Ai đã vấy bẩn tâm hồn những đứa trẻ ở Tiểu học Sài Sơn B?
Ai cũng mong câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi.
Vụ cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B huyện Quốc Oai thành phố Hà Nội tố mình bị nhà trường trù dập đang được cơ quan chức năng làm rõ hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Ai cũng mong ngóng câu chuyện được kết thúc nhanh nhất, rồi đây ai có lỗi sẽ bị xử lý nhưng những đứa trẻ ở ngôi trường này vẫn là đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Để thật sự khách quan, chúng tôi đề nghị cần phải làm rõ: Chất lượng rèn luyện đạo đức cũng như chất lượng học tập 2 môn học này của học sinh trước và sau khi cô Tuất nhận lớp thực sự thế nào? Học sinh viết bậy trên bài kiểm tra và vở bài tập sao không bị xử lý mà dồn trách nhiệm vào mình giáo viên bộ môn?
“Học sinh rất ngoan và mặt bằng kiến thức của các con tốt”
Đó là khẳng định của một giáo viên đồng nghiệp cô Nguyễn Thị Tuất tại Trường Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội với Báo Vietnamnet trong bài viết "Vụ cô giáo tố bị 'trù dập' ở Quốc Oai: Nghi ngờ về clip học trò láo, hỗn" đăng ngày 30/3/2021 [1].
Chia sẻ với VietNamNet, một giáo viên khác của Trường Tiểu học Sài Sơn B cho hay tâm lý của bản thân bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau khi các thông tin về vụ việc liên quan đến trường được lan truyền trên mạng, khiến dư luận "dậy sóng".
“Việc này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các phụ huynh, học sinh của trường”, cô giáo này nói.
Theo cô giáo này, khi xem các hình ảnh trên các trang mạng, cô nghi ngại liệu có được cắt ghép hay không. Bởi khi xem kỹ thì thời gian ghi hình vào buổi trưa mà buổi trưa là thời gian các con ăn bán trú. Chưa kể thời gian vào ngày 20/5 - mốc thời gian rất xa thời điểm hiện tại.
Hay hình ảnh học sinh trùm chăn trong giờ học, đây là tấm chăn mà các con sử dụng trong giờ nghỉ trưa những ngày trời lạnh hoặc đắp thêm khi bật điều hòa, chứ không phải học sinh mang đi để làm việc gì đó nhằm mục đích xấu.
Cô giáo này cho hay, trong các giờ dạy của mình, các học sinh đều rất ngoan, lễ phép, lắng nghe và lớp học luôn trong tầm kiểm soát, không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.
“Tôi không hiểu sao cô Tuất luôn nghĩ xấu cho học sinh trong khi tâm hồn của các con rất non nớt, ngây thơ như một tờ giấy trắng như thế. Tại sao không lắng nghe, chia sẻ việc tại sao các con lại không muốn học cô, không muốn nghe cô giảng. Học sinh khối 4 và 5 đã có những bước phát triển tâm sinh lý nhất định, tôi nghĩ ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên khi lên lớp cần phải lắng nghe, chia sẻ với các em”.
Theo cô, sự việc dù chưa rõ đúng sai nhưng ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường lẫn bản thân cô cũng như các đồng nghiệp. Do đó, cô giáo này mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ mọi việc.
Một thông tin khác về chất lượng rèn luyện đạo đức, học tập của học sinh Tiểu học Sài Sơn B
Tìm hiểu về Trường Tiểu học Sài Sơn B, chúng tôi vô tình đọc được bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" của tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí tuệ đăng trên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo ngày 16/12/2020 [2].
Bài viết dẫn lời cô N.T.T, giáo viên tại Trường tiểu học Sài Sơn B cho hay, thời gian qua, học lực của học sinh tại trường xuống mức rất thấp. Cá biệt, một số em còn vò nát bài, viết, vẽ bậy lên kiểm tra và vở bài tập.
Cụ thể, trong quá trình giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý của khối lớp 4, cô T. phát hiện nhiều học sinh “hổng” nặng về kiến thức. “Đối với môn Lịch sử, cả khối lớp 5 rất ít học sinh đạt điểm hoàn thành (trên trung bình). Cá biệt, tại một lớp 4, qua khảo sát có tới 100% học sinh đạt điểm dưới 5”, cô N.T.T chia sẻ.
Theo phản ánh của cô T. và ghi nhận thực tế của phóng viên, trong các bài kiểm tra 2 môn Lịch sử và Địa lý của học sinh lớp 4, lớp 5, nhiều em có dấu hiệu “mất gốc” kiến thức.
Điển hình, bài kiểm tra môn Địa lý của em H. T. H. lớp 4 viết sai khá nhiều lỗi chính tả cơ bản như “rệt vải” (dệt vải), “chồng lúa” (trồng lúa),…
Không dừng lại ở đó, một số học sinh khác thể hiện sự nhầm lẫn, không phân biệt được các đơn vị đo lường. Trong bài kiểm tra môn Địa lý của em N. P. Y. N lớp 5, học sinh này viết “Diện tích nước ta dài 3300 km2”.
Điều đáng nói, ở câu hỏi cuối cùng trong bài kiểm tra nói trên, học sinh này còn thể hiện thái độ coi thường, thách thức giáo viên khi viết: “Tại sao em phải trả lời cô?”
Ngoài các bài kiểm tra, trong vở bài tập của học sinh trường tiểu học Sài Sơn B cũng đầy rẫy các ngôn từ viết rất “bậy”. Cụ thể, trong vở bài tập của em N.V.T lớp 4, học sinh này viết những từ ngữ như: “không biết”, “đ… biết”, “không nói”, “cút”,….
Trước tình trạng nói trên, cô N.T.T cho biết đã phản ánh vấn đề này với Ban giám hiệu (BGH) nhà trường. Tuy nhiên, không những nhận được cảm thông và chỉ đạo khắc phục, BGH lại cho rằng cô N.T.T đang đi ngược với thông tư hướng dẫn của Bộ giáo dục & Đào tạo.
“Vừa qua, BGH giao cho tôi phải dạy và thực hiện với bản chất lượng quá cao, hơn ½ số học sinh hoàn thành tốt. Điều này là bất thường so với lực học của học sinh. Cũng qua kiểm tra, tại lớp 4 của trường có duy nhất 01 em đạt điểm 5, còn lại đều dưới trung bình” – cô T. chia sẻ.
Theo nhà quản lý, tất cả lỗi thuộc về giáo viên?
Liên quan tới vấn đề này, PV (tác giả bài viết đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo, người viết chú thích) đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng giáo dục huyện Quốc Oai để làm rõ thông tin phản ánh. Theo đó, ông Thắng cho biết, cô N.T.T đã có nhiều lần phản ánh tới Phòng giáo dục huyện,lãnh đạo phòng cũng đã nắm được vấn đề này.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, tất cả vấn đề nói trên nằm ở chỗ giáo viên không nắm được phương pháp, giảng dạy học sinh sai. Về việc học sinh viết bậy, coi thường giáo viên là do cô giáo dậy không “đến nơi đến chốn” nên chỉ có 1, 2 học sinh viết “linh tinh”.
“Cô T tự ý khảo sát, cô ấy không nắm được phương pháp dạy. Thế bây giờ cô đọc kỹ hướng dẫn chưa, đi dự giờ chưa, học hỏi đồng nghiệp chưa?....
Làm gì có chuyện chất lượng, chỉ có 1-2 đứa học sinh cá biệt, cô ấy dạy không đến nơi đến chốn thì học sinh mới viết linh tinh vào đấy”, ông Thắng khẳng định.
Tuy ông Thắng cho biết, việc hổng kiến thức, viết, vẽ bậy vào bài kiểm tra chỉ là tình trạng cá biệt nhưng theo ghi nhận của PV, có rất nhiều bài kiểm tra, vở bài tập có dấu hiệu nói trên.
Bên cạnh cách giải thích thiếu hợp lý với thực tế PV ghi nhận, với tình trạng nêu trên, ông Thắng không nêu lên được trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục của huyện. Cùng với đó, các giải pháp để giải quyết tình trạng trên cũng không được đưa ra.
Để xác minh, làm rõ vụ việc nói trên, PV đã liên hệ tới BGH Trường Tiểu học Sài Sơn B nhưng chưa nhận được phản hồi [2].
Ai đang vấy bẩn tâm hồn trẻ?
Viết bậy, chửi bậy vào bài kiểm tra, vào vở bài tập với những lời lẽ ai nghe cũng sốc “Đ… biết"; “không nói”, “cút”,….Ở góc độ giáo dục là không thể chấp nhận được. Do đó, thiết nghĩ ông Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai - Nguyễn Khắc Thắng cần cho công luận biết, có đúng là ông đã trả lời tác giả Đỗ Hùng/Sở hữu Trí Tuệ như trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" hay không?
Bởi nếu đúng như vậy, thì với tư cách là một nhà giáo, người viết cho rằng đây là một sự việc nghiêm trọng trong giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.
Rõ ràng, những ngôn từ học sinh viết bậy lên bài kiểm tra, nó không còn dừng lại ở việc thiếu sự tôn trọng giáo viên mà là sự xúc phạm, coi thường chính người thầy đang dạy dỗ mình hằng ngày trên lớp. Một báo động về sự xuống cấp trầm trọng đạo đức của học sinh trong nhà trường.
Học sinh vi phạm nhưng không bị nhắc nhở, răn đe. Những đứa trẻ tiểu học dễ dàng ngộ nhận những hành vi của mình đối với giáo viên như thế là đúng, là không hề gì.
Và cứ như thế, lần này rồi còn nhiều lần khác sẽ trở thành thói quen, thành chuyện bình thường, dẫn đến hậu họa thật khôn lường. Sự thờ ơ của nhà trường sẽ đào tạo ra những đứa trẻ chẳng coi ai ra gì thì thật nguy hiểm cho xã hội.
Nguy hại hơn, nếu thông tin trong bài viết "Trường tiểu học Sài Sơn B: Học sinh viết bậy vào bài kiểm tra, coi thường giáo viên" là chính xác, phản ánh đúng câu trả lời của ông Trưởng phòng Giáo dục huyện, thì còn gì để nói, khi người đứng đầu ngành giáo dục huyện Quốc Oai cho rằng đó chỉ là "viết linh tinh" và lỗi do giáo viên không biết dậy.
Học sinh tiểu học luôn được ví như tờ giấy trắng. Đây là giai đoạn vàng để hình thành nhân cách một con người. Cha mẹ, thầy cô chính là những người vẽ những nét chữ đầu tiên.
Nếu các em được dạy dỗ nghiêm túc sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan. Ngược lại, những đứa trẻ hư, hỗn láo phản ánh sự dạy dỗ chưa đến nơi đến chốn mà trách nhiệm chính từ phía gia đình, sau mới là nhà trường.
Lẽ ra, trước tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức của học sinh, nhà trường sẽ mời phụ huynh lên thông báo và tìm cách phối hợp giáo dục. Và, chính nhà trường cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này.
Cụ thể là, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường và sau cùng mới đến giáo viên bộ môn.
Bởi, một giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học sẽ có ít nhất 23 tiết dạy trong lớp/tuần. Hầu như ngày nào, giáo viên chủ nhiệm cũng có mặt trong lớp.
Còn giáo viên bộ môn chỉ có vài ba tiết một tuần, dạy lớp này vài tiết sẽ qua dạy lớp kia. Thời gian dạy để hoàn thành kiến thức còn chưa đủ thì lấy thì giờ đâu mà ngồi giảng dạy đạo đức cho các em?
Cô Tuất có sai sẽ có nhà trường giải quyết. Nhưng học sinh hành xử thế này cần phải có biện pháp răn đe nghiêm khắc. Mọi sự dung túng đều làm hại con trẻ.
Không xử lý học sinh nghiêm, hậu quả sẽ là khôn lường
Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, khi một học sinh hư, có những biểu hiện không tốt, giáo viên bộ môn sẽ trao đổi sự việc với giáo viên chủ nhiệm.
Thầy cô chủ nhiệm sau nhiều lần phối hợp với gia đình không đạt kết quả sẽ báo cáo với nhà trường.
Ban giám hiệu mà trực tiếp là hiệu trưởng sẽ có nhiều buổi làm việc với học sinh và phụ huynh. Sẽ có nhiều biện pháp giáo dục, răn đe để các em thấy sai mà sửa chữa cũng là làm gương cho những học sinh khác không dám vi phạm.
Những hành vi của học sinh trong video cô Tuất cũng cấp hay thông tin được cho là học sinh Tiểu học Sài Sơn Bị viết bậy vào sách là không thể chấp nhận được.
Trước khi làm rõ các thông tin này có đúng hay không, nhà trường và phòng giáo dục vội dồn trách nhiệm vào một giáo viên một tuần cũng chỉ có một hoặc vài tiết lên lớp, liệu có bất thường?
Nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra: Tại sao hành vi hư hỏng của học trò lại được bao che, dung túng đến mức như thế?
Tại sao lại dồn trách nhiệm vào mỗi một giáo viên bộ môn? Còn trách nhiệm giáo chủ nhiệm? Trách nhiệm người quản lý nhà trường ở đâu?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/giao-vien-truong-sai-son-b-nghi-gi-vu-co-vu-co-giao-to-bi-tru-dap-723395.html?fbclid=IwAR3vK-yXM4O1DiXQqecFTNO83ZXhO4aSaxUbnqmU-HO5WQ6g5bItAbNxOhw
[2]https://sohuutritue.net.vn/truong-tieu-hoc-sai-son-b-hoc-sinh-viet-bay-vao-bai-kiem-tra-coi-thuong-giao-vien-d86263.html?fbclid=IwAR0SL9Gat6JHjri_CaauVwv8lhQQXYtgUFXrDXBoRjMFItyfeUtlcHQYMck