Ý Yên gìn giữ giá trị truyền thống trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người thời kỳ mới
Là vùng đất cổ thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng được hình thành sớm, huyện Ý Yên có địa hình trũng, không đồng đều. Hiện trên địa bàn huyện còn một số núi đất sót lại như: núi Phượng Hoàng, núi Bảo Đài… Trải qua nhiều thế kỷ, huyện Ý Yên đã bảo tồn, phát triển được nhiều làng nghề truyền thống... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Vùng “Địa linh, nhân kiệt”
Huyện Ý Yên xưa thuộc Phủ Ứng Phong (thế kỷ XII-XIII), phụ cận Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là vùng đất quan trọng nằm trên đường “thiên lý” (con đường bộ theo bước chân mở đất, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, đi lại của nước ta) từ Hoa Lư ra Thăng Long nên được các triều Vua Lý - Trần quan tâm phát triển nông nghiệp và xây dựng trung tâm Phật giáo. Vào thời Lý, trung tâm tôn giáo Chương Sơn với Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện trên núi Ngô Xá, xã Yên Lợi được xây dựng với quy mô lớn. Đến thời Trần, Đệ Nhất thiền phái Trúc Lâm - Hoàng đế Trần Nhân Tông đã cho dựng Chùa Linh Quang (chùa trăm gian) tại xã Yên Khánh. Cuối thế kỷ XIV, Chùa Đô Quan, xã Yên Khang tiếp tục được xây dựng. Hiện chứng tích còn lưu tại chùa là bệ đá hình hộp hoa sen ở bái đường - một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo đẹp hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Là vùng đất cổ thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng được hình thành sớm, huyện Ý Yên có địa hình trũng, không đồng đều. Hiện trên địa bàn huyện còn một số núi đất sót lại như: núi Phượng Hoàng, núi Bảo Đài… Trải qua nhiều thế kỷ, huyện Ý Yên đã bảo tồn, phát triển được nhiều làng nghề truyền thống như: đúc đồng Tống Xá, mộc La Xuyên, sơn mài Cát Đằng… Sự tài hoa của bàn tay, khối óc các nghệ nhân Ý Yên kết tinh lại trong nhiều tác phẩm, công trình tôn giáo, tín ngưỡng tại quê hương như: Đình Ruối, Đình Cát Đằng, Đình La Xuyên… Về kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian, làng chèo cổ xã Yên Nhân từ lâu nổi tiếng với những làn điệu trong sáng, đậm trữ tình ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, tình làng, nghĩa xóm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cộng đồng.
Ý Yên cũng là “cái nôi” sản sinh ra nhiều người con ưu tú. “Đất học - đất văn” Ý Yên là quê hương của 38 vị Tiến sĩ, Hoàng giáp, Phó bảng, tiêu biểu như: Tiến sĩ xuất thân Ngô Tiêm, Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, Phó bảng Lã Xuân Oai,...; 148 người có học hàm, học vị cao; 39 nhà văn, nhà thơ, NSND, NSƯT; nhà giáo, nhà cách mạng Tống Văn Trân - một trong những đảng viên, cán bộ cộng sản đầu tiên của quê hương. Năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập. Năm 1929, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện được thành lập tại thôn Tiêu Bảng, xã Yên Trung. Kể từ khi có Đảng “soi đường, dẫn lối”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ý Yên đã vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh anh dũng, kiên cường giành nhiều thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Với những thành tích xuất sắc đó, đến nay, huyện Ý Yên có 17/31 xã, thị trấn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Phát huy truyền thống văn hóa trong đời sống hôm nay
Xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời kỳ mới, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Hiện cả 272 thôn, xóm, tổ dân phố ở 31 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với Phòng Tư pháp huyện rà soát, hướng dẫn các xã, thị trấn sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước nếp sống văn hóa phù hợp với tình hình mới. Các bản hương ước, quy ước toàn diện các lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, khuyến học - khuyến tài; đặc biệt là thực hiện các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng… Với các địa phương có làng nghề truyền thống, trong hương ước, quy ước đều quy định chặt chẽ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, an toàn lao động, văn hóa giao thương, tình làng, nghĩa xóm… Hàng năm, các lễ hội làng nghề truyền thống được duy trì tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu. Các làng nghề đều thực hiện tốt các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu biểu như các làng nghề truyền thống: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá (xã Yên Ninh); đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm; làm nón xã Yên Trung...; hay một số làng nghề mới đang phát triển như: nghề may xuất khẩu ở các xã Yên Trị, Yên Tân, Yên Cường; nghề mây, tre, nứa ở các xã Yên Hồng, Yên Thắng; nghề trồng cây cảnh ở các xã Yên Phúc, Yên Phong… Việc bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, xây dựng, phát triển các làng nghề mới đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống được nâng lên là điều kiện thuận lợi để người dân đóng góp kinh phí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Năm 2021, huyện Ý Yên đã huy động được trên 235 tỷ đồng để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên 55 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 29/31 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 205 thôn, xóm, tổ dân phố đạt NTM kiểu mẫu; tỷ lệ khu dân cư văn hóa đạt 99,8%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85,6%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các ngành, đoàn thể tích cực hưởng ứng gắn với các phong trào thi đua như: “Cựu chiến binh phát triển kinh tế, giảm nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Nông dân giúp nhau làm giàu”... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,95%.
Không chỉ cơ sở hạ tầng được đổi mới khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt mà các phong trào, hoạt động xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã mang lại những giá trị to lớn về văn hóa, tinh thần trong đời sống người dân. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, huyện Ý Yên đã huy động được hơn 130 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 30 tỷ đồng, cộng đồng dân cư các thôn, xóm đã hiến hàng nghìn m3 đất để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cơ sở. Hiện cả 31 xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng được nhà văn hóa trung tâm, hội trường UBND các xã, thị trấn, sân thể thao trung tâm; 348 nhà văn hóa, 211 sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Ý Yên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong huyện ngày được nâng cao. Huyện có 4 CLB văn hóa, văn nghệ, 12 CLB thể thao được thành lập thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện; trên 50 tổ, tốp, đội văn nghệ ở 31 xã, thị trấn; khoảng 200 CLB văn hóa, thể thao thôn, xóm, tổ dân phố.
Những thành tựu đạt được trong gìn giữ, kế thừa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Ý Yên tiếp tục phát huy trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tín ngưỡng tâm linh; kết nối các tour du lịch trên địa bàn và với các địa phương lân cận; qua đó quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống con người, vùng đất Ý Yên, góp phần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người mới, phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng