Xã Sào Báy nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững

Cách đây hơn 10 năm, bà Bùi Thị Lòn, xóm Đồi Bổi, xã Sào Báy (Kim Bôi) theo học và mang nghề thêu ren xuất khẩu về làng. Thời gian thấm thoắt, nghề thêu ren phát triển ổn định, cơ sở nghề của bà thu hút đông lao động trong xã và các xã xung quanh.

Cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Lòn, xóm Đồi Bổi, xã Sào Báy (Kim Bôi) tạo việc làm và thu nhập cho 500 lao động nông thôn

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: cơ sở nghề tư nhân do bà Bùi Thị Lòn làm chủ hiện đang tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nông thôn, chủ yếu là lao động nữ trong thời điểm nông nhàn. Bà Lòn vừa đứng ra nhận nguyên liệu cho chị em mang về nhà làm, vừa là đầu mối tiêu thụ sản phẩm gia công gửi về cơ sở đưa hàng đi xuất khẩu. Công việc yêu cầu sự tỉ mỉ nhưng mức độ nhẹ nhàng, không áp lực về thời gian nên nghề thêu ren phù hợp với khả năng và điều kiện của phụ nữ vùng nông thôn. Nhờ sự ra đời của cơ sở này mà chị em có thêm nguồn thu nhập, nhiều chị có thu nhập đảm bảo 4 - 5 triệu đồng từ làm nghề như chị Bạch Thị Thu ở xóm Đồng Hòa, xã Mỵ Hòa; chị Đinh Thị Phương ở xóm Đồi Bổi, xã Sào Báy…

Một tổ hợp tác khác ở xóm Khai Đồi với nghề làm chổi thơm cũng đang phát huy tốt vai trò nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Mô hình do Chi hội trưởng phụ nữ xóm đứng ra làm chủ và lo đầu ra cho hội viên, thu hút khoảng 200 chị em tham gia, thu nhập bình quân 4 – 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn có một số mô hình giảm nghèo hiệu quả, như: chăn nuôi bò sinh sản cải thiện sinh kế thuộc chương trình dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo; nuôi gà an toàn sinh học; trồng bí xanh chất lượng cao…

Không chỉ quan tâm khuyến khích, nhân rộng những mô hình sản xuất trong Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và xây dựng định hướng cụ thể, ban hành nghị quyết phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững sát với thực tiễn của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Hà, đời sống của bà con các dân tộc trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm gần đây, một số lao động trong độ tuổi có xu hướng đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp của TP Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh… Trong phát triển kinh tế, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây hàng hóa có giá trị vào sản xuất, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đơn cử những mùa vụ gần đây, thay vì trồng nhiều dưa bở, bà con đang mở rộng diện tích dưa chuột và các cây họ bầu, bí mang lại hiệu quả cao hơn.

Tính đến cuối năm 2022, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 46 triệu đồng; hộ nghèo còn 113 hộ, chiếm 9,55%. Năm 2023, xã phấn đấu bình quân thu nhập đầu người đạt 52 triệu đồng, kết quả 6 tháng đầu năm bình quân thu nhập ước đạt 30 triệu đồng/người. Bên cạnh nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, một số tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên chú trọng việc chăm lo đời sống, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên, hội viên thuộc diện hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, mở các ngành nghề phụ; phối hợp với các đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đến đoàn viên, hội viên.

Nhằm đa dạng và đẩy mạnh hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững, xã đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp tuyển dụng lao động tuyên truyền chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Với đặc thù của địa phương có nhiều diện tích nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, lao động nông thôn ở các xóm đề xuất nguyện vọng được tham gia các lớp đào tạo, học nghề về du lịch, dịch vụ để có thể được tiếp nhận vào làm nghề tại khu du lịch hiện có và đáp ứng nhu cầu lao động của các điểm du lịch, dịch vụ phát triển trong tương lai. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và giảm nghèo bền vững.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/314/180362/xa-sao-bay-nhan-rong-cac-mo-hinh-giam-ngheo-ben-vung.htm