WHO: Một số biện pháp phòng COVID-19 không hiệu quả và có hại

Nhân viên kiểm dịch phun khử trùng bên trong một tòa án ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

* Nghiên cứu đầu tiên về công dụng của khẩu trang trong phòng COVID-19

Theo Sputnik, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/4 cho biết việc phun thuốc khử trùng hoặc xông khử khuẩn trong nhà hay các phòng kín là không hiệu quả đối với việc phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Những phương pháp phòng virus SARS-CoV-2 này không có tác dụng cần thiết như nhiều người vẫn nghĩ, thay vào đó có gây tổn thương cho mắt, hệ hô hấp và kích ứng da.

Theo các chuyên gia WHO, nếu cần phải khử trùng bất kỳ bề mặt nào, tốt hơn là dùng giẻ lau được ngâm tẩm các chất đặc biệt sau khi dùng bàn chải hoặc giấy ráp loại bỏ các chất bẩn hữu cơ còn sót lại.

WHO cũng khuyến cáo không phun thuốc khử trùng trên đường phố, vì thuốc khử trung sẽ mất tác dụng khi tiếp xúc với bụi bẩn.

Thông báo của WHO có đoạn: "Việc xịt thuốc ở các hành lang, văn phòng hoặc các buồng kín khác không được khuyến khích trong mọi trường hợp. Xét về tác động thể chất, hoạt động này còn có thể gây hại, và sẽ không làm giảm nguy cơ con người bị nhiễm bệnh theo con đường giọt bắn trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp".

Ngoài ra, việc phun thuốc khử trùng lên người có thể gây kích ứng mắt và da, làm co thắt phế quản, buồn nôn và nôn mửa.

Đại dịch COVID-19 đã lan rộng hầu như trên toàn thế giới. Theo số liệu mới nhất của WHO, thế giới đã ghi nhận hơn 4,6 triệu trường hợp nhiễm virus và, hơn 312.000 người đã tử vong.

* Ngày 17/5, một nhóm chuyên gia hàng đầu tại Hongkong (Trung Quốc) cho biết kết quả thử nghiệm ở chuột hamster cho thấy việc sử dụng rộng rãi khẩu trang y tế giúp giảm tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trả lời cho câu hỏi liệu khẩu trang y tế có thể ngăn những người mắc COVID-19, cả có hoặc không biểu hiện triệu chứng, truyền bệnh cho người khác hay không.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hongkong đã đặt lồng chứa những chú chuột hamster khỏe mạnh bên cạnh lồng của những con được tiêm virus SARS-CoV-2. Các khẩu trang phẫu thuật được đặt giữa 2 lồng trong khi không khí lưu thông qua lại giữa hai bên.

Nhóm nghiên cứu phát hiện hơn 60% số chuột khỏe mạnh mắc bệnh trong vòng 1 tuần nếu không dùng khẩu trang. Nguy cơ truyền bệnh nhưng không tiếp xúc giảm hơn 60% khi sử dụng khẩu trang.

Cũng theo nghiên cứu, tỉ lệ lây nhiễm giảm xuống chỉ còn hơn 15% khi các chuyên gia đặt khẩu trang phẫu thuật lên lồng của những chú chuột hamster mắc bệnh và khoảng 35% khi đặt khẩu trang lên lồng của những con khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện những con bị lây bệnh trong trường hợp dùng khẩu trang có lượng virus trong cơ thể ít hơn những con bị lây bệnh mà không sử dụng khẩu trang.

Trả lời báo giới, giáo sư Yuen Kwok-yung, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh điều này rõ ràng chứng tỏ khẩu trang có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn những người mắc bệnh không hoặc có triệu chứng phát tán virus ra xung quanh.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc khẩu trang được sử dụng rộng rãi có vai trò quan trọng bởi hiện nay có nhiều người mắc bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng. Với kết quả nghiên cứu trên, ông Yuen Kwok-yung khuyến cáo tất cả người dân nên đeo khẩu trang trong bối cảnh đại dịch hoành hành hiện nay.

Giáo sư Yuen Kwok-yung là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về virus corona và cũng là một trong những nhà vi trùng học phát hiện ra virus SARS bùng phát năm 2003 cướp đi sinh mạng của 300 người tại Hongkong.

Sau 4 tháng kể từ khi phát hiện ca đầu tiên mắc COVID-19, Hongkong cơ bản đã khống chế được dịch bệnh. Đến nay, vùng lãnh thổ này chỉ ghi nhận 1.056 ca mắc và 4 ca tử vong. Giới chuyên gia cho rằng Hongkong duy trì số ca mắc khá thấp nhờ khẩu trang được sử dụng rộng rãi cùng với hoạt động xét nghiệm, theo dõi và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/239938/who--mot-so-bien-phap-phong-covid-19-khong-hieu-qua-va-co-hai.html