5 điều không nên khi uống nước chè xanh
Chè xanh là thức uống lành mạnh được nhiều người yêu thích, nhưng dưới đây là 5 điều không nên khi uống nước chè xanh kẻo gây hại cho sức khỏe.
Không nên uống thuốc cùng với chè xanh
Nhiều người có xu hướng nghĩ rằng vì nước chè xanh có lợi cho sức khỏe nên có thể dùng thay nước. Điều đó không đúng. Thuốc chỉ nên dùng theo đơn và chủ yếu là dùng với nước lọc.
Nước chè xanh chứa chất phenophyl có thể phản ứng với một số hóa chất trong dược phẩm. Vì lý do này, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu uống chè xanh.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chè xanh có thể tương tác với các thành phần trong các loại thuốc, làm giảm hiệu quả của thuốc. Chỉ nên uống nước chè xanh sau khi dùng thuốc được 2 giờ.
Không uống nước chè xanh vào buổi tối
Uống nước chè xanh vào buổi sáng sẽ giúp bạn tỉnh táo, làm việc hiệu quả, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tăng cường sinh lực và phòng chống bệnh tật.
Do hàm lượng caffeine trong chè xanh, chè xanh không phải là chất thúc đẩy giấc ngủ tốt nhất và không nên uống loại nước này vào buổi tối.
Không nên uống nước chè xanh trước khi đi ngủ vì nó có chứa caffeine và có tác dụng lợi tiểu. Hãy tiêu thụ nước chè xanh ít nhất 1-2 giờ trước khi đi ngủ.

Chè xanh là thức uống lành mạnh tốt cho sức khỏe.
Không uống nước chè xanh khi bụng đói
Nếu bạn uống nước chè xanh khi dạ dày đang trống rỗng có thể làm loãng dịch vị, khiến chức năng tiêu hóa bị suy giảm. Về lâu dài, thói quen này dễ gây tổn thương niêm mạc, dẫn đến viêm loét hoặc đau dạ dày.
Đặc biệt, các hợp chất có tính chát trong chè như tannin còn kích thích dạ dày tiết nhiều axit, khiến người tiền sử đau dạ dày dễ tái phát cơn đau.
Không uống nước trà đặc
Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thu Hà, Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu cho biết, nước trà quá đặc chứa hàm lượng caffeine cao, có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây cảm giác hưng phấn, tim đập nhanh và khó ngủ, đặc biệt nếu bạn uống nhiều vào buổi tối.
Đối với người nhạy cảm với caffeine, các phản ứng này thường rõ rệt hơn, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày.
Việc duy trì thói quen uống trà đậm trong thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, bồn chồn, lo âu và suy giảm khả năng tập trung. Đặc biệt, với những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc có vấn đề về dạ dày, trà đặc có thể khiến các tình trạng trên nặng hơn.
Vì vậy, để giữ được sự thư giãn và điều hòa nhịp sinh học, bạn nên pha trà ở mức độ vừa phải và tránh uống trà đậm đặc vào cuối ngày.
Không uống nước chè xanh trong bữa ăn
Nước chè xanh chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như catechin, flavonoid và các axit hữu cơ, vốn được biết đến với tác dụng chống oxy hóa. Tuy nhiên, nếu uống nước chè ngay trong bữa ăn, các chất này có thể liên kết với protein và khoáng chất như sắt không heme trong thực phẩm, tạo thành phức hợp gây kết tủa làm đầy bụng khó tiêu và giảm hiệu quả hấp thụ dưỡng chất.
Đáng lưu ý, hoạt chất Epigallocatechin gallate (EGCG) trong trà có khả năng liên kết với sắt không heme trong thực phẩm. Khi sự hấp thu sắt bị cản trở trong thời gian dài, cơ thể bạn sẽ mệt mỏi, giảm sức đề kháng và có nguy cơ thiếu máu.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/5-dieu-khong-nen-khi-uong-nuoc-che-xanh-ar945125.html