Vùng đệm U Minh Thượng xảy ra hơn 400 điểm sụt lún, sạt lở

Hiện nay, tình trạng sụt lún, sạt lở và rạn nứt có nguy cơ sạt lở ở vùng đệm huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, giao thông đi lại của người dân.

Đường tỉnh 965 trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện U Minh Thượng, trong 2 ngày (01 - 02/5/2024) đã xảy ra 9 điểm sụt lún, sạt lở đường giao thông trên địa bàn xã An Minh Bắc, tổng chiều dài 790 m.

Tính từ đầu mùa khô đến nay, vùng đệm U Minh Thượng đã xảy ra 409 điểm sụt lún, sạt lở và rạn nứt nguy cơ sạt lở cao, với tổng chiều dài 10.445 m, gồm: sạt lở 8.250 m, rạn nứt 2.195 m, tập trung trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận. Trong số đó, Đường tỉnh 965 có 59 điểm, tổng chiều dài 1.915 m sạt lở và rạn nứt; đường giao thông nông thôn 350 điểm, tổng chiều dài 8.530m sạt lở và rạn nứt. Tiếp đến, sụt lún, sạt lở đã gây sụp đổ, thiệt hại 38 căn nhà dân; trong đó, xã Minh Thuận 10 căn và An Minh Bắc 28 căn, ước tính ban đầu tổng thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Nhiều người dân ở ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cho biết, bà con ở đây rất lo ngại những điểm đang bị rạn nứt trên mặt đường trước nguy cơ sụt lún, sạt lở cao. Thực tế, phần lớn những điểm bị rạn nứt đều sụt lún, sạt lở gây đổ sụp nhà cửa, chia cắt giao thông, ảnh hưởng việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa và sản xuất sinh hoạt của người dân. Hiện nay, hầu hết dòng kênh, con rạch trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận vùng đệm U Minh Thượng cạn nước, trơ đáy. "Người dân sinh sống trong vùng càng lo ngại hơn khi xuất hiện những cơn mưa lớn đầu mùa sẽ khó tránh sụt lún, sạt lở và tình trạng này sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn, nhất là những khu vực đang bị rạn nứt, những căn nhà trong vùng nguy hiểm thì nguy cơ sụp đổ rất cao", một người dân ở ấp Kinh 5, xã An Minh Bắc nêu.

Đường tỉnh 965 trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết: Huyện đã kịp thời hỗ trợ di dời, thăm hỏi động viên các hộ dân có nhà bị sạt lở, sụt lún; 2 xã vùng bị ảnh hưởng là An Minh Bắc và Minh Thuận huy động lực lượng khắc phục tạm thời những đoạn giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún, thông tuyến để người dân vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể là mở đường tạm, làm rào chắn, gắn biển cấm, giăng dây, lắp biển báo, hệ thống chiếu sáng hoặc sử dụng những vật dụng sẵn có tại địa phương để cảnh báo người dân; cấm các loại ô tô, xe tải không được lưu thông tuyến đường có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Huyện đã lập tờ trình tỉnh xin kinh phí hỗ trợ 3,48 tỷ đồng để hỗ trợ tu sửa nhà ở, sửa chữa, xử lý điểm sạt lở, xây dựng khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai.
Hiện nay, trên vùng đệm U Minh Thượng, huyện đã lắp đặt 128 đèn chiếu sáng tại các điểm sụt lún, sạt lở; mở 35 đường tạm để nhân dân lưu thông và thuận lợi trong việc trao đổi, mua bán nông sản hàng hóa; giăng dây cảnh báo sạt lở 391 điểm để cảnh báo các phương tiện lưu thông; đặt biển cấm, giảm tải trọng, cấm lưu thông... tại 20 ấp với 37 tuyến đường khu vực vùng đệm và đặt 24 biển báo tại các điểm sạt lở trên địa bàn 2 xã An Minh Bắc, Minh Thuận.
Cạnh đó, đối với nhà bị sạt lở, sụt lún, các lực lượng xung kích địa phương hỗ trợ nhân dân di dời những vật dụng trong gia đình đến nơi an toàn và xây dựng nhà tạm để ở và huyện, xã tổ chức đoàn thăm hỏi động viên các gia đình. Đồng thời, địa phương tuyên truyền vận động các hộ có nhà mé kênh trong khu vực vùng đệm di dời đến nơi an toàn và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, nguy cơ sạt lở, sụt lún cao.

Đường tỉnh 965 trên địa bàn xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Lãnh đạo huyện U Minh Thượng cho biết, huyện cùng với các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, nhất là cảnh giác cao độ thời điểm cuối mùa khô đầu mùa mưa có nguy cơ sẽ xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trên địa bàn.

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong phòng chống sạt lở, sụt lún, vận động các hộ dân đang có nhà ở mé kênh trong khu vực vùng đệm di dời đến nơi an toàn và kiên quyết di dời đối với các căn nhà ở khu vực rạn nứt, có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao.
Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng mùa khô năm 2024, với tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh, kết hợp nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất nuôi tôm càng, tưới tiêu hoa màu... của nông dân rất lớn đã làm khô, cạn nước mặt trên các kênh mương trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng, ảnh hưởng đến sản xuất và gây ra tình trạng sạt lở, sụt lún nhà, đường giao thông... trên địa bàn huyện U Minh Thượng.

Lê Huy Hải/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vung-dem-u-minh-thuong-xay-ra-hon-400-diem-sut-lun-sat-lo/331869.html