Ai từng từ bỏ mức lương 22 lượng vàng tại Pháp để theo Bác Hồ về nước?

Ông là một kỹ sư đại tài của nền kỹ thuật quân sự Việt Nam. Năm 1946, ông gặp Bác Hồ và quyết định theo về nước để chế tạo vũ khí, giúp nhân dân đánh thực dân Pháp.

1. Ai từng từ bỏ mức lương 22 lượng vàng tại Pháp để theo Bác Hồ về nước?

Tạ Quang Bửu
Trần Đại Nghĩa
Lê Văn Lương
Khuất Duy Tiến

Chính xác

Trần Đại Nghĩa (1913 – 1997), tên thật Phạm Quang Lễ, là giáo sư, kỹ sư quân sự và vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông bộc lộ tư chất thông minh từ nhỏ, thi đỗ nhiều trường nổi tiếng của chính quyền thuộc địa, sau đó tiếp tục tới Pháp để học tập và làm việc.

Tháng 6/1946, hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến ngoại giao sang Pháp, Trần Đại Nghĩa đến sân bay Le Bourget để gặp Bác. Cũng trong dịp này, ông được Bác thuyết phục về nước tham gia kháng chiến, chế tạo vũ khí, giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Đến tháng 9/1946, Trần Đại Nghĩa từ bỏ mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 franc/tháng (khoảng 22 lượng vàng) để về Việt Nam cùng Bác trên chiến hạm Dumont d’Urville, mang theo 1 tấn tài liệu về vũ khí mà ông thu thập được.

2. Quê hương của ông ở đâu?

Sóc Trăng
Vĩnh Long
Bình Phước
Bình Dương

Chính xác

Trần Đại Nghĩa lớn lên trong gia đình nhà giáo nghèo ở xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ông mồ côi cha năm 6 tuổi, được mẹ và chị gái nuôi dưỡng. Năm 1933, ông thi đỗ hai bằng tú tài nhưng không thể ra Hà Nội tiếp tục ăn học vì gia cảnh khó khăn.

Năm 1935, nhận được sự trợ giúp của người quen, ông giành suất học bổng và du học tại Pháp, sau đó tốt nghiệp bằng kỹ sư, cử nhân toán học tại nhiều trường đại học danh tiếng. Trước khi gặp Bác Hồ, Giáo sư Trần Đại Nghĩa làm việc tại Pháp và Đức, trong các xưởng chế tạo máy bay, vũ khí.

3. Loại vũ khí nào của giáo sư Trần Đại Nghĩa đã giúp quân ta tiêu diệt xe tăng Pháp?

Bom ba càng
Mìn chống tăng
Bom bay
Súng chống tăng không giật

Chính xác

Ngay khi về Việt Nam, Trần Đại Nghĩa được cử lên Thái Nguyên, tham gia nghiên cứu súng chống tăng theo mẫu Bazooka của Mỹ với hai viên đạn dự trữ. Từ những kiến thức thu thập được khi học tập, làm việc tại châu Âu, ông và đồng nghiệp chế tạo thành công súng không giật Bazooka (B60), sau đó hoàn chỉnh bản vẽ và phổ biến đến các xưởng quân giới ở Việt Bắc.

Tháng 3/1947, súng B60 lập chiến công đầu tiên khi bắn cháy 2 xe tăng của Pháp tại chùa Trầm, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Đến tháng 4 cùng năm, vũ khí này được sản xuất hàng loạt và gửi tới khắp các chiến trường. Phiên bản cải tiến của Bazooka là SKZ 60 với hỏa lực mạnh, chuyên dùng phá hủy công sự cũng khiến quân Pháp vô cùng sợ hãi.

4. Giáo sư Trần Đại Nghĩa được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang năm nào?

1948
1952
1954
1975

Chính xác

Ngoài chế tạo vũ khí, ông còn mở nhiều lớp đào tạo kỹ thuật cho các cán bộ chiến sĩ. Hầu hết những kỹ sư quân khí chủ chốt của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này đều là học trò của ông.

Năm 1952, tức chỉ 6 năm sau khi trở về nước và 3 năm chịu trách nhiệm “lo vũ khí cho bộ đội”, Trần Đại Nghĩa được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thua đua lần thứ nhất, tổ chức năm 1952.

5. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường nổi tiếng nào?

Đại học Tổng hợp
Học viện Kỹ thuật Mật mã
Học viện Kỹ thuật Quân sự
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Chính xác

Năm 1956, Trường ĐH Bách khoa Hà nội thành lập, giáo sư Trần Đại Nghĩa trở thành hiệu trưởng đầu tiên. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Cuộc đời của Trần Đại Nghĩa là những năm liên tục nghiên cứu, cống hiến cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Ngày 30/4/1975, nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão hồi nhỏ, sứ mạng của tôi đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa…”.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về miền Nam sinh sống và mất tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ai-tung-tu-bo-muc-luong-22-luong-vang-tai-phap-de-theo-bac-ho-ve-nuoc-2283845.html