Vòng xoáy chưa có lối thoát

Sau 5 lần đình công rải rác kể từ đầu năm 2023, một cuộc tổng đình công đã diễn ra ngày 7/3 trên toàn nước Pháp khiến các hoạt động kinh tế - xã hội của nước này hầu như tê liệt, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Tuần hành trong cuộc đình công trên toàn quốc, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ, tại Paris, ngày 11/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần hành trong cuộc đình công trên toàn quốc, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ, tại Paris, ngày 11/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc tổng đình công lần thứ sáu này là một trong những chiến dịch lớn nhất mà các nghiệp đoàn Pháp huy động trong nhiều thập niên qua nhằm phản đối dự án cải cách hưu trí. Nhưng tình hình dường như khó sớm có lối thoát khi chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu.

Trường học và các dịch vụ công cộng đóng cửa, tàu điện ngầm và xe lửa bị gián đoạn nghiêm trọng, máy bay ngừng hoạt động, nhà máy lọc dầu đình công... Ngày 7/3 trở thành ngày đặc biệt khó khăn đối với người dân Pháp. Theo ước tính, gần 300 cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc, chủ yếu ở các thành phố lớn, các thị trấn vừa và nhỏ, nơi làn sóng phản đối các cải cách diễn ra mạnh mẽ.

Các cuộc đình công đã ảnh hưởng trực tiếp tới giao thông, ngành năng lượng và các dịch vụ công. Cảnh sát cho rằng có khoảng 1,5 triệu người xuống đường trong khi các nhà tổ chức tuyên bố con số này là 3,5 triệu. Tuy chưa đạt kỳ vọng của những người tổ chức, nhưng cuộc tổng đình công lần này cũng là một trong những chiến dịch lớn nhất suốt nhiều thập niên qua và dự kiến còn kéo dài nhiều ngày, với sự vào cuộc của nhiều nghiệp đoàn.

Các nghiệp đoàn đại diện cho công nhân ngành đường sắt quốc gia SNCF, tàu điện ngầm Paris và ngành năng lượng, trong đó có cả các nhà máy lọc dầu, đã lần đầu tiên kêu gọi đình công luân phiên, với sự tham gia của các ngành công nghiệp khác. Tất cả 8 nghiệp đoàn lớn đã kêu gọi đình công, đẩy đất nước vào tình trạng đình trệ từ ngày 7/3.

Về năng lượng, tuy cuộc tổng đình công mới bắt đầu, nhưng những chuyến hàng bị chặn ở lối ra của tất cả các nhà máy lọc dầu sáng 7/3 cho thấy các cơ sở của TotalEnergies, Esso-ExxonMobil và Petroineos sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 3 trong số 4 kho cảng cho phép nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào Pháp cũng đã bị đóng cửa và dự kiến kéo dài trong 7 ngày. Tổng Thư ký công đoàn CGT Elengy, ông Sébastien Ménesplier, cũng dự báo về một "tuần đen tối" của ngành này với việc giảm sản lượng, đặc biệt là điện hạt nhân.

Về giao thông vận tải, phong trào đình công của nhân viên trong ngành đã khiến hệ thống đường sắt SNCF và giao thông của Paris bị gián đoạn. Trong khi đó, Tổng cục Hàng không dân dụng (DGAC) Pháp đã yêu cầu các hãng giảm từ 20 đến 30% số chuyến bay trong các ngày 7-8/3. Nhiều tài xế xe tải đã tham gia đình công, phong tỏa một số cơ sở công nghiệp, dàn hàng ngang và đi chậm trên các tuyến đường chính, đường cao tốc để cản trở giao thông.

Trong ngành giáo dục, nghiệp đoàn Snuipp-FSU cho biết hơn 60% giáo viên cấp I đình công, hàng nghìn trường học đã đóng cửa trong ngày 7/3. Nhiều sáng kiến bất thường được các công đoàn ủng hộ như đóng cửa hàng, xả trạm thu phí, chiếm dụng các bùng binh… Đây là những cách thức hành động khiến người dân Pháp nhớ lại phong trào "áo gilet vàng" trong các năm 2018 và 2019.

Những người tổ chức biểu tình hy vọng tạo ra một "cơn sóng thần xã hội" nhằm buộc chính phủ phải từ bỏ biện pháp cải cách cơ bản, đó là hoãn việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi. Có 8 tổ chức công đoàn lớn đã kêu gọi thêm 2 ngày đình công, trong đó có ngày 11/3, và yêu cầu được đối thoại với Tổng thống Emmanuel Macron.

Mặc dù vậy, Chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm về nâng tuổi nghỉ hưu và chỉ chấp nhận sửa đổi một số nội dung nhỏ. Nội dung cải cách hưu trí đã được thảo luận tại Quốc hội và hiện đang được tranh luận tại Thượng viện, nơi dự luật sẽ được sửa đổi và thông qua tại cuộc bỏ phiếu cuối cùng của cả hai viện, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3 và muộn nhất là vào ngày 26/3.

Hiện tại, theo kết quả thăm dò, dư luận ủng hộ những người đình công trong việc đòi hoãn tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng khá nhiều người không muốn nghỉ việc để tham gia đình công vì không muốn bị trừ lương, nhất là trong bối cảnh lạm phát gia tăng, giá cả phi mã. Mặc dù công đoàn đã thành lập quỹ đình công để giúp đỡ những người nghỉ việc tham gia các hoạt động này, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

Bên cạnh đó, đình công kéo dài cũng không phải là lựa chọn mà dư luận mong muốn vì họ không hề muốn phải chờ đợi nhiều giờ để đổ xăng, quản lý con cái do trường học vẫn đóng cửa, thủ tục hành chính bị ngưng trệ, hay mất hàng giờ đồng hồ trên những trục đường tắc nghẽn giao thông. Đây là ẩn số lớn với cả chính quyền và đoàn thể, đòi hỏi hai bên cần nhanh chóng đi đến thỏa hiệp và chấp nhận các điều kiện của nhau.

Kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 là chính sách ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron. Ông gọi sự thay đổi trên là "cần thiết" vì theo phân tích và dự báo của các nhà điều tra hưu trí độc lập, quỹ hưu trí trong 25 năm tới sẽ bị thâm hụt và cuộc cải cách này sẽ tạo ra khoảng 17,7 tỷ euro doanh thu để bù đắp phần nào khoản thâm hụt này.

Hơn nữa, hiện tại Pháp cũng đang tụt hậu so với các nước láng giềng và các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu, nơi tuổi nghỉ hưu đã được tăng lên 65 hoặc cao hơn để người dân có đời sống tốt hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt khẳng định rằng 1,8 triệu người về hưu có thu nhập thấp sẽ được tăng lương hưu lên tới 100 euro (106 USD) mỗi tháng kể từ tháng 9 nếu kế hoạch cải cách này được ban hành. Ông nói: "Điều đó sẽ không làm cho họ trở nên giàu có, nhưng đó là một nỗ lực thực sự mà chưa bao giờ nước Pháp thực hiện được mặc dù đã có ý định này từ 20 năm qua".

Tuần hành trong cuộc đình công trên toàn quốc, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ, tại Paris, ngày 31/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần hành trong cuộc đình công trên toàn quốc, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Chính phủ, tại Paris, ngày 31/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, phe phản đối coi những thay đổi này là không công bằng, thiệt thòi cho những người lao động có tay nghề thấp bắt đầu sự nghiệp sớm, đồng thời giảm quyền được nghỉ ngơi và nghỉ hưu lâu khi kết thúc cuộc đời làm việc.

Chiến dịch đình công lần thứ sáu mới chỉ bắt đầu. Thủ tướng Elisabeth Borne nhấn mạnh rằng "những người đầu tiên phải chịu hậu quả khi có đình công là đa số những người dân Pháp yếu thế". Bà tiếp tục khẳng định cải cách lương hưu sẽ đảm bảo tính bền vững của "một trong những trụ cột của mô hình xã hội Pháp".

Chưa rõ liệu các bên có đạt được thỏa hiệp trong vấn đề nóng này hay không, song rõ ràng vòng xoáy tranh cãi chưa có lối thoát hiện nay đang làm tê liệt đời sống xã hội với những thiệt hại đáng kể về kinh tế. Đây cũng là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc, có thể khiến nước Pháp rơi vào bất ổn xã hội.

Nguyễn Thu Hà (Phóng viên TTXVN tại CH Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vong-xoay-chua-co-loi-thoat-20230308161146723.htm