Vướng mắc về dự toán mua sắm, sửa chữa tài sản cố định năm 2022 cho đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh

Bộ Tài chính giải đáp vướng mắc về dự toán mua sắm, sửa chữa tài sản cố định năm 2022 cho đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh.

Hỏi: Tôi công tác tại Phòng Kế hoạch Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang xin hỏi như sau: Theo Quyết định phân bổ dự toán mua sắm, sửa chữa tài sản cố định năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh (nguồn vốn sự nghiệp cấp tỉnh quản lý) phê duyệt cho cơ quan tôi mua sắm trong năm có nhiều loại thiết bị, nhưng theo tính chất kỹ thuật của từng loại thiết bị cơ quan tôi chia ra thực hiện 02 gói thầu.

01 gói thầu >100 triệu thì chào hàng cạnh tranh rút gọn qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 01 gói thầu gồm tổng hợp của 03 loại thiết bị có giá >500 triệu thì chào hàng cạnh tranh thông thường qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Trong đó, giá 03 thiết bị theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền có tông giá thiết bị là 520 triệu (thiết bị A:190 triệu, thiết bị B 170 triệu, thiết bị C 160 triệu). Sau khi thuê Tư vấn lập chứng thư thẩm định giá thiết bị có giá của 03 loai thiết bị tổng là: 520 triệu (Trong đó: Thiết bị A 154 triệu, thiết bị B 190 triệu, thiết bị C 176 triệu).

Sau đó cơ quan Tôi tổ chức chào hàng cạnh tranh thông thường qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và có giá sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là:517 triệu đồng (giá thấm hơn giá dự toán được phê duyệt của cấp thẩm quyền (Trong đó: Thiết bị A 152 triệu, thiết bị B: 185 triệu, thiết bị C: 180 triệu) khi gửi qua kho bạc nhà nước thanh toán gói thầu thì bị cơ quan kiểm soát chi của Khoa bạc nhà nước từ chối thanh toán với lý do chi phí từng loại thiết bị có 01 loại thiết bị thấp hơn giá dự toán được phê duyệt và có 02 loại thiết bị cao hơn giá dự toán được phê duyệt.

Vậy cho Tôi hỏi: Cơ quan kiểm soát chi từ chối thanh toán có đúng không? (Hợp đồng của gói thầu là hợp đồng trọng gói) và cách xử lý như thế nào ạ? Cảm ơn!

Trả lời:

* Về căn cứ kiểm soát.

- Tại điểm b, Khoản 2, Điều 12 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 quy định: “Đối với chi thường xuyên phải đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí thi thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ”.

- Tại điểm b, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định:

“b) Đối với chi mua sắm tài sản công:

- Đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị:

+ Đối với chi mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và đơn giá tối đa quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg); đối với trường hợp được điều chỉnh giá phải đảm bảo theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg.

+ Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị: KBNN kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng: KBNN kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) quy định tại Văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành (thẩm quyền ban hành theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg) và đảm bảo không vượt Dự toán chi tiết và mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt…”

Do đó, căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị độc giả nghiên cứu và thực hiện theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Thông tư số 62/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vuong-mac-ve-du-toan-mua-sam-sua-chua-tai-san-co-dinh-nam-2022-cho-don-vi-hanh-chinh-su-nghiep-cap-tinh-d37798.html