Ẩn họa khôn lường từ việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế

Do nhiều yếu tố, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bà con các dân tộc vẫn cất giữ, sử dụng súng tự chế mà không lường hết những nguy hiểm và hệ lụy mà nó gây ra. Trong nỗ lực xây dựng địa bàn vững mạnh về an ninh trật tự, BĐBP Lai Châu đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Người dân xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tới giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng chức năng. Ảnh: Bích Nguyên

Người dân xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tới giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng chức năng. Ảnh: Bích Nguyên

Hiểm họa hiện hữu

Đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn có thói quen sử dụng súng kíp, súng cồn tự chế để đi săn bắn hoặc phòng ngừa trộm cắp nhưng không lường hết được những ẩn họa nguy hiểm của việc này. Thực tế, trong thời gian qua, việc sử dụng súng tự chế đã gây ra những vụ việc đau lòng.

Đơn cử, ngày 7/1/2023, 2 người dân là Lỳ Gió Po, sinh năm 1978 và Chu Hà Tư, sinh năm 1998, đều là người Hà Nhì, trú tại bản Nhóm Pó, xã Tá Pạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đi săn bắn từ khoảng 16 giờ. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, cả 2 người về đến cách đầu bản Nhóm Pó khoảng 5km; do bất cẩn, súng trên tay của Tư cướp cò, đạn găm vào người Po. Tư dìu Po đi một đoạn, rồi chạy về bản cầu cứu hỗ trợ. Đáng tiếc là khi người dân bản Nhóm Pó đến nơi (khoảng 1 giờ, ngày 8/1/2023) thì phát hiện Po đã tắt thở.

Trước đó, vào tháng 4/2021, trên địa bàn xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng xảy ra một vụ sử dụng súng tự chế bắn chết người. Theo hồ sơ vụ việc, vào ngày 8/4/2021, đối tượng Phàn Xuân Dũng, sinh năm 1983, ở bản San Dì, xã Nậm Xe rủ 2 người cùng bản đến khu vực đồi Bãi Trâu, Bản Cang, xã Mường So săn bắn. Đến khoảng 16 giờ, Dũng thấy phía dưới taluy âm có động đậy, tưởng gà rừng nên đã chĩa súng ngắm bắn. Đến gần kiểm tra, Dũng mới biết đã bắn nhầm khiến anh Lù Kim Mìn, sinh năm 1978, ở bản Ho Sao Chải, xã Khổng Lao, huyện Phong Thổ tử vong.

Gần đây nhất, vào lúc 16 giờ 30 phút, ngày 15/9/2023, anh Lý Hừ Tư, sinh năm 1995, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tá Pạ, xã Tá Pạ, huyện Mường Tè, trong lúc trèo cây hái quả na rừng tại khu vực khe suối Tá Pạ cách cuối bản khoảng 4km thì bị một người dân (không rõ là ai) dùng súng kíp tự chế bắn gây trọng thương, sau đó, anh Tư được anh Sùng Giá Xá, sinh năm 1996, ở cùng bản đưa đến trạm y tế để cấp cứu.

Những vụ việc trên đã được cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, có thể thấy, việc sử dụng súng tự chế tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người dân như đã kể trên.

Nỗ lực thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Trước tình trạng sử dụng súng tự chế trái phép diễn biến vẫn còn phức tạp, các đơn vị thuộc BĐBP Lai Châu đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, từ tuyên truyền nhỏ lẻ tới tuyên truyền tập trung. Đồng thời, BĐBP Lai Châu cũng phối hợp với người có uy tín, trưởng bản thực hiện rà soát, nắm tình hình cất giữ súng tự chế của bà con để lên kế hoạch vận động người dân giao nộp.

Trong thời gian qua, BĐBP Lai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn, cán bộ xã và già làng, trưởng bản tới tận các thôn, bản biên giới, lán nương của người dân để tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ hiểm họa của việc sử dụng súng, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự nguyện giao nộp súng. Một điểm mới trong công tác dân vận năm nay là một số đơn vị thuộc BĐBP Lai Châu đã tham mưu chính quyền xã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các thôn, bản kết hợp với vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Là một trong số người dân mang súng tự chế tới giao nộp cho lực lượng chức năng, anh Lý A So, bản Pô Tô, xã Huổi Luông cho biết: “Được cán bộ Biên phòng tuyên truyền, tôi nhận thức rõ việc sử dụng súng tự chế là trái pháp luật và có thể gây nguy hiểm cho người khác. Vì thế, hôm nay, tôi tự nguyện giao nộp súng cho cơ quan chức năng”.

Đại úy Phan Thành Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an, quân sự, chính quyền xã Huổi Luông, trưởng bản, Công an viên các bản thành lập 5 tổ vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Cùng với đó, chúng tôi cũng thông tin tuyên truyền qua các nhóm Zalo. Thông qua các quần chúng tốt, chúng tôi nắm tình hình, số hộ đang sở hữu vũ khí và trực tiếp đến tận nhà vận động người dân tự nguyện giao nộp. Trong tháng 11, người dân đã tới nhà trưởng bản, các điểm thu hồi vũ khí tự chế, giao nộp”.

Đến hết ngày 5/11/2023, Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Công an xã tổ chức tuyên truyền về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết quả, người dân đã giao nộp 101 khẩu súng (35 súng kíp, 66 súng cồn), 2 báng súng cồn và 13 nòng súng kíp.

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu, thực hiện Kế hoạch 635/KH-BCH, ngày 29/7/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh. Từ ngày 5/8 đến ngày 13/12/2023, BĐBP Lai Châu đã thu giữ được 272 khẩu súng tự chế các loại (bao gồm 157 súng kíp, 110 súng cồn, 5 súng hơi), 20 nòng súng kíp, 14 quả lựu đạn các loại (10 quả còn nguyên vẹn, 4 quả không có kíp), 1 vỏ đạn cối 82 và 2 báng súng cồn.

Được biết, trong thời gian tới, BĐBP Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Đặc biệt, BĐBP Lai Châu sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu rõ tác hại cũng như những hiểm họa khôn lường của việc sử dụng súng tự chế để tự giác chấp hành các quy định, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép trên địa bàn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-hoa-khon-luong-tu-viec-tang-tru-su-dung-sung-tu-che-post470516.html