Âm tính và sự chủ quan

Vậy là Covid-19 đã quay lại sau hơn 3 tháng 'tạm nghỉ'. Trải qua một thời gian không ngắn phải kiềm chế chuyện đi lại, giao tiếp, lại đúng lúc cao điểm của kỳ nghỉ hè nên tâm lý háo hức cho một chuyến đi chơi là khó tránh khỏi. Trong khi các điểm đến ngoài nước vẫn chưa được nới lỏng thì các điểm tham quan, du lịch trong nước là lựa chọn hàng đầu của các gia đình, nhóm bạn.

Cuộc vui “ngắn chẳng tày gang” khi một ngày cuối tháng 7, Đà Nẵng - điểm du lịch đang hút khách - ghi nhận ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày… Chẳng khác nào sét đánh giữa trời quang! Không biết bao nhiêu người phải tạm dừng cuộc vui, hối hả trở về, thậm chí là mắc kẹt; không biết bao nhiêu người hụt hẫng vì đã lên lịch, đặt chuyến mà chưa kịp xả hơi, nghỉ dưỡng…

Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” lại tiếp tục được triển khai trong các cấp từ Trung ương đến địa phương. Theo các cơ quan y tế, lần bùng phát dịch này phức tạp hơn lần trước do đây là chủng vi rút mới, dù độc tính không thay đổi nhưng lại dễ lây lan hơn. Đà Nẵng đã phải phong tỏa toàn thành phố, nhiều nơi khác phải phong tỏa từng khu vực, từng dịch vụ…

Theo số liệu được công bố, Lào Cai có hơn 1.600 người trở về từ các vùng có dịch. Theo quy định, những người này phải cách ly y tế hoặc cách ly tại nhà. Một điều mừng là đến nay, các test nhanh đã cho kết quả âm tính. Có thể vì điều này nên dù số người diện nguy cơ khá lớn nhưng tâm lý chủ quan lại đang hiện hữu.

Dịch lần này vào thời điểm giao mùa, thời tiết Lào Cai lại lúc nắng, lúc mưa, rất oi bức, việc đeo khẩu trang gây không ít phiền toái, khó chịu, nên trên đường phố, rất ít người đeo khẩu trang khi tham gia giao thông. Tại các điểm tụ họp đông người như chợ, hàng quán, người đeo khẩu trang cũng thưa thớt. Còn tại các điểm giải nhiệt như quán bia hơi, trà chanh… do không phải giãn cách nên dù đã có khuyến cáo của ngành y tế vẫn đông nghẹt khách… Khi tôi bày tỏ lo lắng thì anh bạn phẩy tay: Lào Cai đã có ai dương tính đâu mà phải cuống!

Tâm lý chủ quan không chỉ ở những người không đi, đến từ vùng dịch, mà cả ở những người thuộc diện nguy cơ.

Hàng xóm của tôi, một anh đi qua Đà Nẵng với điểm đến là sân bay. Trở về được 4 ngày thì nhận tin Đà Nẵng có dịch. Ngay khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, anh chủ động cách ly tại nhà. Nhưng chỉ dăm ngày sau, chưa hết thời gian cách ly đã thấy mặt anh ta trên facebook (của người khác) khi tham gia một bữa tiệc ngoài quán. Có thể anh ta nghĩ mình chỉ “quá cảnh”, cũng không tiếp xúc với người dân ở đó. Nhưng sân bay là nơi đến - đi của rất nhiều người, từ các vùng khác nhau, nơi nguy cơ lây nhiễm không nhỏ. Và đã thực hiện cách ly thì phải thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ các quy định.

Hôm rồi, chị bạn tôi bức xúc kể: Cơ quan có mấy người đi du lịch ở vùng dịch về, dù đã hết 14 ngày cách ly nhưng tâm lý mọi người vẫn e ngại lắm vì có những ca bệnh 3 - 4 tuần sau mới có biểu hiện. Góp ý là phải đeo khẩu trang khi giao tiếp thì bị đáp trả: “Ai càng sợ thì vi-rút nó càng lao vào!”. Thật chẳng khác gì… rủa những người cẩn trọng.

Hoặc một người quen của tôi, vừa đi du lịch ở vùng dịch về, mặc dù vẫn thực hiện hết thời gian cách ly nhưng cũng chia sẻ với tâm lý chủ quan: Đã test âm tính rồi thì lo gì!

Theo chia sẻ từ bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người đang tăng cường cho Đà Nẵng: Thực tế đã có những trường hợp âm tính thời điểm sàng lọc nhưng sau đó lại dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian ủ bệnh của hầu hết bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ có thể dài hơn.

Bác sỹ Cấp cho biết, một người đi qua vùng có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bệnh thì việc tự cách ly và theo dõi trong 14 ngày mới là điều quan trọng. Việc xét nghiệm chỉ thực hiện khi cá nhân có các triệu chứng về hô hấp. Việc xét nghiệm sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng có rất ít giá trị. Thậm chí có người sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩ rằng mình không bị bệnh và chủ quan tự phá vỡ các quy tắc cách ly, khi đó họ có thể trở thành nguồn lây cho cộng đồng nếu những ngày sau đó mắc Covid-19.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Không nên lo lắng thái quá dẫn đến hoang mang, tiêu cực nhưng lại đặc biệt không được chủ quan. Hẳn trong chúng ta, không ít người đã đọc những thông tin về sự chủ quan của người trẻ một số nước khi tham gia tiệc tùng, bất chấp dịch bệnh, không khác gì “mời gọi covid” và nhiều người đã phải ân hận muộn màng vì điều đó.

Không chủ quan, không chỉ vì bản thân mình mà còn vì cộng đồng, vì những người lính biên phòng cả nửa năm nay chưa được về thăm nhà, chưa được ngơi nghỉ kể cả lúc dịch tạm lắng; vì những y, bác sỹ gồng mình chạy đua với dịch và vì sự phát triển của cả nền kinh tế - xã hội.

yến lam

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/am-tinh-va-su-chu-quan-z5n20200809090722018.htm