Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024: Cầm chắc trong tay 54 - 55 tỷ USD
Với kết quả hơn 40 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 cầm chắc trong tay 54 -55 tỷ USD.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông có thể chia sẻ những kết quả cụ thể về bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2024?
Tháng 8/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, nông sản chính 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), lâm sản 1,45 tỷ USD (tăng 4,7%), thủy sản 900 triệu USD (tăng 5%). Riêng chăn nuôi 46,5 triệu USD (giảm 4,8%) và đầu vào sản xuất 161 triệu USD (giảm 23%).
Tính chung 8 tháng năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6%; đóng góp vào kết quả này có nông sản 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi 324 triệu USD, tăng 0,3%. Riêng đầu vào sản xuất 1,23 tỷ USD, giảm 6,8%.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu cà phê đạt 4,03 tỷ USD tăng 36,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu gạo đạt 3,85 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều đạt 2,77 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu rau quả đạt 4,63 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm 2,41 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%; giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè xuất khẩu bình quân đạt 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%. Riêng giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 5.701 USD/tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ.
Với kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt được kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp là 54 - 55 tỷ USD. Kết quả này đặt nền tảng cho việc tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp 2024 tương đối vững vàng.
Vậy đâu là yếu tố tác động để ngành nông nghiệp thu được kết quả rất khả quan trong 8 tháng đầu năm 2024, thưa ông?
Để đạt được quy mô xuất khẩu như vậy, có thể kể đến công tác tái cơ cấu của toàn ngành nông nghiệp cũng như từng ngành, từng lĩnh vực của chúng ta đã đi đúng hướng.
Theo đó, trong từng ngành, từng lĩnh vực chúng ta đều có các chiến lược, vào trong mỗi chiến lược này chúng ta đều xây dựng kế hoạch, dự án để triển khai và khởi động các dự án đi vào đúng quỹ đạo.
Ngoài ra, chính những khó khăn phức tạp của tình hình thế giới lại là thời cơ cho chúng ta nắm bắt được, vận hành được và đi sâu vào các thị trường.
Kết quả cho thấy, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường châu Á đạt 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); châu Âu đạt 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); Châu Phi đạt 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương đạt 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Vừa qua, sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu nuôi đã chính thức đã có 'visa' vào thị trường vào thị trường Trung Quốc, việc này mở ra tiềm năng như thế nào cho việc xuất khẩu các mặt hàng này nói riêng, và nông lâm thủy sản của Việt Nam nói chung, thưa ông?
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc…
Riêng với sầu riêng, hiện chúng ta đã có vùng trồng nguyên liệu, có giống, quy trình canh tác, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Do đó, việc sầu riêng đông lạnh có ‘visa’ vào thị trường Trung Quốc sẽ là lợi thế rất lớn.
Đối với dừa, chúng ta có 199,1 nghìn ha với sản lượng 2 triệu tấn. Đây cũng là tiềm năng, lợi thế của một ngành hàng rất lớn.
Với mặt hàng cá sấu, việc có ‘visa’ mở cửa thị trường Trung Quốc đây không chỉ là cơ hội kinh tế, mà còn là động lực để nghề nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Tại Việt Nam, nghề nuôi cá sấu phát triển hàng chục năm qua, trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có tiềm năng và lợi thế rất lớn. Các sản phẩm như thịt, da có giá trị rất cao. Cá sấu rất dễ nuôi, người nuôi có thể tận dụng các sản phẩm động vật dư thừa để nuôi cá sấu.
Vừa qua, việc xuất khẩu cá sấu gặp khó khăn, nên nhiều địa phương, sở nuôi đã phải giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cá sấu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng có thể tiêu thụ thuận lợi.
Hiện quy trình nuôi từ chăm sóc, ấp nở cá sấu… Việt Nam đã làm chủ. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu nắm vững các yêu cầu và quy định của Nghị định thư, giúp các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các Nghị định thư này.
Việc 3 Nghị định thư được ký kết và có hiệu lực, cùng với những sản phẩm xuất khẩu trước đó, và với sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ, ngành chức năng về vấn đề logistics, đường sắt, cửa khẩu thông minh, tôi tin rằng, sản lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tăng.