Yếu tố 'chặn' đường thoát nạn trong nhà ở kết hợp kinh doanh khi có cháy

Đặc điểm chung của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là sử dụng cửa cuốn và bố trí hàng hóa chắn lối đi. Đây được coi là những vật cản lối thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ.

Khoảng 2h ngày 19/7, một đám cháy đã bùng lên tại nhà ở kết hợp kinh doanh xe đạp, xe máy điện Ánh Dương (thôn Ngãi Cầu, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội).

Chị Tạ Thị Thơ (Hoài Đức, Hà Nội) kể lại, nhiều người đã cố gắng tri hô, dùng bình chữa cháy sẵn có để dập lửa. Thậm chí, dùng xe nâng để phá cửa cuốn nhằm ứng cứu các nạn nhân mắc kẹt bên trong nhưng bất thành.

Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, căn nhà rộng khoảng 120m2 chứa hàng chục xe đạp, xe máy điện cháy đỏ rực.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chữa cháy nhà ở kết hợp kinh doanh xe điện ở Hoài Đức

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 8 xe chữa cháy cùng 50 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa và cứu hộ cứu nạn các nạn nhân. Tuy nhiên, vụ cháy khiến 3 người mắc kẹt bên trong tử vong. Họ đều là thành viên trong một gia đình.

Đại diện Công an huyện Hoài Đức cho biết, khi tiếp cận hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC phải dùng thiết bị chuyên dụng để phá cửa cuốn. Thêm vào đó, do cửa hàng mới nhập thêm nhiều xe, xếp kín tầng 1 nên tốc độ ngọn lửa lan rất nhanh, tạo nhiều khói độc.

"Việc chữa cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh nói chung, cửa hàng buôn bán xe đạp, xe máy điện nói riêng rất khó khăn", đại diện Công an huyện Hoài Đức cho biết thêm.

Nhà ở kết hợp kinh doanh ở Hà Nội sau khi xảy ra hỏa hoạn

Trước đó 4 ngày, tại Hòa Bình xảy ra vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh giầy, dép khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng.

Cụ thể, hồi 3h39 ngày 15/7, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hòa Bình nhận được tin báo cháy nhà tại Tổ 14, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

5 xe chữa cháy, 2 xe cứu thương, xe bồn chở nước cùng 40 cán bộ, chiến sĩ được điều động đến hiện trường.

Lực lượng Cảnh sát PCCC phải chia làm nhiều mũi tiến công, dập lửa, phá cửa cuốn và cắt song sắt để cứu các nạn nhân mắc kẹt.

Tầng 1 của ngôi nhà xảy ra cháy tại Hòa Bình ngổn ngang hàng hóa

Hơn 2 giờ vật lộn với khói lửa, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đưa được 6 nạn nhân mắc kẹt ra ngoài. Tuy nhiên, 3 nạn nhân xấu số đã thiệt mạng, 3 người bị thương.

Quá trình khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận tại tầng 1, 2, cầu thang và nhà vệ sinh của tầng 1 được xếp chật kín giầy, dép. Đây được cho là một trong những yếu tố gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ các nạn nhân. Thêm vào đó, việc cánh cửa cuốn tại tầng 1 rất kiên cố khiến lực lượng PCCC mất thời gian để phá cửa.

Hàng hóa chắn lối thoát nạn khi xảy ra cháy

Ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta có đặc thù là được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có đặc trưng là có 1 lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính của căn nhà tại tầng 1.

Bên cạnh đó, trong các nhà dạng ống có thể sử dụng lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (thường gọi là lối thoát nạn khẩn cấp) để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.

Tuy nhiên, vì lý do an ninh nên các hộ gia đình thường trang bị nhiều lớp cửa tại cửa chính ở tầng 1. Các lối thoát nạn khẩn cấp cũng được trang bị khung sắt kiên cố hoặc bố trí hàng hóa chắn lối.

Hàng hóa được chất cao trong các phòng khiến ngọn lửa lan nhanh

Trường hợp xảy ra sự cố cháy, chính những lớp cửa khiến nạn nhân mắc kẹt khó khăn trong việc thoát nạn. Các lớp cửa cũng đồng thời gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng PCCC&CNCH khi tiếp cận để cứu người và dập tắt đám cháy.

"Lối thoát nạn, hệ thống điện trong nhà, trang bị công cụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đơn giản, bố trí đồ đạc không chặn lối thoát nạn là những điều mà các gia đình phải lưu tâm để đảm bảo an toàn PCCC", vị chuyên gia của Hiệp hội PCCC&CNCH đưa ra khuyến cáo.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/yeu-to-chan-duong-thoat-nan-trong-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-khi-co-chay-2218932.html