Washington hỗn loạn trong những ngày cuối của ông Trump
Nhà lãnh đạo 74 tuổi đẩy các cơ quan lập pháp vào thế khó, đồng thời đưa ra hàng chục lệnh ân xá gây tranh cãi.
Trước khi lên đường đến Florida nghỉ lễ, Tổng thống Trump gửi đến quốc hội hai cú sốc lớn ngay thềm Giáng sinh, theo Financial Times.
Ông từ chối phê duyệt đạo luật chi ngân sách liên bang, dù đạo luật đã được lưỡng viện thông qua. Điều này dẫn tới nguy cơ chính phủ phải đóng cửa và đặt số phận gói cứu trợ Covid-19 trị giá 900 tỷ USD vào tình cảnh mơ hồ.
Ngày 23/12, khi sắp lên trực thăng Marine One rời Nhà Trắng, ông lại thông báo phủ quyết gói ngân sách quốc phòng 740 tỷ USD.
Sau 4 năm đầy hỗn loạn tại Washington, cùng những tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử từ phía ông Trump, giới quan sát không mấy bất ngờ khi nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục khuấy đảo chính trường trong vài tuần cuối của nhiệm kỳ.
Điều gây lo ngại là chính phủ Mỹ đang đối mặt cùng lúc nhiều cuộc khủng khoảng.
Hỗn loạn ở Washington
Không chỉ cản trở cơ quan lập pháp Mỹ, ông Trump ngày 23/12 tiếp tục gây tranh cãi với một loạt lệnh ân xá mới. Danh sách ân xá được Nhà Trắng tiết lộ ngay sau khi ông lên chuyên cơ Air Force One đến Florida. Trong số nhân vật được ân xá, nổi bật là Paul Manafort - cựu quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông.
Một ngày trước, nhà lãnh đạo đã ân xá một loạt cá nhân khác cũng gây tranh cãi không kém, bao gồm 4 cựu binh đánh thuê Mỹ từng giết hại dân thường Iraq. Những người này làm việc cho công ty an ninh tư nhân Blackwater, được sáng lập bởi Erik Prince - họ hàng với Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos.
Trong những ngày qua, ông Trump đã công kích các thành viên đảng Cộng hòa trên Twitter. Ông chỉ gặp những đồng minh nào ủng hộ các thuyết âm mưu về gian lận bầu cử. Có người còn đề nghị ông áp dụng thiết quân luật và tổ chức bầu cử lại.
Ngày 22/12, tổng thống Mỹ nhắm đến Thượng nghị sĩ John Thune, nhân vật có tiếng nói nặng ký trong đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Thune trước đó mô tả chiến dịch lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump đang sụp đổ "như trúng đạn".
Đáp trả, tổng thống Mỹ gọi ông Thune là người Cộng hòa giả hiệu và chỉ là "cậu nhóc của Mitch", ám chỉ Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện. Ông McConnell, vốn cũng là người ủng hộ nhiệt thành ông Trump, ngày 21/12 đã chính thức gọi ông Joe Biden là "tổng thống đắc cử" sau khi đại cử tri đoàn hoàn tất bỏ phiếu toàn quốc.
Nhà Trắng sau đó gửi một đồ họa đến nhiều thành viên đảng Cộng hòa, lập luận rằng chính sức hút của Tổng thống Trump đã giúp McConnell tái đắc cử vào Thượng viện hồi tháng 11. Đồ họa phô bày thêm sự chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa.
Trút giận hay tính toán?
Theo một số nhà quan sát, Tổng thống Trump có thể đang cố tình gây hỗn loạn để đẩy các đối thủ vào thế khó. Cũng có ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo chỉ đang trút giận vì ông tái tranh cử thất bại.
Giới quan sát lo ngại tình hình hỗn loạn sẽ không chỉ giới hạn ở các đạo luật và lệnh ân xá. Trong những tuần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Washington còn có dấu hiệu chuẩn bị hàng loạt động thái khác có thể dẫn đến bất ổn bên ngoài lãnh thổ.
Trên đường đến Florida, khi đang trên chuyên cơ Air Force One, Tổng thống Trump vẫn đăng tải lên Twitter lời cảnh báo Iran đừng thử thách sức mạnh của nước Mỹ.
"Vài lời khuyên hữu nghị cho Iran: Nếu một người Mỹ bị giết, tôi sẽ buộc Iran chịu trách nhiệm. Nghĩ cho kỹ đi", ông viết.
Những cuộc giằng co tại Washington về ngân sách hoạt động chính phủ không còn lạ lẫm qua nhiều đời thổng thống Mỹ. Tuy nhiên, giữa lúc nước Mỹ đang đối diện nhiều thử thách lớn, việc Tổng thống Trump từ chối duyệt đạo luật ngân sách đã tạo ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ với số ca tử vong mỗi ngày đã gần đạt mức 3.000 người. Chính phủ liên bang còn chưa đánh giá xong quy mô thiệt hại từ cuộc tấn công mạng tinh vi, với một số quan chức Mỹ cho rằng Nga là phía chủ mưu.
Hàng triệu người Mỹ chưa tìm được việc làm và đang dựa vào hỗ trợ từ chính phủ để nuôi sống gia đình. Chính phủ liên bang không có ngân sách hoạt động trong giai đoạn chuyển giao quyền lực cũng đặc biệt nhạy cảm.
"Điểm khác biệt lần này là ông Trump đang cố phá bỏ một dự luật trải qua nhiều khó khăn mới hoàn thành. Chúng ta còn đang ở giao điểm của nhiều cuộc khủng hoảng từ y tế, kinh tế đến không gian mạng. Chúng ta cần sự nghiêm túc hơn bao giờ hết, nhưng chỉ toàn nhận lại những chiêu trò", Tony Fratto, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định.
Nỗ lực cứu vãn tình hình
Đối với Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) 2021, các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đã khẳng định họ quyết tâm và có đủ số phiếu để vô hiệu hóa quyền phủ quyết.
Trong khi đó, những công kích của Tổng thống Trump nhắm vào gói cứu trợ Covid-19 lại là thử thách phức tạp hơn cho các nhà lập pháp.
Gói cứu trợ, kích thích kinh tế 900 tỷ USD đi cùng với một đạo luật chi ngân sách đến 1.400 tỷ USD, cho phép chính phủ duy trì hoạt động khi bước sang năm 2021.
Đạo luật phải được thông qua trước nửa đêm ngày 28/12, hoặc Hạ viện Mỹ thông qua một gói chi tiêu ngân sách tạm thời mới. Nếu nỗ lực này thất bại, chính phủ Mỹ sẽ hết ngân sách hoạt động.
Trong phát biểu ngày 22/12, Tổng thống Trump gọi chi phiếu hỗ trợ 600 USD/người trong gói kích thích kinh tế là "thấp đến ngớ ngẩn".
Ông kêu gọi nâng con số này lên 2.000 USD/người hoặc 4.000 USD/cặp vợ chồng. Những mức hỗ trợ này được đảng Dân chủ ủng hộ từ đầu, nhưng phe Cộng hòa không đồng ý.