VN-Index giảm về mốc 1.490 điểm phiên cuối tháng 2, nhóm thép, phân bón lội ngược dòng
Loạt cổ phiếu hàng hóa cơ bản thép, than, phân bón... bứt phá mạnh bất chấp áp lực rung lắc mạnh từ các cổ phiếu vốn hóa lớn. Cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM tăng kịch trần.
VN-Index điều chỉnh phiên cuối tháng 2, nhiều nhóm cổ phiếu vẫn lội ngược dòng
Thận trọng mua bán
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch đầu tuần, cũng là phiên cuối tháng 2/2022 với những thông tin khá tích cực về thị trường chứng khoán thế giới.
Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm rất mạnh cuối tuần trước. Dow Jones tăng 834,92 điểm, tương đương 2,51%, lên 34.058,75 điểm. S&P 500 tăng 95,95 điểm, tương đương 2,24%, lên 4.384,65 điểm. Nasdaq tăng 221,04 điểm, tương đương 1,64%, lên 13.694,62 điểm. Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall giảm còn 27,59 điểm.
Chốt tuần, Dow Jones giảm 0,1%, S&P 500 tăng 0,8% còn Nasdaq tăng 1,1%. Bên cạnh đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận nước này đã đồng ý đàm phán với Nga ở biên giới Ukraine - Belarus.
Tuy nhiên, biến động trên thị trường chứng khoán trong nước lại đi ngược với những thông tin tích cực này. VN-Index chỉ nhích lên trên mốc tham chiếu trong khoảng thời gian ngắn sau đó đều giao dịch trong sắc đỏ.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ đã gây áp lực rất mạnh lên VN-Index. VIC giảm đến 2,7% xuống 77.000 đồng/cổ phiếu và lấy đi của VN-Index 2,02 điểm. VHM giảm 1% xuống 77.500 đồng/cổ phiếu và cũng lấy đi của VN-Index 0,88 điểm. Các cổ phiếu lớn như PNJ, BCM, PDR, HVN, VRE... cũng chìm trong sắc đỏ.
Hôm nay cũng là một phiên không tốt đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó, CTG giảm 2%, BID giảm 1,9%, HDB giảm 1,5%, ACB giảm 1,3%...
Trong khi đó, HNX-Index vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh, nhờ các mã như PVS, TVC, LAS hay PHP. Trong đó, PVS tăng 3,3% lên 34.900 đồng/cổ phiếu. TVC tăng trần lên 22.300 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. HNX-Index tăng 0,26 điểm (0,06%) lên 440,42 điểm. UPCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,41%) xuống 112,2 điểm.
Số lượng mã chứng khoán tăng/giảm ngang ngửa. Trên 3 sàn, số mã tăng và tăng trần lần lượt là 402 mã và 72 mã; trong khi số mã giảm thậm chí ít hơn, với 429 mã giảm và 12 mã giảm sàn.
Giao dịch diễn ra không sôi động bằng phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 28.100 tỷ đồng, giảm 8,7%. Trong đó, giá trị khớp lệnh giảm 8,9% xuống mức 26.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường phiên hôm nay với 35,2 triệu đơn vị. POW đứng thứ 2 trong danh sách này với khối lượng khớp lệnh 28,4 triệu đơn vị. Phiên hôm nay POW giảm 2,8% xuống 17.350 đồng/cổ phiếu.
Xét về giá trị giao dịch, nhóm cổ phiếu thép đặc biệt thu hút dòng tiền trong phiên hôm nay. HPG là cổ phiếu duy nhất đạt mức thanh khoản nghìn tỷ đồng (1.654 tỷ đồng). Đồng thời giá cổ phiếu cũng tăng lên vùng đỉnh giá giao dịch trong tháng 2 khi đóng cửa ở mức 47.200 đồng/cổ phiếu (+2,83%). Ngoài ra, NKG và HSG tăng kịch biên độ cũng thu hút mạnh dòng tiền với thanh khoản đều trên 800 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng đột biến gần 800 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên hôm nay, trong đó tập trung bán ròng 795 tỷ đồng ở sàn HoSE. HPG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 350 tỷ đồng. Các cổ phiếu gồm CTG, VIC, KBC, HDB... cũng nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.
Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với 142 tỷ đồng. Các mã như NLG, TPB, VRE... nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.
Điểm sáng nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản
HPG là tâm điểm chú ý của phiên giao dịch cuối tháng 2/2022 khi vừa là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất, khối ngoại bán ròng mạnh nhất nhưng vẫn là cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index.T
op 5 cổ phiếu dẫn dắt chỉ số sàn HoSE phiên 28/2 cũng là các cổ phiếu hàng hóa cơ bản nhờ động lực của xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là dầu khí, phân bón.
Dòng cổ phiếu thép, dầu khí, than và phân bón trở thành điểm sáng của thị trường khi đồng loạt bứt phá. Ở nhóm thép, các cái tên như TNS, KVC, HSG, NKG, SMC hay TLH đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HPG tăng 2,8% lên 47.200 đồng/cổ phiếu. HPG là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp cho chỉ số này 1,46 điểm.
Còn tại nhóm cổ phiếu than, HLC, TMB, THT, MDC, TDN, TVB, NBC hay TC6 đều được kéo lên mức giá trần. CLM và CST cũng tăng lần lượt 8,8% và 8,2%.
Ở nhóm cổ phiếu phân bón, bộ đôi cổ phiếu DCM và DPM đều được kéo lên mức giá trần. Hai cổ phiếu này cũng góp lần lượt 0,38 điểm và 0,36 điểm cho VN-Index. Cùng với đó, tại nhóm dầu khí, GAS tăng 0,7% lên 118.000 đồng/cổ phiếu và đứng thứ 2 về độ ảnh hưởng tích cực đến VN-Index.
Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cho rằng dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.
Cùng đó, Nga hiện là nước xuất khẩu phân đạm, NPK hàng đầu thế giới. Dưới tác động của các lệnh trừng phạt và việc Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để phòng vệ, giá phân bón dự kiến tiếp tục leo thang trong năm 2022.