Xe đạp công cộng TP.HCM: 3 năm, chưa lãi
Xe đạp công cộng tại TP.HCM – một dự án đầy tham vọng, mang theo kỳ vọng về một thành phố xanh hơn, sạch hơn, giảm ùn tắc và ô nhiễm. Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai, liệu giấc mơ xanh ấy đã thành hiện thực?
Mô hình xe đạp công cộng có thể "cán đích" lợi nhuận và trở thành một phương tiện giao thông phổ biến tại thành phố năng động này hay không?

Năm 2021, 43 trạm với 388 xe đạp công cộng được TP.HCM đưa vào hoạt động
Hơn 3 năm trước, vào những ngày giữa tháng 12, TP.HCM chính thức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng. Những chiếc xe đạp được bố trí tại các trạm ở khu vực trung tâm, như một làn gió mới thổi vào bức tranh giao thông vốn đã quá quen thuộc với xe máy và ô tô.
Dự án do Tập đoàn Trí Nam đầu tư, với hàng trăm xe đạp, hàng chục trạm xe, được kỳ vọng sẽ kết nối người dân với các phương tiện công cộng khác, như xe buýt, và đặc biệt là tuyến metro số 1.
Thế nhưng sau hơn 1000 ngày đêm, những chiếc xe đạp công cộng ấy dường như vẫn đang "loay hoay" tìm chỗ đứng giữa lòng đô thị.

Tại trục đường Lê Duẩn, gần khu vực Thảo Cầm Viên, chỉ lưa thưa vài chiếc xe ở trạm
Ghi nhận tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) vào một chiều cuối tuần, các trạm xe quanh đây khá đầy, tuy nhiên, số lượng người đến thuê xe không nhiều. Chủ yếu là các bạn trẻ, hoặc khách du lịch, muốn trải nghiệm cảm giác đạp xe dạo phố. Một số người dân đi bộ ngang qua, có dừng lại xem, nhưng rồi lại tiếp tục đi.
Chị Phạm Thị Thanh Nga đã có những chia sẻ: “Đường xá ở Sài Gòn thì rất là đông xe, mình đạp xe thì thấy hơi nguy hiểm cho bản thân. Nếu có một làn đường dành riêng cho người đi xe đạp thì càng tốt, mình đi thì sẽ an tâm hơn”.
Trong khi đó tại trục đường Lê Duẩn, gần khu vực Thảo Cầm Viên. Ở đây, trạm xe đạp có vẻ "vắng vẻ" hơn. Một vài chiếc xe có dấu hiệu bụi bám, chứng tỏ đã lâu không có người sử dụng. Anh Hoàng Phi đang loay hoay mở khóa xe, nhưng có vẻ gặp khó khăn khi không thể kết nối internet thanh toán:
"Khó khăn duy nhất mà mình thấy là mình bắt buộc phải quét mã hay dùng tiền mặt được. Nhiều lúc điện thoại không có wifi hay là mạng 4G thì mình không có sử dụng được dịch vụ này".

Một số trạm xe ''vắng vẻ'' ở những trục đường ít khách du lịch di chuyển
Trái ngược với khu vực trung tâm, tại các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Tân Bình, thành phố Thủ Đức..., lại thiếu vắng các trạm xe đạp công cộng. Điều này gây khó khăn cho những người lớn tuổi có nhu cầu thuê xe đạp để tập thể dục.
Bà Lê Thị Hội chia sẻ: “Tôi thấy có rất ít, nhiều người dân muốn tiếp cận tới loại hình xe này nhưng không được, nếu phát triển thêm ở quận Gò Vấp, Bình Tân thì người dân sẽ tiếp cận được nhiều hơn”
Không chỉ là những rào cản về tâm lý, thói quen, mà ngay cả khi tuyến metro số 1 đã chính thức đi vào hoạt động thì tình hình cũng không mấy khả quan hơn. Tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp công cộng có tăng, nhưng chỉ là những con số rất khiêm tốn.
Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết đến thời điểm này, dịch vụ xe đạp công cộng vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho phía doanh nghiệp:
“Đối với Sài Gòn thì chúng tôi cũng đã có cái đánh giá thường xuyên ở các trạm và liên quan đến metro. Từ ngày mở metro ra thì cái lượng khách họ cũng tăng lên khoảng 1,5 - 2 lần là người sử dụng xe đạp. Đặc biệt là về cái doanh thu thì tới tới hiện tại thì chúng tôi cũng còn đang rất là khó khăn về cái việc mà để đem lại cái lợi nhuận cho cái dịch vụ nà y là gần như là nó chưa có, cái này cũng tôi cũng xin được phép được mà mà nói rõ”.

Một số người dân đi bộ ngang qua, có dừng lại xem những chiếc xe đạp công cộng nhưng rồi lại tiếp tục đi
Dù có những tín hiệu tích cực từ một bộ phận nhỏ người dân, nhưng nhìn chung, xe đạp công cộng vẫn chưa thực sự trở thành một phương tiện giao thông phổ biến và được ưa chuộng. Nguyên nhân xuất phát từ hạ tầng giao thông chưa phù hợp.
TP.HCM thiếu trầm trọng làn đường dành riêng cho xe đạp. Người đi xe đạp phải đối mặt với nguy hiểm khi phải di chuyển chung làn đường với xe máy, ô tô, đặc biệt trong giờ cao điểm. Vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, đẩy người đi bộ và xe đạp xuống lòng đường, càng làm tăng thêm nguy cơ tai nạn.

Phơi nắng, dầm mưa một số chiếc xe đã có dấu hiệu ''tuổi tác''
Để xe đạp công cộng trở thành một phương tiện giao thông thực sự hữu ích, không chỉ là "vật trang trí" cho thành phố. Từ góc độ nhà đầu tư, ông Quân mong muốn cơ quan ban ngành sẽ tạo nhiều điều kiện hơn nữa từ các chính sách thuế phí, cơ sở hạ tầng trong tương lai:
“Cần có chính sách để để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ nhất là về các thủ tục pháp lý để dịch vụ xe lao công cộng để có thể được hưởng những cái quyền lợi ưu đãi như các cái dịch vụ giao thông công cộng khác.
Còn về phía doanh nghiệp thì chúng tôi rất là mong muốn cơ quan nhà nước tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp, trước tiên là có thể không phải thu phí vỉa hè ở các trạm xe này. Ngoài ra ưu đãi về mặt thuế nhập khẩu của các cái phương tiện hoặc là linh phụ kiện cho dịch vụ này trong khi Việt Nam chưa sản xuất được phải nhập khẩu thì miễn hoặc là giảm thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp”.
Con đường phía trước của xe đạp công cộng tại TP.HCM vẫn còn rất nhiều thử thách. Để mô hình này thực sự “cán đích” thành công, cần sự chung tay của cả doanh nghiệp, chính quyền và người dân.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xe-dap-cong-cong-tphcm-3-nam-chua-lai-post1156428.vov