Anh cân nhắc việc tham gia phát triển xe tăng tương lai cùng châu Âu

Trang tin quân sự Defense News đăng tải, Bộ Quốc phòng Anh đang đàm phán với Đức và Pháp về khả năng tham gia chương trình phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ mới hay có tên gọi khác là Hệ thống chiến đấu chủ lực trên bộ - MGCS.

MBT mới sẽ thay thế các dòng xe tăng Leclerc, Leopard-2 và có thể là Challenger-2.

Chương trình MGCS do liên doanh các hãng chế tạo Krauss-Maffei Wegmann, Nexter và Rheinmetall thực hiện ở giai đoạn phác thảo thiết kế. Nguyên mẫu của MGCS dự kiến ra mắt vào năm 2035. Hiện tại, chưa rõ phía Anh sẽ tham gia ở mức độ nào tại chương trình MGCS.

Theo thông tin từ hãng chế tạo Krauss-Maffei Wegmann, ở giai đoạn hiện tại, phía Anh có thể tham gia chương trình MGCS ở quy chế quan sát viên. “Việc tìm kiếm thêm các thành viên với tham gia chương trình phát triển xe tăng tương lai là cần thiết để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng chung của châu Âu”, đại diện Krauss-Maffei Wegmann cho biết.

Hình ảnh phác thảo về nguyên mẫu xe tăng MGCS.

Hình ảnh phác thảo về nguyên mẫu xe tăng MGCS.

Các thông tin kỹ-chiến thuật của dòng xe tăng tương lai thuộc MGCS chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, nó sẽ là nền tảng thiết giáp hạng nặng hợp nhất và được tùy biến theo nhu cầu riêng của các quốc gia. Điều này có thể thấy rõ qua việc Pháp có thể trang bị pháo chính cỡ 140mm đã được thử nghiệm trên phiên bản nâng cấp của xe tăng Leclerc, trong khi đó Đức có thể trang bị pháo chính cỡ 130mm với cơ cấu nạp đạn tự động do Rheinmetall phát triển. Cùng với đó, dòng xe tăng mới cũng được trang bị hệ thống giáp phức hợp và công nghệ điều khiển hỏa lực, kết nối thông tin mạnh mẽ, theo mốc thời gian thực trên chiến trường.

Nhiều công nghệ dự kiến trang bị trên xe tăng MGCS tương lai đang được thử nghiệm trên các dòng xe tăng Leclerc, Leopard-2. Đáng chú ý là pháo chính mới cỡ nòng lớn hơn để tăng sức mạnh của hỏa lực bắn thẳng.

Đánh giá về chương trình phát triển xe tăng MGCS, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, đây là nỗ lực bắt kịp với dòng xe tăng tương lai T-14 Armata của Nga, cũng như tạo dựng nền tảng công nghệ quốc phòng của riêng châu Âu và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ ít chú trọng đầu tư, châu Âu, cụ thể là Đức và Pháp sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng mạng lưới công nghiệp phụ trợ để tạo ra các sản phẩm vũ khí ở mức giá có thể sản xuất hàng loạt.

TUẤN SƠN (theo Defense News)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/anh-can-nhac-viec-tham-gia-phat-trien-xe-tang-tuong-lai-cung-chau-au-649335