Xoay chuyển trong giới lãnh đạo cao nhất Trung Quốc phơi bày sức nặng châu Âu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp quản vị trí chủ trì hội nghị thượng đỉnh '17 +1' cùng các nhà lãnh đạo châu Âu.
Quyết định thay thế Thủ tướng Lí Khắc Cường tại cuộc họp thường niên này phản ánh sự gia tăng tập trung của Bắc Kinh vào châu Âu trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ, SCMP dẫn lời các nguồn tin cho biết.
Tăng cường chú ý tới châu Âu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường làm chủ tịch cuộc họp hợp tác năm nay giữa Trung Quốc và các nước Trung Âu và Đông Âu, các nguồn tin cho biết.
Động thái này là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhận thấy tầm quan trọng lớn hơn đối với mối quan hệ với châu Âu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Hoa Kỳ.
Lời mời tham gia sự kiện lần này - được Bắc Kinh đưa ra vào năm 2012 và được biết đến nhiều hơn với tên gọi cơ chế "17 + 1" đối với các nước châu Âu tham gia –đã được gửi tới các nhà lãnh đạo châu Âu dưới tên ông Tập Cận Bình, theo các nhà ngoại giao đã nhìn thấy chúng.
Một nguồn tin, người từ chối nêu tên, cho biết ông Tập dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tại thủ đô Trung Quốc và gặp gỡ các vị chức sắc đến thăm.
Về vấn đề ông Lí Khắc Cường bị thay thế sau sáu năm phụ trách, người này nói: "Truyền thống đã thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi".
Ông Lí đã chủ trì tất cả các cuộc họp theo cơ chế 17 + 1 trừ sự kiện đầu tiên, tại đó cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì.
Các nhà quan sát cho biết sự thay đổi người chủ trì là bằng chứng cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nâng cấp mối liên hệ của họ với châu Âu khi sự cạnh tranh với Mỹ đã lan rộng từ thương mại sang các lĩnh vực công nghệ, quốc phòng và thậm chí cả ý thức hệ.
Wang Yiwei, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin Trung Quốc ở Bắc Kinh nói: "Trung Quốc có ý định [tăng cường quan hệ với châu Âu] và các đối tác [17 + 1] cũng vậy".
Sự thay đổi từ ông Lí sang ông Tập, ông Wang nói, cũng là điều phù hợp với sự sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh của ông Tập với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu 27 thành viên sau đó trong năm.
Ông Wang đã đề cập đến một sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Leipzig, sự kiện do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì và có sự tham dự của ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo EU khác.
Các thành viên của nhóm 17 + 1 bao gồm 12 quốc gia thành viên EU - Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Croatia, Slovenia và Hy Lạp - và năm thành viên đang muốn vào EU: Serbia, Bosnia và Herzegovina , Montenegro, Albania và Bắc Macedonia.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hy Lạp vào tháng 11 năm ngoái, ông đã mô tả đất nước này là một mô hình hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu.
Châu Âu còn nhiều băn khoăn
Ông Wang nói rằng trong khi các quốc gia Trung và Đông Âu nghèo hơn muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc vì lý do kinh tế, một số bên cũng muốn sử dụng các liên kết của họ với Bắc Kinh như một cách để họ có thêm đòn bẩy trong EU.
Trong khi bà Merkel và [Tổng thống Pháp Emmanuel] Macron đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc và xúc tiến hàng chục thỏa thuận kinh doanh, các quốc gia ở Đông Âu đã bị cáo buộc gây chia rẽ lục địa này vì sự kết nối của họ với Trung Quốc, ông Wang nói.
Không phải mối quan hệ giữa Bắc Kinh và 17 đồng minh châu Âu đều hoàn toàn thuận buồm xuôi gió.
Các quan chức từ một số quốc gia, từ Baltic đến Balkan, đã phàn nàn về thâm hụt thương mại của họ với Trung Quốc và việc thiếu kết quả hữu hình từ nhóm 17 + 1, mặc dù Bắc Kinh mô tả đây là vùng đất giàu cơ hội hợp tác theo chương trình đầu tư và thương mại hàng tỷ đô la của Trung Quốc - được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong khi đó, các quan chức EU đã chỉ trích nhóm 17 + 1, nói rằng cơ chế này đe dọa làm suy yếu sự thống nhất của khối đối với các chính sách liên quan tới Trung Quốc và cáo buộc Bắc Kinh sử dụng kế hoạch Vành đai và con đường để đạt được ảnh hưởng ở châu Âu bằng cách xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước EU nghèo hơn như Hy Lạp và Hungary.
Trong chuyến thăm tới thủ đô Ljubljana của Slovenia hồi tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ việc Bắc Kinh đang cố chia rẽ châu Âu, nhưng cho biết họ muốn tăng cường hợp tác với 17 đối tác châu Âu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, bảo vệ môi trường và kinh tế kỹ thuật số.
Mặc dù không còn chủ trì sự kiện 17 + 1, ông Lí Khắc Cường vẫn sẽ tham gia chủ trì hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu thường niên tại Bắc Kinh vào tháng 5, các nguồn tin cho biết.