Xuất khẩu gạo Việt Nam: Giảm lượng, tăng giá trị

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2020 đã tăng tới 10,9% về giá trị. Đáng nói hơn, giá gạo 5% tấm của Việt Nam vươn lên vị trí cao nhất thế giới. Thành công này cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam đang đi đúng hướng, giảm số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Trong ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Tăng chất lượng và giá trị xuất khẩu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo. Trong đó, xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,1% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 18,7%; gạo Japonica và gạo giống Nhật Bản chiếm hơn 4,4%. Giá trị xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nông sản Việt Nam giảm. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, gạo là điểm sáng của xuất khẩu nông sản Việt Nam khi liên tục duy trì được tăng trưởng về giá trị.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình thông tin: Giá gạo thơm xuất khẩu của Trung An hiện nay đạt bình quân 700-900 USD/tấn. Không chỉ ở phân khúc gạo chất lượng cao, giá gạo Việt Nam cũng tăng cao ở các phân khúc khác. “Ước tính, so với năm trước giá gạo xuất khẩu hiện nay tăng 20%-30%”, ông Phạm Thái Bình cho hay.

Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng: Ngoài việc nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng liên quan đến lo ngại vì dịch Covid-19 thì sự tăng giá còn nằm ở chất lượng của gạo Việt Nam.

Đánh giá về mặt hàng được coi là “điểm sáng” của xuất khẩu nông sản hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hào Nam cho biết: Gạo 5% tấm của Việt Nam đang có mức giá cao nhất trên thị trường thế giới. Vì thế, xuất khẩu gạo trong 7 tháng năm 2020 giảm 1,4% về số lượng nhưng lại tăng 10,9% về giá trị. Điều này cho thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đi đúng định hướng: Giảm số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu và tập trung vào phân khúc các loại gạo chất lượng, có giá trị cao.

Chất lượng là yếu tố then chốt

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Từ tháng 8-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, mở ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay và các năm tiếp theo. Ngoài việc được miễn thuế xuất khẩu, hưởng lãi suất, gạo xuất sang thị trường EU đạt giá trị cao hơn, trong đó hiện tại thị trường Đức, Pháp, Thụy Sĩ… có mức giá tới 1.500 USD/tấn. Bên cạnh đó, nhiều thương nhân tại EU sẽ mua gạo Việt Nam xuất sang EU rồi bán đi các nước Trung Đông và thị trường châu Phi nên đây cũng là khối thị trường lớn.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, đi đôi với cơ hội là những thách thức với gạo Việt Nam. Thị trường EU đòi hỏi cao về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… nên chất lượng vẫn là yếu tố then chốt cho xuất khẩu gạo. Như vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu, như giống gạo ST25 ngon nhất thế giới để “định vị” các sản phẩm gạo Việt Nam. Cùng với đó, cần xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cho xuất khẩu. Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả giống lúa ST25 cho rằng, phải xây dựng được vùng nguyên liệu, gắn với quy trình sản xuất an toàn.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đã tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, công ty đã liên kết với nông dân sản xuất trên diện tích khoảng 7.000ha lúa (khoảng 150.000 tấn gạo) để tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao đồng thời có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường “kỹ tính”.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hiện nay, sản xuất lúa gạo của thành phố mới đáp ứng khoảng 65% nhu cầu người dân nên chưa thể xuất khẩu. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ xây dựng 25-30 vùng sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng an toàn phục vụ nhu cầu thị trường thành phố và hướng tới xuất khẩu. Việc xuất khẩu gạo không phải là bất khả thi khi những sản phẩm gạo chất lượng cao đồng thời có giá trị cao luôn có thị trường nhất định.

Để phát triển các vùng lúa tập trung cho xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển phân khúc gạo chất lượng cao và các thị trường có giá trị cao, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, cơ quan này đang xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đón những cơ hội từ EVFTA, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ đẩy mạnh việc phổ biến chính sách cũng như yêu cầu từ các thị trường lớn; giúp doanh nghiệp hoàn thành các hồ sơ pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản nhận định: “Vấn đề cốt yếu quyết định chất lượng hạt gạo vẫn là nông dân và doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp và người nông dân phải thay đổi nhận thức, tư duy trong trồng lúa, xuất khẩu gạo, gắn bó liên kết với nhau để phát triển bền vững”.

Nâng cao chất lượng gạo, tập trung vào phân khúc chất lượng cao, giảm số lượng và tăng giá trị xuất khẩu là hướng đi đúng của ngành lúa gạo Việt Nam, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/976469/xuat-khau-gao-viet-nam-giam-luong-tang-gia-tri