'Vua trái cây' Trung Quốc chờ bùng nổ: Tham vọng tỷ USD liệu có dễ dàng?
Hàng nghìn cây sầu riêng ở Hải Nam được kỳ vọng chiếm lĩnh thị phần tại đất nước tỷ dân, nơi 'vua các loại trái cây' được yêu thích. Tham vọng tỷ USD của sầu riêng Trung Quốc liệu có thành hiện thực?
Trung Quốc, quốc gia từng hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu sầu riêng, đang từng bước tự chủ với những cây sầu riêng non đầu tiên tại Hải Nam.
Những cây sầu riêng ở Hải Nam (Trung Quốc) mới chưa đầy 5 năm tuổi - ngắn hơn nhiều so với hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi tại các nước Đông Nam Á - hiện đang bước vào giai đoạn ra quả. Điều này đánh dấu bước nhảy vọt của Trung Quốc từ một nước nhập khẩu thuần túy thành nước trồng sầu riêng.
Được ví như "vua của các loại trái cây nhiệt đới", sầu riêng tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc. Các doanh nghiệp đổ vốn đầu tư vào các trang trại trồng cây sầu riêng từ Hải Nam tới các vùng đất cận nhiệt đới như Vân Nam và Quảng Tây.
Du Baizhong, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Hải Nam Youqi, cho biết họ là đơn vị trồng sầu riêng đầu tiên và lớn nhất tại Trung Quốc, với hơn 200.000 cây tại Hải Nam. Ông Du ví von: “Cây của chúng tôi vẫn giống như trẻ mẫu giáo so với Đông Nam Á”.
Hải Nam có khí hậu nhiệt đới, vĩ độ tương tự Đông Nam Á. Tuy nhiên, nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc trồng sầu riêng quy mô lớn. Nguyên nhân là do gió mùa khiến nhiệt độ và lượng mưa thay đổi thất thường, điều này không phù hợp với yêu cầu khí hậu ổn định của sầu riêng.
Năm 2019, Youqi đã trồng sầu riêng quy mô lớn tại Hải Nam, nhưng 6.000 cây giống chết trong giai đoạn đầu tiên, gây thiệt hại hàng triệu USD. Sau đó, công ty đã áp dụng phương pháp trồng xen canh các loại cây có chiều cao khác nhau để tạo môi trường bảo vệ cho cây sầu riêng non.

Tham vọng trồng sầu riêng của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Cây chuối có lá lớn che chắn cây giống sầu riêng khỏi ánh nắng gay gắt giữa trưa, cây cau cao hơn đóng vai trò chắn gió, còn cây dứa thấp giúp giảm nhiệt độ mặt đất. Các biện pháp này đã giúp tăng tỷ lệ sống sót của cây giống lên hơn 95%.
Năm 2023, những cây sầu riêng non đã cho thu hoạch lần đầu tiên khoảng 50 tấn quả. Một năm sau, sản lượng đạt 260 tấn.
Năm nay, Du ước tính tổng sản lượng thu hoạch sẽ đạt 500-600 tấn. Sản lượng có thể tăng đột biến đáng kể trong vòng 2 năm tới, khi mỗi cây có khả năng cho hơn 50 quả sầu riêng. Sầu riêng càng già, càng ra nhiều quả, quả ngọt và béo ngậy.
Cạnh tranh với nhập khẩu?
Du Baizhong cho rằng việc trồng sầu riêng trong nước thay thế nhập khẩu là điều viển vông. "Đông Nam Á có lẽ không cần quan tâm đến việc canh tác quy mô nhỏ của Trung Quốc vì chúng tôi không phải là đối thủ cạnh tranh thực sự", Du nói.
Ngay cả khi toàn bộ đảo Hải Nam trồng sầu riêng, sản lượng vẫn khó lòng đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc mở cửa thị trường sầu riêng tươi cho nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong 4 năm liên tiếp.
Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, năm 2024, tổng lượng nhập khẩu đạt 1,56 triệu tấn, trị giá gần 7 tỷ USD. Trong nhiều năm, Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng tươi duy nhất được chấp thuận, thống trị nhu cầu đang bùng nổ của thị trường Trung Quốc.
Đến năm 2022, Việt Nam đã phá vỡ thế độc quyền này. Thị trường tiếp tục mở rộng khi Philippines được tiếp cận vào năm 2023 và Malaysia vào năm 2024.
Du cho biết sầu riêng trong nước không thể cạnh tranh với Đông Nam Á về năng suất và giá cả, do kinh nghiệm trồng trọt, khí hậu biến động hơn và chi phí lao động cao hơn.
Theo Du, Hải Nam cần học theo mô hình Nhật Bản: tập trung tuyệt đối vào chất lượng thay vì chạy theo sản lượng. Nhật Bản có diện tích đất tương đối nhỏ, nhưng họ ưu tiên chất lượng hơn tất cả mọi thứ trong phát triển nông nghiệp.
Ông nói thêm, chìa khóa để sầu riêng đạt chất lượng cao cấp là chín trên cây, nghĩa là quả được để chín hoàn toàn trên cành cho đến khi rụng tự nhiên.
Do trồng trong nước, sầu riêng chín không cần phải thông quan và có thể tươi mới đến tay khách hàng trên khắp cả nước trong vòng 48 giờ bằng đường hàng không. Hương vị đỉnh cao chỉ kéo dài 3-4 ngày sau khi thu hoạch, với chất lượng giảm rõ rệt mỗi ngày sau đó.
Thực tế, hầu hết sầu riêng nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan, thường được hái khi mới chỉ chín 60-70% và sau đó được làm chín ép bằng hóa chất.
Dù được kéo dài thời hạn sử dụng nhưng điều này làm giảm chất lượng, khiến quả sầu riêng có kết cấu không đồng đều và tăng mùi khét, khiến nhiều người e ngại.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trồng sầu riêng đang thu hút đầu tư lớn tại Trung Quốc. Michael Wang, một chuyên gia về sầu riêng, tiết lộ ông đã tiếp đón hơn 800 nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
(Theo SCMP)