Xây dựng định hướng bảo tồn bền vững tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

Vườn Quốc gia nằm ở cực bắc Tây Nguyên, thuộc phía tây tỉnh Kon Tum. Với diện tích 56,249ha còn tồn tại nhiều cánh rừng nguyên sinh, Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho khu vực, chống xói mòm, rửa trôi và bảo vệ các công trình thủy lợi Pleikrong, Yaly, Sesan. Chính vì vậy, cần có định hướng bảo tồn và phát triển bền vững ở VQG Chư Mom Ray.

Thực trạng mô hình bảo tồn bền vững tại VQG

Trong những năm qua với sự nỗ lực của ban quản lý VQG Chư Mom Ray cùng đội ngủ cán bộ trẻ, yêu nghề, mạng lưới quản lý, bảo vệ được bố trí tại 14 trạm Kiểm lâm đều khắp VQG, gắn với các xã vùng đệm và 2 đội Kiểm lâm cơ động.

Đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: Phân định ranh giới, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tuần tra kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh những thành công, những kết quả được trong thời gian qua, VQG Chư Mom Ray cũng đang gặp phải một số vấn đề có thể nói mang tính đe dọa và gây không ít khó khăn, trở ngại cho sự phát triển và ảnh hưởng đến công tác bảo tồn của vườn như: Lực lượng Kiểm lâm còn thiếu quá nhiều so với quy định; tác động tiêu cực của kinh tế thị trường như nhu cầu về các loại lâm sản, đặc biệt là thịt các loại động vật hoang dã, gỗ quý hiếm, nạn phá rừng để làm rẫy… Đang là sức ép ngày càng lớn VQG bằng các hoạt động vi phạm như săn bắt, khai thác, chặt phá rừng làm rẫy.

Tuyến tuần tra của lực lượng Kiểm lâm VQG Chư Mom Ray đã và đang đem lại hiệu quả tốt trong công tác quản lý và bảo về rừng

Nằm ở độ cao từ 200m-1173m so với mực nước biển, địa hình phức tạp chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ, đã tạo cho Chư Mom Ray một khu hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. Chịu ảnh hưởng của nhiệt đới gió mùa, ở đây tồn tại 12 kiểu rừng khác nhau, từ rừng nguyên sinh lá rộng thường xanh, rừng rêu thứ sinh…

Trong đó, có các loài thực vật quý hiếm như: Kim Giao, Thông Tre, Trắc, Cẩm Lai, Gụ Mật. Đặc biệt, ở đây có đồng cỏ thung lủng Ja Book rộng hơn 16.000ha là sinh cảnh sống của nhiều loại thú móng guốc và loài thú ăn thịt như: mang Trường Sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, sói đỏ, mèo rừng, beo lửa và hàng trăm loài bò sát lưỡng cư.

Cần có định hướng bảo tồn và phát triển bền vững ở VQG Chư Mom Ray

Bảo vệ rừng phải dựa vào sức dân, bằng các hoạt động cụ thể như giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng để nâng cao thu nhập, mức sống của người dân, thông qua đó người dân sẽ trực tiếp tham gia các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng, từ đó nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng; Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hình thức phù hợp, sinh động.

Thêm vào đó, cải thiện nâng cao mức sống cho cộng đồng vùng đệm, bằng các giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tạo công ăn việc làm, gắn lợi ích từ rừng tạo điều kiện cho cộng đồng có những thu nhập hợp pháp từ rừng như: Tham gia các hoạt động nhận khoán bảo vệ rừng, hoặc các hoạt động du lịch.

Ngoài ra, VQG Chư Mom Ray có vị trí đặc biệt nằm ở ngã 3 Đông Dương, liền kề với 2 nước bạn cùng có khu bảo tồn Virachay của Vương quốc Campuchia và Dong Am Pham của Lào, đây là một khu vực rất rộng lớn có nhiều điểm tương đồng cả về hệ động thực vật. Do đó, chúng ta cần quan tâm đến hoạt động liên kết bảo tồn giữa 3 nước, nếu làm được điều này thì đây là một giải pháp có tính bền vững hơn cả, vì các loại động vật có tập tính thường xuyên di chuyển. Đặc biệt là những loài thú lớn nhu Hổ, Bò tót…Thế nên, nếu chỉ ở một khu vực nào đó công tác quản lý và bảo vệ không tốt thì nguy cơ mất loài sẽ tăng cao.

Không những vậy, tăng cường công tác đào tào và nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác bảo tồn, công tác nghiên cứu khoa học, cũng như đội ngũ, cán bộ kiểm lâm. Bằng các chương trình như học hỏi, trao đổi kinh kinh nghiệm từ các VQG khác trong khu vực và thế giới.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray cho biết: “Hiện nay, VQG Chư Mom Ray đã và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, luôn quan tâm đến các giải pháp có tính bền vững. Đặc biệt, mong muốn nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có cơ chế chủ động trong các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phát triển khu du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho bà con để bớt đi sự phụ thuộc vào rừng”.

Tiến Nhuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-dinh-huong-bao-ton-ben-vung-tai-vuon-quoc-gia-chu-mom-ray-152086.html