Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em

UBND tỉnh vừa tổ chức Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2023 với sự tham dự của 175 em thiếu nhi tiêu biểu của 11 huyện, thành phố, các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh và 20 phụ huynh của TP.Biên Hòa.

Đại diện thiếu nhi các huyện, thành phố trao đổi ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: N.Sơn

Đây là dịp để đại diện trẻ em trên địa bàn tỉnh bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề của trẻ em, làm cơ sở để xây dựng các chính sách, chương trình phù hợp, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ.

* Môi trường sống của trẻ thiếu an toàn

Tại diễn đàn, một số em bày tỏ lo lắng trước tình trạng thuốc lá điện tử được bày bán bên ngoài cổng trường và tràn lan trên mạng. Thuốc lá điện tử tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, khó phát hiện nên việc xử lý rất khó khăn. Một số học sinh đang trong độ tuổi thiếu nhi do thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, “thích thể hiện” đã không ngần ngại thử và “nghiện” thuốc lá điện tử.

Mất an toàn trên môi trường mạng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu trẻ em quan tâm. Em Nguyễn Hoàng Lan Anh, học sinh Trường THCS Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, với sự phát triển của internet, các thiết bị thông minh và mạng xã hội, trẻ em có cơ hội tiếp xúc internet từ sớm. Các em còn nhỏ, khả năng phân biệt thông tin xấu độc còn hạn chế; trong khi đó, trên mạng vẫn xuất hiện những nội dung không phù hợp lứa tuổi, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ của trẻ.

Một ý kiến khác cho rằng, trên mạng xã hội thường xuất hiện các trào lưu và giới trẻ thường sẽ bắt xu hướng, trào lưu rất kịp thời để thể hiện mình “ngầu” hơn trong mắt bạn bè. Có những trào lưu tốt, nhưng có những trào lưu đi ngược lại với văn hóa, thuần phong mỹ tục như: nói tục, chửi thề… làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của trẻ em. Thậm chí, mạng xã hội còn là môi trường nảy sinh những hành vi phạm tội, trong đó có hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương lắng nghe, ghi nhận đầy đủ các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em tại diễn đàn để có giải đáp hoặc khuyến nghị cơ quan chức năng xem xét, trả lời bằng văn bản sau diễn đàn.

Thêm vào đó là tình trạng bạo lực trẻ em. Ngoài hành vi bạo lực học đường thường được nhắc đến, trẻ còn bị bạo lực trong chính ngôi nhà của mình.

Em Trần Văn Toản, học sinh Trường THCS Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) cho rằng, nhiều bạn đang chịu áp lực từ sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ. Vì muốn con đạt thành tích học sinh giỏi, đậu vào trường chuyên, lớp chọn, nhiều bậc phụ huynh bắt con học ngày học đêm, có khi học tới ngất xỉu vì kiệt sức. Số khác thì áp lực vì bị cha mẹ so sánh với “con nhà người ta”. Không tìm được tiếng nói chung trong thời gian dài, các em thường sẽ im lặng, khép mình. Đây chính là “lỗ hổng” để kẻ xấu có cơ hội tấn công…

* Định hướng để trẻ tự bảo vệ mình

Bên cạnh việc giải đáp các ý kiến của đại diện trẻ em, chuyên gia tâm lý - TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMi (TP.HCM) đã định hướng giúp các em hiểu thêm về những nội dung đặt ra tại diễn đàn. Liên quan đến câu hỏi về mối quan hệ của các em với cha mẹ, theo TS Nguyễn Thanh Tùng, để cha mẹ không áp đặt, ngược lại hiểu và ủng hộ những sở thích, dự định, ước mơ của mình, các em cần chứng minh cho cha mẹ thấy bằng những thành tựu mà mình đạt được; chứng minh cho cha mẹ thấy điều mình nói là đúng bằng những bằng chứng thuyết phục…

TS Nguyễn Thanh Tùng cũng nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng, mỗi người đều có khả năng, thế mạnh riêng, phụ huynh không nên áp đặt mà cần cổ vũ, động viên để trẻ phát huy thế mạnh của mình.

Tại diễn đàn, đại diện các đơn vị của Công an tỉnh đã giải đáp và trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trước tình trạng xâm hại, thuốc lá điện tử, ma túy, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.

Theo chia sẻ của trung tá Nguyễn Thanh Hải, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, ngoài việc nâng cao vai trò giám sát của gia đình, bản thân trẻ khi tham gia môi trường mạng cần tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; không xúc phạm nhân phẩm của tập thể, cá nhân khác; không cung cấp thông tin xấu, độc; không chia sẻ những thông tin, hình ảnh nhạy cảm của bản thân; báo ngay với người lớn khi bị bắt nạt trên mạng; khi tham gia mạng xã hội phải có thời lượng nhất định (tốt nhất là từ 1-2 giờ/ngày)…

Ngoài việc lý giải làm rõ thêm các nội dung đặt ra tại diễn đàn, Giám đốc Sở
LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị đại diện thiếu nhi tham gia diễn đàn trở về địa phương, đơn vị sẽ là những tuyên truyền viên truyền tải những kiến thức, thông điệp của diễn đàn đến các bạn cùng trang lứa để cùng biết cách bảo vệ bản thân trước các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202307/xay-dung-moi-truong-song-an-toan-than-thien-lanh-manh-cho-tre-em-3172337/