Vướng mắc trong quy định về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự
Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu lên một số vướng mắc và đề xuất hoàn thiện quy định về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.
1. Căn cứ pháp lý
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014, Viện kiểm sát (VKS) có thẩm quyền kiến nghị trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp phải kháng nghị.
Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, theo quy định tại Điều 14 Luật tổ chức VKSND năm 2014 và điểm d khoản 3 Điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015), VKS không có quyền kiến nghị, chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Cơ quan có thẩm quyền điều tra) khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm pháp luật.
Trong giai đoạn điều tra, VKS kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, khoảhhhn 6 Điều 166 BLTTHS năm 2015.
Theo quy định tại điểm p khoản 2 và khoản 3 Điều 41 BLTTHS năm 2015 thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn Viện trưởng VKS khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự là “Thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật”. Phó Viện trưởng thực hiện quyền kiến nghị khi được Viện trưởng ủy quyền hoặc phân công. Tại điểm o khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015 cũng có quy định Kiểm sát viên (KSV) được thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Thời điểm thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật là sau khi VKS phát hiện hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp phải kháng nghị. Còn sau bao lâu kể từ khi VKS phát hiện vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì pháp luật chưa có quy định cụ thể. Do đó, VKS có thể kiến nghị ngay sau khi phát hiện vi phạm hoặc tập hợp nhiều vi phạm lại để kiến nghị tổng hợp đối với cơ quan, tổ chức có vi phạm.
Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao đã hướng dẫn một số trường hợp cụ thể KSV báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm, theo đó: Điều tra viên (ĐTV) không nhất trí với yêu cầu kiểm tra, xác minh của KSV (khoản 2 Điều 41); KSV phát hiện vi phạm trong việc gửi, thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho cơ quan, tổ chức (khoản 3 Điều 43); ĐTV không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra (khoản 3 Điều 47); KSV yêu cầu ĐTV tiến hành nhận dạng, nhận biết giọng nói nhưng ĐTV không thực hiện (khoản 3 Điều 53); KSV phát hiện vi phạm về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại (khoản 1 Điều 59).
Kiến nghị phải thể hiện bằng văn bản, theo đúng mẫu số 129 ban hành kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Về hiệu lực,cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của VKS theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 9 Luật tổ chức VKSND năm 2014).
2. Vướng mắc và đề xuất hoàn thiện pháp luật
- Quy định về quyền kiến nghị của VKS trong giai đoạn khởi tố, điều tra chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố không được quy định tại Điều 160, 161 thuộc Chương IX (Khởi tố vụ án), mà lại được quy định tại Điều 166 về kiểm sát điều tra thuộc Chương X (Những quy định chung về điều tra vụ án hình sự), dẫn đến có quan điểm cho rằng trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự (bao gồm hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và khởi tố vụ án), VKS không có quyền kiến nghị đối với Cơ quan có thẩm quyền điều tra.
- Điểm d khoản 3 Điều 160 BLTTHS năm 2015 và khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014 mâu thuẫn nhau về cách thức xử lý của VKS khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT có vi phạm pháp luật, từ đó phát sinh nhận thức, quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm không có quy định quyền kiến nghị nên VKS cần căn cứ điểm d khoản 3 Điều 160 BLTTHS năm 2015 để yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm.
Ý kiến khác cho rằng, VKS có thể ban hành kiến nghị trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014. Trên thực tế, hiện nay các đơn vị vẫn thực hiện quyền kiến nghị khi phát hiện Cơ quan có thẩm quyền điều tra có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ thì cần bổ sung vào BLTTHS năm 2015 thẩm quyền kiến nghị khi kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
- Tại khoản 6 Điều 166 BLTTHS năm 2015 quy định VKS có quyền “Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra”. Như vậy, khi phát hiện việc khởi tố, điều tra của Cơ quan có thẩm quyền điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật, VKS có thể kiến nghị, cũng có thể yêu cầu. Vấn đề đặt ra là, trường hợp nào VKS kiến nghị, trường hợp nào VKS yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm pháp luật? Vấn đề này chưa được quy định tách bạch, rõ ràng.
- Luật tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan đến chức năng kiểm sát việc khởi tố, điều tra của VKS chưa có quy định về việc Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của VKS, dẫn đến thực tế có địa phương, đơn vị trả lời kiến nghị, nhưng cũng có địa phương, đơn vị không có văn bản trả lời, gây khó khăn cho VKS trong việc theo dõi, kiểm tra kết quả tiếp thu, khắc phục vi phạm.
- Mẫu văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra ban hành kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (mẫu số 129) không bắt buộc phải nêu và đánh giá nguyên nhân của vi phạm, trách nhiệm để xảy ra vi phạm. Theo tác giả, việc đánh giá nguyên nhân xảy ra vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong văn bản kiến nghị là cần thiết nhằm giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhận thấy rõ trách nhiệm, thiếu sót của mình để khắc phục, rút kinh nghiệm.
Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung như sau:
- Quy định quyền kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố trong Chương IX (Khởi tố vụ án), cụ thể tại Điều 160 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung quy định về quyền kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật.
- Giải thích, hướng dẫn theo hướng phân định rõ trường hợp nào VKS thực hiện quyền yêu cầu và trường hợp nào VKS phải kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật khi VKS phát hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc điều tra không đầy đủ, vi phạm pháp luật.
- Bổ sung vào Luật tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan đến chức năng kiểm sát việc khởi tố, điều tra của quy định về thời hạn Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của VKS, làm cơ sở để VKS phúc tra, đánh giá kết quả thực hiện kiến nghị.
- Sửa đổi căn cứ ban hành và bổ sung nội dung đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm của vi phạm vào biểu mẫu kiến nghị vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra (mẫu số 129) ban hành kèm theo Quyết định số 15/2018/QĐ-VKSTC ngày 9/1/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao.