Xử lý xong hơn 9.000 vụ việc liên quan đến tham nhũng
Sáng 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua thanh tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý hành chính gần 7.630 tập thể và trên 8.710 cá nhân. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 48.670 tỷ đồng.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc; có điều kiện thi hành 10.944 việc; đã thi hành xong 9.211 việc; thu được trên 22.000 tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện; tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc dễ tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan liên quan cũng cần đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Chiều 26/11, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Đáng chú ý, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này nhằm giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.