Xây dựng bán đảo nhân tạo

Vào tháng 1/2022, một nhóm gồm các nhà phát triển bất động sản, kiến trúc sư và chuyên gia tư vấn môi trường đã bắt đầu thực hiện một dự án kéo dài 50 năm.

Nếu hoàn thành, nó sẽ trở thành một trong những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất của Đan Mạch cho đến nay: Một bán đảo nhân tạo rộng 271 mẫu Anh được thiết kế để bảo vệ thủ đô Copenhagen khỏi mực nước biển dâng cao.

Dự án sẽ có một đường bờ biển nhân tạo hướng ra eo biển Oresund. Ảnh: CNN

Dự án sẽ có một đường bờ biển nhân tạo hướng ra eo biển Oresund. Ảnh: CNN

Bảo vệ Copenhagen bằng cách thức mới

Nhà phát triển bất động sản By & Havn tin rằng bán đảo nhân tạo được thiết kế giống như áo choàng, được gọi là Lynetteholm, là điều cần thiết để bảo vệ TP cảng.

Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp quốc dự đoán mực nước biển toàn cầu sẽ dâng thêm 9 - 12 inch (23 - 30cm) vào năm 2050. Copenhagen sẽ là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mực nước biển dâng cao, với một số khu vực của TP đã chỉ cách mặt biển nửa mét.

Hans Vasehus - Giám đốc By & Havn cho biết: “Phần lớn Copenhagen và các khu vực xung quanh sẽ bị ngập lụt. Tàu điện ngầm sẽ bị ngập lụt trong trường hợp xấu nhất và chúng sẽ ngừng hoạt động. Copenhagen sẽ bị ảnh hưởng nặng nề".

Các bản thiết kế của Lynetteholm phác thảo một bán đảo hình cánh dơi với một con đập nhỏ phía Tây che chắn cảng của TP. Một đường bờ biển nhân tạo sẽ hướng ra Oresund, một eo biển dẫn ra Biển Baltic. Thay vì bức tường biển bằng bê tông điển hình, các kiến trúc sư cảnh quan hy vọng đây sẽ là một ví dụ về "thiết kế thích ứng" có thể được sử dụng rộng rãi trong tương lai.

Giống như một bãi biển tự nhiên có thể đệm và phản xạ năng lượng sóng mạnh mẽ, các nhà thiết kế tin rằng bờ biển nhân tạo của Lynetteholm sẽ hấp thụ và tiêu tan những con sóng va đập vào. Các kiến trúc sư cho rằng, đường bờ biển rộng và lởm chởm có chủ đích sẽ dễ dàng củng cố và thậm chí nâng cao hơn nhiều nếu mực nước biển vượt quá dự báo so với việc mở rộng một bức tường cao hơn.

Trong khi đó, các kiến trúc sư cảnh quan hy vọng đường bờ biển của dự án được thiết kế để phát triển theo thời gian sẽ thúc đẩy đa dạng sinh học trong vòng 10 - 30 năm tới thông qua sự kết hợp của các vùng đồng bằng, rừng và bãi biển. Sẽ có 35.000 ngôi nhà mới dự kiến được xây dựng trên các vùng đồng bằng của Lynetteholm và mặc dù IPCC khuyên không nên phát triển các dự án mới ở "các vị trí ven biển lộ thiên", nhưng tổ chức này khuyến nghị các dự án xây dựng ưu tiên bảo vệ các hệ sinh thái.

Hình dung về các đảo nổi công viên sắp tới của MAST ở Copenhagen. Ảnh: CNN

Hình dung về các đảo nổi công viên sắp tới của MAST ở Copenhagen. Ảnh: CNN

Bình minh mới của “thiết kế khí hậu”?

Khái niệm trên có thể là thiết kế thích ứng với khí hậu hoặc chống lại sự biến đổi của khí hậu.

Lynetteholm không phải là dự án duy nhất thuộc loại này ở Copenhagen. Trên thực tế, một quần đảo nhân tạo khác sẽ được xây dựng tại bến cảng trong những năm tới. Cũng được phát triển với lưu ý đến mực nước biển dâng cao và ngập lụt đô thị, dự án được thiết kế bởi MAST (một công ty kiến trúc hàng hải có trụ sở tại Copenhagen) hiện đang xây dựng một mô hình kiến trúc nổi mà họ hy vọng một ngày nào đó có thể được sử dụng để xây nhà trên mặt nước.

Đó là bằng chứng rõ ràng hơn về một làn sóng kiến trúc mới tập trung vào sự thích ứng với khí hậu đang bắt đầu xuất hiện. Ngày càng có nhiều công ty lựa chọn tái sử dụng các vật liệu để giảm thiểu tác động của tình trạng khẩn cấp về môi trường hoặc thử nghiệm các kỹ thuật xây dựng đang phát triển. Các kiến trúc sư cảnh quan, chẳng hạn như những người đứng sau Lynetteholm, đang ngày càng đáp ứng được thực tế biến đổi khí hậu với thiết kế thích ứng.

Tuy nhiên, những dự án “thiết kế khí hậu” với quy mô quá lớn sẽ đối mặt với những phản biện của xã hội, thậm chí là rất gay gắt vì nó có thể phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên. Đã xảy ra những cuộc biểu tình chống lại dự án Lynetteholm.

Mặc dù giai đoạn xây dựng đầu tiên của Lynetteholm đã được lên kế hoạch hoàn thành vào đầu năm 2023, nhưng một trong những thách thức lớn nhất của dự án sẽ là thuyết phục được công chúng chấp nhận nó. Vào tháng 11/2022, các nhà phát triển bất động sản By & Havn đã thông báo rằng họ sẽ tổ chức các cuộc họp với đại diện của người dân Copenhagen và khu vực lân cận nhằm nỗ lực đối phó với những lời chỉ trích ngày càng gia tăng.

Người dân lo rằng, vị trí của bán đảo nhân tạo nếu được xây dựng sẽ đe dọa sự cân bằng của tự nhiên vốn mong manh, có thể giết chết các sinh vật và phá hủy môi trường sống. Nhiều người cũng lo ngại chất lượng đất bồi đắp đảo, nó có thể gây ô nhiễm nước và gây hại cho động vật hoang dã. "Chúng tôi quyết định sống ở Copenhagen vì đó là một TP tuyệt vời để sống. Dự án làm bán đảo nhân tạo sẽ khiến Copenhagen trở nên ồn ào và ô nhiễm” - Marcello Morns, một người biểu tình chống dự án nói trên, nói.

Ngân sách dành cho dự án sẽ tăng cao theo thời gian là một vấn đề khác đối với những người phản đối. Theo người phát ngôn của dự án, chi phí xây dựng ban đầu được ước tính là khoảng 350 triệu USD, nhưng sau đó đã tăng lên khoảng 492 triệu USD. Dù gây tranh cãi, nhưng dự án đảo nhân tạo đã được Quốc hội Đan Mạch chấp thuận vẫn sẽ được xây dựng và hy vọng sẽ là áo choàng chở che cho thủ đô nước này trước sự biến đổi của khí hậu ngày càng rõ rệt.

Thế Phong

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-ban-dao-nhan-tao.html