Xây dựng luật khung cho tài sản số, AI, 'sandbox'
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định nhiều nội dung về khái niệm, nguyên tắc cho tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).
Chiều 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS).
Quy định về AI, tài sản số
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành CNCNS như nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái CNCNS; doanh nghiệp công nghệ số...
Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”. Theo đó, dự thảo Luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn”. Dự thảo giao Chính phủ xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách riêng để phát triển trong từng thời kỳ.
Về trí tuệ nhân tạo (AI), dự thảo đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Dự thảo cũng quy định về khái niệm, nguyên tắc của tài sản số, tài sản mã hóa và giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Điều kiện miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm là: đã thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật và các nội dung ghi tại giấy phép thử nghiệm; thiệt hại, rủi ro được xác định do nguyên nhân khách quan.
Doanh nghiệp tham gia thử nghiệm nếu làm đúng các quy định của pháp luật, quy định trong văn bản cho phép thử nghiệm mà có xảy ra rủi ro do khách quan thì được miễn trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với khách hàng.
Một nội dung mới nữa của dự thảo là cơ chế thử nghiệm, là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Nguyên tắc thử nghiệm là tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm; thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới; có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm.
Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực CNCNS, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.
Song song với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật CNCNS, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, … để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành CNCNS bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.
Thúc đẩy công nghiệp công nghệ số cần chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh
Qua thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển CNCNS.
Về chính sách phát triển CNCNS, cơ quan thẩm tra cho rằng để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ CNCNS thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ CNCNS nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành công nghiệp công nghệ số.
Về tài sản số, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy lưu ý việc quy định về tài sản số trong Luật CNCNS là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Đối với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cơ quan thẩm tra tán thành việc cần thiết đưa nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số nội dung yêu cầu xác định được lợi ích, nhu cầu, giới hạn thử nghiệm, có cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, các hoạt động tiếp theo sau khi kết thúc thử nghiệm; cân nhắc mở rộng đối tượng thử nghiệm là “sản phẩm, dịch vụ CNS” thay vì “sản phẩm, dịch vụ hội tụ CNS”.
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Về trí tuệ nhân tạo (AI), Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI, đồng thời hạn chế tác động bất lợi.
Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.