5 lần bị 'ép' bàn giao, TTGDTX Hà Tây vẫn kiên quyết kiến nghị

Cho rằng quyết định sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của UBND TP.Hà Nội vừa sai đối tượng vừa không thấu tình, đạt lý, TTGDTX Hà Tây đã liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng mong được xem xét lại. Vì thế, dù đã trải qua 5 lần hội nghị, công tác bàn giao vẫn là con số không.

Lãnh đạo TTGTTX Hà Tây rất buồn bã với quyết định sáp nhập.

5 lần bàn giao không thành

Chiều 10.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Khuất Thị Hoa Oanh – Giám đốc TTGDTX Hà Tây (TP.Hà Nội) – xác nhận, cho đến thời điểm hiện tại, qua 5 lần tổ chức hội nghị, việc bàn giao Trung tâm từ cấp TP về cho quận Hà Đông quản lý vẫn không đạt bất cứ kết quả gì. Lý do được cho là, phía TTGDTX Hà Tây cảm thấy việc làm này là hoàn toàn bất hợp lý nên đã liên tục bày tỏ chính kiến tại hội nghị, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền.

“Lần gần đây nhất là chiều 9.12, Phòng Nội vụ quận Hà Đông gửi giấy mời đại diện của Trung tâm đến Quận để bàn giao con dấu, cơ sở vật chất và cả con người. Tuy nhiên chúng tôi trình bày rằng, mọi việc vẫn chưa ngã ngũ bởi đang chờ câu trả lời chính thức từ cấp trên, do đó xin được hoãn bàn giao. Phía Quận nghe vậy cũng thông cảm nên tạm lùi thời gian”, bà Oanh thông tin.

TTGDTX Hà Tây và Quyết định sáp nhập của UBND TP.Hà Nội.

Theo lời vị nữ giám đốc, cũng giống lần này, trong các lần “điều đình” trước (lần lượt vào các ngày 25.11, 29.11, 3.12 và 7.12), TTGTXD Hà Tây luôn nhận được sự cảm thông từ đơn vị chủ trì. “Chúng tôi có niềm tin rằng, trong sự việc này Trung tâm đang bị xử ép quá, nên sớm muộn thì các cấp cũng xem xét lại thật thấu đáo. Hiện Trung tâm đã có công văn số 109 gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội mong muốn có câu trả lời chính thức”, bà Oanh nói.

Cũng trong chiều 10.12, trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Phạm Hữu Hùng - Ủy viên CLB Cán bộ quản lý các TTGDTX cấp tỉnh (thành phố) trong cả nước, người rất tâm huyết với sự nghiệp GDTX – nhận định: “Tôi cho rằng, Sở Nội vụ dựa vào chủ trương tinh giảm biên chế để tham mưu cho UBND TP. Hà Nội sáp nhập TTGDTX Hà Tây vốn trực thuộc TP về cấp Quận là vừa sai luật, sai thông tư mà quan trọng nhất cũng không đúng đối tượng. Bởi TTGDTX Hà Tây hoạt động theo mô hình tự chủ một phần, có lịch sử lâu đời, hoạt động hiệu quả và cũng chỉ có 20 cán bộ. Trong khi đó, Hà Nội còn rất nhiều “biên chế” thừa thãi thì lại không thấy quyết liệt làm”.

Cần thấu tình, đạt lý

Trước đó, như Báo Lao Động đã đưa tin, ngày 28.9.2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.

Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với Luật Giáo dục và nghị định của chính phủ.

Hơn nữa, phạm vi hoạt động của TTGDTX cấp tỉnh, thành phố khác với TTGDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tượng theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương trung tâm đóng; nhiều nhiệm vụ trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, trung tâm cấp huyện không được phép làm.

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng UBND TP.Hà Nội nên xem xét lại Quyết định 5399.

Bàn về câu chuyện đang gây lùm xùm này, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa – nêu quan điểm: Nếu Quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội dẫn đến hệ quả là toàn TP không còn một trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc cấp tỉnh nào là trái với yêu cầu về quy hoạch mạng lưới giáo dục quốc dân được xác định trong Luật giáo dục và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục.

Phân tích về khía cạnh TTGDTX Hà Tây vốn trực thuộc TP, không nằm trong phạm vi sáp nhập được quy định tại Nghị định 75/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV (chỉ sáp nhập các TT cấp quận, huyện), nhưng vẫn bị "ép" sáp nhập, vị chuyên gia trong lĩnh vực luật hành chính này nói:

“Riêng chỗ này theo tôi cần phải được làm rõ. Hà Nội không thể tự mình nghĩ ra luật và càng không thể đứng trên luật. Câu hỏi là Hà Nội căn cứ vào đâu để thực hiện việc sáp nhập này. Xét văn công văn lời của Sở Nội vụ gửi Báo Lao Động ngày 23.11, tôi thấy chưa thỏa mãn".

"Theo tôi để có một quyết định vừa thấu lý, đạt tình thì cần thêm một lần nữa, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức buổi đối thoại để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhà trường, của thầy cô, đồng thời giải đáp những vấn đề pháp lý còn khúc mắc đã được nêu ra trong suốt thời gian vừa qua” – luật sư Quách Thành Lực cho biết thêm.

Long Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/5-lan-bi-ep-ban-giao-ttgdtx-ha-tay-van-kien-quyet-kien-nghi-619180.bld