châu Âu - nơi các quốc gia thành viên Liên minh EU cảm thấy mình bị lâm vào tình thế “kẹt giữa hai làn đạn”.
Có lẽ vì vậy, cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đăng đàn” nhấn mạnh: “Mỹ đang làm những gì tôi đã làm từ nhiều năm qua: đối thoại với người Nga. Đây là một tin tốt lành. Liệu có dễ dàng không? Không hề. Tôi chưa bao giờ cho là dễ và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vậy... Điều này có cần thiết không? Cần hơn bao giờ hết, nếu chúng ta không muốn duy trì hiện trạng vốn là nguồn gốc gây lo ngại cho tất cả mọi người và an ninh tập thể của chúng ta”, (trả lời phỏng vấn tuần báo Le Journal du Dimanche).
Không thỏa hiệp nhưng vẫn cần đối thoại
Điều rất đáng lưu ý, Tổng thống Pháp đã nói như thế, sau khi vừa khép lại một tuần dày đặc những cuộc tham vấn không đi đến đâu, không đạt được kết quả nào cụ thể chứ chưa nói đến “đột phá”, giữa Nga và phương Tây.
Cả 3 lần tiếp xúc, gồm cuộc tham vấn an ninh Nga - Mỹ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1, cuộc họp Hội đồng Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó 2 ngày tại Brussels (Bỉ) và cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo) chiều 13-1 đều chưa thể giúp Nga và phương Tây thu hẹp những khác biệt đang khiến quan hệ giữa hai bên rơi xuống mức “cực kỳ thấp”.
Thực tế cho thấy các bên đều duy trì lập trường cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích riêng, từ đó phơi bày những bất đồng về hàng loạt vấn đề then chốt trong hai dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moscow đã đưa ra trước đó. Các phát biểu từ cả hai phía trước, trong và sau đàm phán đều thể hiện tính “không thỏa hiệp”. Mỹ và NATO đều bác bỏ đề xuất chủ chốt của Nga về việc NATO không tiếp tục mở rộng về phía Đông, đặc biệt là cam kết không kết nạp Ukraine, vốn được Nga coi là “lằn ranh đỏ.”
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng việc mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông sẽ gây ra những rủi ro “không thể chấp nhận được” mà Nga sẽ phải đối mặt, đồng thời đây cũng mà một trong những yếu tố có thể gây tổn hại an ninh châu Âu. Ngược lại, giới chức NATO khẳng định việc để Nga thiết lập một trật tự an ninh mới ở châu Âu là “điều không thể”. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO từ chối thỏa hiệp về việc mở rộng liên minh, đồng thời khẳng định “chỉ Ukraine và 30 quốc gia NATO mới có thể quyết định nước này có trở thành thành viên của khối hay không”.
Nói như chuyên gia James Rogers - đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược Anh: Cách tiếp cận của NATO đối với Nga sẽ không thay đổi và khối này sẽ vẫn là một liên minh phòng thủ tập thể trong quan hệ với Nga.
Về phía Nga, Moscow cũng bác bỏ yêu cầu từ Mỹ và NATO đòi Nga phải rút các đơn vị đang triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine, mà phương Tây cho rằng đồng nghĩa với những ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự. Ngày 14-1, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: Moscow sẽ không thảo luận về những yêu cầu “không thể chấp nhận được” của phương Tây liên quan đến việc Nga bố trí quân sự trên lãnh thổ của mình. Ông cũng cho biết cơ hội tiếp tục đàm phán phụ thuộc vào phản ứng của phương Tây đối với các đề xuất của Moscow và Nga “sẽ không chờ đợi vô thời hạn phản hồi từ Mỹ và NATO”.
Tóm lại, như Tổng Thư ký NATO e ngại, vẫn hiện hữu “nguy cơ đích thực về một cuộc xung đột vũ trang mới ở châu Âu”. Và bởi đàm phán lâm vào bế tắc, Hội đồng châu Âu ngày 13-1 đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga (đã áp đặt từ năm 2014 sau cuộc xung đột ở Đông Ukraina) thêm 6 tháng, cho đến ngày 31-7 tới.
Vấn đề là, trong sự không khoan nhượng đến tận cùng, cả Moscow lẫn phương Tây đều hiểu một cuộc xung đột vũ trang như thế sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai, mà cũng chẳng ai có thể phát triển kinh tế yên ổn trong bối cảnh căng thẳng liên tục leo thang như hiện tại.
Chính vì thế, việc cả Nga và phương Tây đều thể hiện sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường ngoại giao trong giải quyết mâu thuẫn vẫn mở ra một “khe cửa hẹp”.
Giới quan sát quốc tế nhận định, dù các bên chưa thể hóa giải được bất đồng trong những vấn đề cốt lõi nhưng việc các quan chức hai phía có thể cùng ngồi xuống bàn đàm phán phần nào đã giúp các bên hiểu hơn về quan điểm, lập trường của nhau, nhằm tránh những bước đi sai lầm. Hay nói như Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), ông Ivan Timofeev: “Dù sao thì đối thoại vẫn tốt hơn là cắt đứt quan hệ”.
Sẽ không có tiến trình đàm phán nào nhanh chóng đạt được kết quả, với quá nhiều khác biệt trong lập trường then chốt như vậy. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán vẫn sẽ phải diễn ra, tuần tự và bền bỉ, như cách JCPOA đang từng bước được hồi sinh sau những khoảng thời gian dài chìm trong bế tắc.
Thực tế, liệu từ cả NATO lẫn Nga, có bên nào muốn và sẵn sàng xử lý các hệ lụy phát sinh - đặc biệt là việc gánh lấy trách nhiệm khơi màn một cuộc chiến tranh đúng nghĩa, thông qua chuyện tự mình “nổ phát súng đầu tiên”?
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/anh-sang-cuoi-duong-ham-i641931/